Cuộc chiến cải tổ DN nhà nước ở Indonesia: David chống Goliath?
Cuộc đối đầu giữa Bộ trưởng doanh nghiệp nhà nước Dahlan Iskan và các quan chức chính phủ ngày một căng thẳng khi ông nỗ lực chấn chỉnh những doanh nghiệp “khủng long” đang gây thiệt hại cho quốc gia.
Ngày 5-11, hàng trăm công chức đã tụ họp bên ngoài tòa nhà Hạ viện Indonesia để bày tỏ ủng hộ với Bộ trưởng doanh nghiệp nhà nước Iskan. Ông đang phải ra đối chất sau khi cáo buộc các quan chức đã moi tiền của các doanh nghiệp nhà nước. Báo Jakarta Post cho biết khoảng 200 nhân viên nhà nước thuộc nhiều doanh nghiệp từ đường sắt, dược đến sản xuất máy bay, vũ khí... đã có mặt. “Chúng tôi ủng hộ cuộc chiến của ông Iskan” - một nhân viên thuộc Hãng dược PT Kimia Farma cho biết.
Tham vọng cải cách của Bộ trưởng doanh nghiệp nhà nước Indonesia Dahlan Iskan khiến nhiều quan chức khó chịu -
|
Với giới truyền thông, ông Iskan cho biết trước hạ viện ông đã công khai tố cáo ba trường hợp sai phạm liên quan đến hai quan chức trong số ít nhất mười người mà ông nghi vấn, nhưng ông từ chối tiết lộ cụ thể. Ông cũng tự nhận là đã không biết lượng sức mình khi tự nhận lấy “sứ mệnh dọn dẹp” để làm trong sạch hóa chính phủ, bởi chính Bộ Doanh nghiệp nhà nước do ông lãnh đạo cũng không sạch sẽ gì hơn “một ổ tham nhũng”.
Tuy nhiên, việc làm của ông lại khiến không ít quan chức khác lo ngại. Không khó hiểu là việc ông phải ra đối chất trước hạ viện và bị tố ngược cũng chỉ là một trong những đòn phản công đối với ông.
Con bò sữa vắt ra tiền!
Thật ra, những tức tối âm ỉ đã bùng lên cách đây không lâu sau khi Bộ trưởng nội vụ Dipo Alam tiết lộ tin nhắn cá nhân mà ông Iskan đã gửi cho ông, trong đó chỉ trích các quan chức đang vòi tiền các doanh nghiệp nhà nước thì mới chịu thông qua ngân sách năm tới cho doanh nghiệp.
Trước đó, ông Iskan đã “chọc vào ổ kiến lửa” khi đòi hạn chế các chuyến “công tác ảo” ở nước ngoài của giới quan chức lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, vốn đã gây thiệt hại hơn 260 triệu USD cho ngân sách quốc gia. Trong giới quan chức lập tức sau đó đã xuất hiện những đòn phản pháo cho rằng ông Iskan đã “phóng đại” mọi chuyện trong khi ông “cũng chẳng sạch sẽ gì”, như lời chỉ trích của Chủ tịch hạ viện Marzuki Alie.
"Các quan chức không hiểu rằng nhiệm vụ của họ là phục vụ cử tri chứ không phải là các tài khoản ngân hàng của họ. Những người có tư tưởng như vậy trở thành những con đỉa thò vòi hút ngân sách quốc gia".
Chuyên gia khoa học văn hóa Donny Syofyan thuộc Đại học Andalas
|
Những ý kiến chỉ trích còn vạch rõ trong thời gian từ năm 2009 đến 2011 khi ông Iskan lãnh đạo Công ty điện lực quốc gia PT Perusahaan Listrik Negara, doanh nghiệp này đã thua lỗ hơn cả Công ty PT Perusahaan Listrik Negara. Phó lãnh đạo Cơ quan kiểm toán tối cao Indonesia Hasan Bisri sau đó đã lên tiếng khẳng định thua lỗ này không phải là lỗi của lãnh đạo công ty. Về khoản lỗ này, ông Iskan đã giải thích số tiền được dùng mua máy phát để đáp ứng cơn khát điện trong khi lại chưa có khả năng xây dựng nhà máy mới. Ông cũng từ chối nói về nghi ngờ có tham nhũng trong việc mua máy mà con trai ông có tham gia bởi “chối có nghĩa là thừa nhận anh có tội”.
Vụ việc căng thẳng đến mức tổng thống Indonesia tuần trước đã phải triệu Bộ trưởng Iskan đến gặp trực tiếp để nhắc nhở ông cần duy trì mối quan hệ tốt với các quan chức. Dù vậy, sau phiên đối chất ngày 5-11, ông Iskan vẫn giữ ý định sẽ báo cáo các vụ việc cho Ủy ban bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) bất chấp đe dọa là ông có thể bị kiện vì vượt quyền.
Nhiều ý kiến ủng hộ ông Iskan. Indra, một thành viên Ủy ban hạ viện, cho rằng việc làm của ông là rất quan trọng để nhổ tận gốc nạn tham nhũng trong chính phủ. “Tôi tin chắc những nghi ngờ của ông Iskan không phải là vô cớ” - Indra nhấn mạnh. Budi Purnomo Karjodihardo, điều phối viên tổ chức vận động minh bạch trong các doanh nghiệp nhà nước Bumn Care, cũng nhận định ông Iskan đang trở thành mục tiêu tấn công vì ông đã dám tấn công vào lợi ích cố hữu của những quan chức chuyên moi tiền các doanh nghiệp. Người tiền nhiệm của ông Iskan, cựu bộ trưởng Sofyan Djalil, cũng thừa nhận trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhà nước giống như những con bò sữa để các quan chức cấp cao vắt tiền. “Bóc trần sai phạm này thì có thể hi vọng sẽ có thay đổi lớn trong hành xử của chính phủ” - ông Djalil nhấn mạnh.
David và Goliath
Cuộc đối đầu giữa Bộ trưởng Iskan và các quan chức khác trong chính phủ không phải mới mẻ gì sau những hành động khác người của ông. Lên nhậm chức, ông đã cắt giảm hơn một nửa các cuộc hội họp, báo cáo, phản đối mọi sự can thiệp của quan chức chính phủ vào các doanh nghiệp nhà nước và trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp. Ông mạnh tay đóng cửa những doanh nghiệp thua lỗ sau khi cách chức một số lãnh đạo làm việc kém hiệu quả, điển hình là trường hợp giám đốc Hãng hàng không Merpati Nusantara hồi tháng 5-2012 do thua lỗ đến 2,1 triệu USD mỗi tuần.
Trên báo Jakarta Post, chuyên gia khoa học văn hóa Donny Syofyan thuộc Đại học Andalas giải thích những suy nghĩ vượt qua khuôn khổ của ông Iskan khiến các chính trị gia lo ngại. Dưới quyền quản lý của ông, các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước có thể bị thay thế nhanh hơn, dễ dàng hơn mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. “Ít can thiệp hơn đồng nghĩa với việc các chính trị gia có ít cơ hội hơn để ăn cắp tiền của nhà nước” - ông Syofyan nhấn mạnh.
Cuộc chiến để cải tổ hệ thống doanh nghiệp nhà nước của ông Iskan đang được báo chí ví như cuộc đối đầu giữa chàng tí hon David và gã khổng lồ Goliath. Tuy nhiên, cuộc đối đầu dường như đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng và “không khó để người dân lựa chọn giữa một hạ viện không đáng tin cậy với một người sẵn sàng dẹp bỏ những tệ trạng thối nát mà người dân đang phải hứng chịu hậu quả”. Một số ý kiến thậm chí còn cảnh báo việc cản trở nỗ lực của ông Iskan cũng sẽ làm bùng lên làn sóng giận dữ của người dân.
TRẦN PHƯƠNG
tuổi trẻ
|