Chứng khoán Tuần 29/10 - 02/11: “Dấu ấn” từ các đại gia họ Đặng
Việc ông Đặng Thành Tâm bất ngờ xuất hiện giúp chứng khoán đảo chiều. Trong khi thông tin bên lề xung quanh ông Đặng Văn Thành và gia đình lại lấy đi của thị trường 1.2 tỷ USD chỉ sau một phiên, lớn hơn rất nhiều so với “sự kiện” Bầu Kiên trong tháng 8.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 29.10 - 02.11.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 4.20% xuống 375.26 điểm, HNX-Index giảm 5.08% xuống 51.06 điểm. VS 100 giảm 5.56% đang ở 55.32 điểm và VN30 giảm 4.38% đứng tại 441.90 điểm.
Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm mạnh trong tuần qua. VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 4.11%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 3.77%, VS-Small Cap giảm 2.54% và VS-Micro Cap giảm thấp nhất 2.29%.
Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 3.3% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng khá mạnh hơn 23%.
EIB tiếp tục có giao dịch thoả thuận đột biến trong tuần với tổng khối lượng giao dịch lên tới 63.2 triệu đơn vị. Từ đầu năm đến nay đã có gần 30% vốn điều lệ của EIB được sang tay thỏa thuận.
Giao dịch thị trường đã bắt đầu xuất hiện những nỗ lực đảo chiều trong một số phiên giao dịch. Thị trường có được khởi sắc trong phiên chủ yếu nhờ vào:
(1) Thông tin ông Đặng Thành Tâm bất ngờ xuất hiện tại cuộc họp Quốc hội đã tạo động lực cho “bộ đôi” ITA và KBC đảo chiều trong một số phiên giao dịc và đã tác động tốt đến giao của thị trường.
(2) Giao dịch thỏa thuận tăng mạnh ở EIB không chỉ tác động tích cực đến giao dịch khớp lệnh của mã cổ phiếu này mà còn lan tỏa đến nhiều cổ phiếu Large Cap, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ.
(3) Kết quả kinh doanh khả quan và việc tạm ứng cổ tức 10% bằng tiền mặt đã giúp kích thích giao dịch gia tăng ở MBB và góp phần thúc đẩy sự hưng phấn của thị trường.
Mặc dù vậy, tâm lý thận trọng tiếp tục chi phối mạnh đến trường, khiến mọi sự ”chống đỡ” đều tỏ ra yếu thế. Áp lực bán gia tăng mạnh ngay khi thị trường tăng điểm khiến sắc xanh không thể duy trì đến cuối phiên.
Thanh khoản có phần cải thiện trong những phiên giảm điểm nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp, cho thấy mức độ thờ ơ của giới đầu tư ngày càng gia tăng, bất chấp mức giá rẻ hiện nay ở phần lớn các mã cổ phiếu.
Phiên giao dịch cuối tuần, những thông tin bên lề xung quanh ông Đặng Văn Thành và gia định đã có tác động mạnh. Các chỉ số giảm lao dốc, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm Ngân hàng và Chứng khoán. Vốn hóa thị trường trong phiên này đã mất đi tổng cộng 24,438 tỷ đồng, tương đương 1.2 tỷ USD.
Tuy vậy, việc thị trường giảm mạnh đã kích thích lực cầu bắt đáy bùng nổ và thanh khoản được cải thiện đáng kể trong phiên giao dịch này.
Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục bỏ tiền gom vào cổ phiếu khi thị trường sụt giảm. Mặc dù giao dịch chưa thực sự sôi động nhưng việc khối ngoại duy trì quan điểm mua vào cũng giúp giới đầu tư trong nước bớt lo âu.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 60.7 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở GAS với 34.3 tỷ đồng, tiếp theo là HSG với 17.1 tỷ đồng, DPM với 10.8 tỷ đồng và MBB với 9.1 tỷ đồng. Khối ngoại bất ngờ bán ròng mạnh nhất SSC với 10.5 tỷ đồng, VCF với 6.6 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 12.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất LAS với gần 6.6 tỷ đồng và DBC với 3.6 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 1.7 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 01/11 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK quay đầu bán ròng nhẹ hơn 0.32 triệu đơn vị, tương ứng 14.8 tỷ đồng. Dường như các CTCK cũng đang tích cực trading ngắn hạn khi mua ròng – bán ròng liên tục các phiên trong tuần qua.
Giá trị bán ròng tập trung chủ yếu trong phiên giao dịch ngày 30/10 với 14.2 tỷ đồng. Phiên thoát hàng này chủ yếu tập trung vào các mã vốn hoá lớn khi giá bán trung bình lên tới gần 45,000 đồng/cp.
Trong khi đóng, phiên bán ròng mạnh nhất diễn ra vào ngày 01/11 với 0.36 triệu đơn vị, và tập trung ở các cổ phiếu nhỏ. Rất có thể hoạt động thoát hàng của các CTCK trong phiên giao dịch này do những đồn đoán xung quanh việc từ nhiệm của ông Đăng Văn Thành ở STB.
Cổ phiếu đáng chú ý: Phiên giảm điểm mạnh cuối tuần khiến cho ngành tăng điểm chỉ còn lại duy nhất Nông-Lâm-Ngư, với mức tăng 2.93%.
Ở chiều ngược lại, các ngành tài chính như Bảo hiểm và Ngân hàng sụt giảm mạnh nhất, lần lượt 6.75% và 6.13%. Những ngành nóng còn lại như Chứng khoáng, Khai khoáng, Xây dựng, và Bất động sản đều giảm điểm mạnh trong tuần giao dịch này, lần lượt ở mức 4.70%, 4.39%, 3.35% và 2.60%.
Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý trên HOSE: DHM giảm 12.78%, PGD giảm 11.71%; trên HNX: SHN giảm 20% và SHB giảm 14.04%.
DHM giảm 12.78% khi không có thểm thông tin mới về tình hình kinh doanh . Nhiều khả năng đà sụt giảm của DHM xuất phát từ xu hướng chốt lời khi thông tin thực về KQKD quý 3 đã lộ diện.
PGD giảm 11.71%. Áp lực bán tăng mạnh ở PGD xuất phát từ việc quý 3 bất ngờ lỗ gần 226 tỷ đồng do việc điều chỉnh tăng giá khi đầu vào từ 8.35 USD/MMBTU lên 10.55 USD/MMBTU từ 01/04/2012. Bên cạnh đó, những “lùm xùm” xung quanh việc ban quản trị bán mạnh PGD trước khi công bố KQKD quý 3 cũng khiến nhiều cổ đông mất niềm tin ở cổ phiếu này.
SHN giảm 20%. Việc SHN giảm mạnh nhiều khả năng xuất phát từ KQKD kém hiệu quả khi lỗ thêm 24 tỷ đồng trong quý 3/2012, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 109.8 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp SHN lâm vào tình trạng thua lỗ, lợi nhuận chưa phân phối tính đến 30/09/2012 của SHN âm đến 234.87 tỷ đồng.
SHB giảm 14.04% khi không có thông tin gì mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng việc giảm điểm mạnh của cổ phiếu ngành ngân hàng trong tuần qua đã tác động phần nào đến giao dịch ở cổ phiếu này. Bên cạnh đó, việc KQKD quý 3 kém thuận lợi ở nhóm ngành ngân hàng cũng khiến giới đầu tư lo lắng kết quả lợi nhuận của SHB.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là NVT với mức tăng 6.82% và CII với 5.58%.
NVT tăng 6.82%. Mặc dù đón nhận mức lỗ nặng 33 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ nhưng NVT vẫn tăng điểm mạnh trong tuần qua. Nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã quay trở lại và giúp cổ phiếu này tăng điểm mạnh.
CII tăng 5.58% xuất phát từ việc công ty con là CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Việt Nam Philippines - Vinaphil (VPI) đăng ký mua 15% cổ phần CII. Mặc dù vậy, VPI sau đó lại thông báo tạm hoãn việc mua vào này do chưa hoàn thành thủ tục. Giá cổ phiếu CII cũng đã nhanh chóng giảm điểm trở lại khi thông tin này được công bố.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|