Chứng khoán Tuần 26 - 30/11: Khối ngoại vẫn còn “thích” chứng khoán Việt Nam?
Giao dịch thoả thuận “khủng” của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần qua giúp xoa dịu phần nào tâm trạng lo lắng của giới đầu tư trong nước. Khối ngoại vẫn đang còn tin tưởng vào TTCK Việt Nam?
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26 - 30.11.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 1.02% xuống 377.82 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0.35% xuống 51.05 điểm; VS 100 giảm 0.59% đang ở 57.21 điểm và VN30 giảm 1.34% xuống 443.68 điểm.
VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 0.85%. Tiếp theo là VS-Large Cap giảm 0.82%, VS-Small Cap giảm 0.55% và VS-Micro Cap giảm ít nhất 0.53%.
Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tiếp tục giảm thêm 11.5% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm mạnh hơn với 29.3%. Với việc VN-Index dễ dàng bẻ gãy ngưỡng hỗ trợ 380 điểm, thì tâm lý giới đầu tư e dè là điều có thể hiểu được.
Giao dịch thoả thuận có tuần đột biến và thu hút sự chú ý của giới đầu tư (xem thêm thông tin bên dưới).
Ngưỡng hỗ trợ 380 điểm của VN-Index được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ tinh thần trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, với một tâm lý rệu rã đang đeo bám cùng với việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ thì ngưỡng hỗ trợ mạnh này cũng không thể phát huy tác dụng. Thị trường đã nhanh chóng giảm điểm ngay từ đầu tuần giao dịch.
Việc thị trường dễ dàng rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ dễ dàng khiến tâm lý giới đầu tư rơi vào trạng thái bi quan, và không quá bất ngờ khi thanh khoản sụt giảm mạnh, giao dịch ngưng trệ.
Điểm nhấn tích cực nhất trong tuần xuất phát từ giao dịch thỏa thuận diễn ra trong phiên giao dịch ngày 28/11 trên cả hai sàn. Giao dịch thoả thuận trên HNX chủ yếu diễn ra ở SHB và SCR, trong khi trên HOSE chủ yếu là giao dịch nội khối của nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cho thấy mặc dù có sự chuyển giao nhưng dòng tiền vẫn ở lại thị trường, giúp xoa dịu phần nào những lo lắng của giới đầu tư. Đây có lẽ là cú hích giúp thị trường hồi phục nhẹ trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo.
Kịch bản hồi phục trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/11 không có nhiều thay đổi khi động lực chính vẫn là nhóm cổ phiếu Large Cap và chất xúc tác là dòng tiền đầu cơ. Tuy vậy, dòng tiền nhìn chung khá dửng dưng và đứng ngoài thị trường. Do đó, không quá bất ngờ khi thị trường giảm điểm trở lại về cuối tuần.
Phiên giao dịch cuối tuần tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư với những giao dịch thoả thuận khủng. Dấu ấn của khối ngoại tiếp tục in đậm với những chuyển nhượng thỏa thuận tại VIC, AGD. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước cũng không thua kém khi có giao dịch nổi trội tại VNM, PVD, FPT và MBB.
Nhà đầu tư nước ngoài: Với hoạt động tích cực trong giao dịch thoả thuận, khối ngoại đã giúp giảm bớt những lo lắng của giới đầu tư về hoạt động thoái vốn có thể diễn ra của các quỹ đầu tư trong thời gian vừa qua.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt gần 1,221 tỷ đồng. Giao dịch mua ròng mạnh của khối ngoại đến chủ yếu đến từ giao dịch thoả thuận mua ròng ở VIC với 1,027 tỷ đồng, tương ứng với hơn 13.9 triệu đơn vị và AGD với 179 tỷ đồng (2.8 triệu đơn vị). Tiếp theo là MBB với 16.9 tỷ đồng, KDC với 7.0 tỷ đồng và DPM với 7.0 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh HAG với 17 tỷ đồng, SBT với 6.2 tỷ đồng và MSN với 6.6 tỷ đồng.
Nếu loại bỏ giao dịch đột biến của VIC và AGD trong tuần qua thì khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ 15 tỷ đồng. Tuy vậy, giao dịch thoả thuận nội khối diễn ra khá tích cực trong tuần qua, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 28/11và phiên giao dịch cuối tuần ngày 30/11.
Trên HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 11.2 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất SHB với 15.5 tỷ đồng và NBC với 3.5 tỷ đồng; trong khi mua ròng mạnh nhất LAS với 4.6 tỷ đồng và PVS với 1.4 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 29/11 (Thứ Năm), giao dịch của khối tự doanh khá trầm lắng khi giá trị mua bán cả tuần chỉ đạt lần lượt 10.8 tỷ đồng và 10.3 tỷ đồng. Khối lượng mua ròng trong tuần của mảng tự doanh cũng chỉ đạt 0.25 triệu đơn vị.
Giao dịch mua ròng của khối tự doanh tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu hạng trung khi trung bình giá mua và bán của các cổ phiếu trong tuần lần lượt là 12.4 và 16.8 ngàn đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Toàn thị trường chỉ còn 5/24 ngành tăng điểm; trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của nhóm cổ phiếu Ngân hàng với mức tăng khá tốt 0.85%.
Các ngành nóng còn lại đều giảm điểm khá mạnh. Bất động sản giảm mạnh nhất với mức giảm 2.73% trong tuần qua. Tiếp theo là Chứng khoán giảm 1.81%, Khai khoáng giảm 1.69%, và Xây dựng giảm nhẹ nhất 1.05%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là PTL với mức tăng 20%, PPC với 14.94%, DHM tăng 14.9%; trên HNX không có cổ phiếu tăng nổi bật.
PTL tăng 20%. PTL tăng mạnh khi không có thêm thông tin nào mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đã được kích hoạt ở mã cổ phiếu này. Hiện chỉ số P/B của PTL khá hấp dẫn khi chỉ đứng ở mức 0.24 lần.
PPC tăng 14.94%. PPC tăng mạnh khi không có thêm thông tin nào mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng mức tăng điểm của PPC đến từ kỳ vọng đồng Yên đã giảm giá mạnh trong thời gian gần đây. Điều này sẽ giúp giảm bớt những ảnh hưởng do việc hạch toán khoản lỗ ngoại tệ do đồng Yên tăng giá trong năm 2011; đồng nghĩa với việc PPC sẽ có mức lợi nhuận tốt hơn trong năm 2012.
DHM tăng 14.9%. DHM tăng mạnh khi không có thêm thông tin nào mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng dòng tiền tiếp tục tập trung vào DHM do kỳ vọng về lợi nhuận sẽ có những đột biến nhờ vào việc bán 750,000 cp tại CTCP Khoáng sản Việt – Thái Sơn với giá 15,100 đồng/cp.
Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý có VPK trên HOSE giảm 11.94% và SHN trên HNX giảm 18.18%.
VPK giảm 11.94%. VPK giảm mạnh khi không có thông tin nào mới về tình hình hoạt động trong tuần qua. Nhiều khả năng đà giảm điểm của VPK xuất phát từ (1) xu hướng điều chỉnh khi VPK đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua, (2) do tác động của thị trường.
SHN giảm 18.18%. SHN giảm mạnh nhiều khả năng xuất phát áp lực chốt lời của giới đầu tư tăng cao sau khi cổ phiếu này đã tăng điểm khá mạnh trong tuần trước.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|