Thứ Sáu, 23/11/2012 19:04

Chứng khoán Tuần 19 - 23/11: Chán nản và buông xuôi!

Trong khi bên bán đẩy mạnh thoát hàng bằng việc hạ nhanh giá bán thì bên mua lại tỏ ra khá thờ ơ với việc mua vào. Điều này đã khiến cho chỉ số cũng như thanh thoản thị trường tuột dốc.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 19 - 23.11.2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 1.04% xuống 381.71điểm, HNX-Index cũng giảm 1.12% xuống 51.23 điểm; VS 100 giảm 1.05% đang ở 57.55 điểm và VN30 giảm 1.3% xuống 449.73 điểm.

Các chỉ số Market Cap có tuần giao dịch trái chiều. Trong khi VS-Mid Cap và VS-Small Cap tăng lần lượt 0.77% và 0.18%, thì VS-Large Cap và VS-Micro Cap giảm 0.85% và 0.08%.

Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh giảm 26.8% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm mạnh hơn với 35.5%. Mức sụt giảm mạnh thanh khoản của thị trường là điều dễ hiểu khi tâm lý thận trọng và e dè gia tăng mạnh trong tuần giao dịch qua.

Dòng tiền đầu cơ “khởi nghĩa” trong phiên giao dịch cuối tuần trước đã không thể nâng đỡ được thị trường.

Thông tin CPI tháng 11 của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM tích cực đã giúp thị trường tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 20/11. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng giảm điểm trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo. Nguyên nhân là do (1) việc giảm tốc của CPI tháng 11 đã được đoán biết từ trước, (2) mức độ tác động của thông tin CPI đã sụt giảm trong thời gian gần đây.

Khoảng trống thông tin tích cực đã khiến cho giao dịch của thị trường gặp nhiều khó khăn trong những phiên còn lại. Trong khi bên bán đẩy mạnh thoát hàng bằng việc hạ nhanh giá bán thì bên mua lại tỏ ra khá thờ ơ với việc mua vào. Điều này đã khiến cho chỉ số cũng như thanh thoản thị trường tuột dốc.

Phiên giao dịch cuối tuần, một vài cổ phiếu đầu cơ tăng trần đã giúp tạo hy vọng kịch bản hồi phục trong phiên giao dịch cuối tuần trước lặp lại. Tuy nhiên, với tâm lý thờ ơ và chán nản bao trùm thì nỗ lực tháo hàng tiếp tục gia tăng mạnh và nhanh chóng dập tắt hy vọng nhỏ nhoi. Điều này khiến bên mua có dấu hiệu buông xuôi và thị trường trở lại giảm điểm khá tiêu cực.

Nhà đầu tư nước ngoài: Với xu hướng thị trường không mấy tích cực trong tuần giao dịch qua, khối ngoại cũng đã quay sang bán mạnh trên cả hai sàn. Điều này, đặc biệt là giao dịch bán ròng SHB của khối ngoại trên HNX, đã phần nào tác động xấu lên giao dịch thị trường.

Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại chỉ đạt vỏn vẹn 4.3 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở KDC với 57.7 tỷ đồng, tiếp theo là DRC với 6.4 tỷ đồng, PHR với 4.2 tỷ đồng và HSG với 3.8 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh HAG với 26.1 tỷ đồng, STB với 24.6 tỷ đồng và VIC với 8.7 tỷ đồng.

Nếu loại bỏ giao dịch đột biến của KDC trong tuần qua thì khối ngoại đã có tuần bán ròng khá mạnh với hơn 53.4 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại quay đầu bán ròng với giá trị 6.4 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất SHB với 21.9 tỷ đồng và AAA với 2.5 tỷ đồng; trong khi mua ròng mạnh nhất PVS với 6.9 tỷ đồng và DBC với 4.9 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 22/11 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK đã mua ròng trở lại sau khi đã bán ròng liên tục hai tuần trước đó.

Khối lượng mua ròng trong tuần của mảng tự doanh đạt hơn 1.2 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 4.9 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng chủ yếu được thực hiện trong phiên giao dịch ngày 22/11 với 1.4 triệu cổ phiếu tương ứng với 9 tỷ đồng, lúc thị trường tăng nhẹ.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm đã giảm xuống chỉ còn 11/24 ngành tăng điểm.

Nông Lâm Ngư dẫn đầu mức tăng điểm khi tăng mạnh 6.13%. Tiếp theo là SX Thuỷ sản tăng 3.76% và CNTT-Truyền thông tăng 3.23%.

Ở chiều ngược lại, các ngành nóng đều quay đầu giảm điểm. Theo đó, Ngân hàng giảm mạnh nhất với mức giảm 2.16% trong tuần qua.Tiếp theo là Bất động sản giảm 1.35%, Khai khoáng giảm 0.38%, Chứng khoán giảm 0.32% và Xây dựng giảm nhẹ 0.09%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG với mức tăng 16%, VFMVFA với 15.09%, HLA tăng 13.16%; trên HNX là SHN tăng 37.50%, PVC với 24.86%, VKC với 21.74%.

VHG tăng 16%. VHG tăng mạnh bất chấp kết quả quý 3/2012 không mấy khả quan. Theo đó, doanh thu của VHG trong quý 3/2012 giảm hơn 20% so với cùng kỳ chỉ đạt 40 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế âm hơn 5.7 tỷ, nâng lỗ lũy kế 9 tháng lên 22 tỷ đồng. Do đó, nhiều khả năng VHG tăng mạnh do dòng tiền đầu cơ đã đổ dồn vào cổ phiếu này. Điều này có lẽ xuất phát từ chỉ số P/B của VHG khá hấp dẫn chỉ có 0.19 lần.

VFMVFA tăng 15.09%. NAV tính đến ngày 15/11 của VFA là 6,969 đồng/cp không mấy hấp dẫn so với mức giá 6,100 đồng đang giao dịch trên thị trường. Do đó, nhiều khả năng mức tăng điểm của VFA đến từ dòng tiền đầu cơ hào hứng với kế hoạch chuyển đổi quỹ VFA từ quỹ đóng sang quỹ mở vào đại hội cổ đông bất thường dự kiến được tổ chức vào ngày 05/12.

HLA tăng 13.16%, chủ yếu do kết quả hoạt động năm 2012 được cải thiện mạnh. Theo đó, doanh thu năm 2012 đạt 4,976 tỷ đồng tăng hơn 52% so với năm 2011. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 14 tỷ đồng, cao gấp 4.9 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thanh lý tài sản.

SHN tăng 37.50%. SHN tăng mạnh nhiều khả năng xuất phát từ thông tin ông Dương Mạnh Hải, Chủ tịch HĐQT đăng ký mua hơn 1.3 triệu cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu tại SHN. Số lượng cổ phiếu SHN ông Hải nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch là 325,500 cp (tỷ lệ 1%).

PVC tăng 24.86%. PVC tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ thông tin chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 14% và ngày 21/11/2012.

VKC tiếp tục tăng 21.74% trong tuần qua có thể do kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2012 nổi bật. Theo đó, doanh thu của VKC đạt 532.7 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 9.6 tỷ đồng, tăng mạnh 2.3 lần so với cùng kỳ.

Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý chỉ có SBS trên HOSE giảm 11.76%. SBS giảm mạnh có thể do tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng trước thông tin cổ đông bác đề án tái cấu trúc của công ty này.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật