Thứ Sáu, 16/11/2012 19:18

Chứng khoán Tuần 12 - 16/11: Kịch bản giao dịch “thú vị” vào cuối tuần

Phiên giao dịch cuối tuần có kết thúc khá “thú vị” khi giao dịch bị đảo lộn hoàn toàn, đặc biệt về cuối phiên. Không phải nhóm Large Cap mà nhóm cổ phiếu đầu cơ mới là những cổ phiếu nâng đỡ thị trường.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 12 - 16.11.2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm nhẹ 0.26% xuống 385.71điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0.45% lên 51.81 điểm; VS 100 tăng 1.73% đang ở 58.16 điểm và VN30 giảm 0.34% xuống 455.67 điểm.

Mặc dù các chỉ số chính kết thúc trái chiều nhưng các chỉ số Market Cap đều tăng điểm trong tuần qua. Theo đó, VS-Mid Cap tăng mạnh nhất với mức tăng 0.94%, tiếp theo là VS-Small Cap tăng 0.50, VS-Micro Cap tăng 0.45% và VS-Large Cap tăng 0.25%.

Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 4.1% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng khá mạnh 14.8%. Mức tăng mạnh trên HNX chủ yếu do ảnh hưởng bởi giao dịch đột biến diễn ra ở một số mã như SHB, NVB, SCR... Điểm đáng buồn là khối lượng giao dịch đã sụt giảm trở lại về mức thấp trong các phiên giao dịch cuối tuần.

Thị trường đã khởi đầu tuần giao dịch với đà hưng phấn tăng cao. Sự hưng phấn của giới đầu tư đến từ: (i) Tâm lý được cải thiện đáng kể sau phiên tăng điểm ngoạn mục cuối tuần trước, (ii) giá xăng bất ngờ giảm 500 đồng/lít được công bố trong ngày 11/11 khiến sự lạc quan trở lại.

Tuy nhiên, đà tăng đã nhanh chóng bị chặn đứng khi:  (i) Các chỉ số tiến sát vùng kháng cự trong khi thị trường thiếu vắng những thông tin hỗ trợ. Điều này đã khiến tâm lý hưng phấn của giới đầu tư suy giảm. (ii) Bên cạnh đó, áp lực chốt lời cũng tăng mạnh khi mức sinh lời có được từ đợt tăng điểm vừa qua là khá hấp dẫn.

Nỗ lực nâng đỡ thị trường vẫn xuất hiện nhờ vào giao dịch của các mã cổ phiếu lớn, mà nổi bật nhất trong tuần qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiêu điểm là bộ đôi VCBCTG.

Tuy nhiên, khác với tuần giao dịch trước, nỗ lực ghi dấu ấn của các cổ phiếu lớn đã bất thành. Lực cầu hưởng ứng đà tăng khá dè dặt, trong khi bên bán vẫn lực chọn cách an toàn là “tháo chạy” nhằm bảo toàn nguồn vốn.

Với tâm lý thận trọng dâng cao, không quá khó hiểu khi thanh khoản các phiên giao dịch trong tuần chỉ đứng ở mức thấp.

Phiên giao dịch cuối tuần có kết thúc khá “thú vị” khi giao dịch bị đảo lộn hoàn toàn, đặc biệt về cuối phiên. Không phải nhóm Large Cap mà nhóm cổ phiếu đầu cơ mới là những cổ phiếu nâng đỡ thị trường. Nỗ lực này đã có chút thành công khi kịp giúp HNX quay đầu tăng điểm vào cuối phiên giao dịch. Mặc dù vậy, điều này cũng không thể giúp giới đầu tư hào hứng hơn khi giao dịch thị trường vẫn diễn ra khá buồn tẻ và thanh khoản tiếp tục sụt giảm.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại đã đẩy mạnh giao dịch hơn trong tuần qua. Trong bối cảnh giao dịch ảm đạm thì lực cầu mua vào của khối ngoại đã đóng vai trò đáng kể trong việc xoa dịu tâm lý giới đầu tư, cũng như thu hẹp đà giảm của thị trường trong một số phiên giao dịch.

Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 85.8 tỷ đồng. Họ bất ngờ mua ròng mạnh nhất ở TRA với 40.8 tỷ đồng, tiếp theo là GAS với 35.2 tỷ đồng, KDC với 28.9 tỷ đồng và VCB với 21.6 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh các mã tài chính BVH với 21.8 tỷ đồng, STB với 17.5 tỷ đồng và MBB với 11.2 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 3.9 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất LAS với gần 7.7 tỷ đồng và PVS với 5.9 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất SHB với 18.1 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 15/11 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK chỉ mua ròng nhỏ giọt hơn 23 ngàn đơn vị, mặc dù vậy xét về mặt giá thị thì mảng  tự doanh đã bán ròng 3.1 tỷ đồng.

Khối tự doanh có tuần giao dịch khá sôi đông khi mua bán xen kẽ các phiên giao dịch trong tuần nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Đây có vẻ là chiến thuật khá hợp lý với diễn biến giao dịch trong tuần qua.

Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm tiếp tục chiếm ưu thế với 17/24 ngành tăng điểm.

Chứng chỉ quỹ tiếp tục tăng mạnh nhất với mức tăng 3.63%, do ảnh hưởng từ giao dịch tích cực của VF1.

Ngân hàng ghi dấu ấn với mức tăng khá tốt 1.5%, bên cạnh đó là Chứng khoán tăng 0.91% và Xây dựng tăng nhẹ 0.59%. Những ngành nóng còn lại ngược chiều khi Khai khoáng và Bất động sản giảm điểm lần lượt ở mức 0.89% và 0.88%.

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là FCN với mức tăng 18.79% và DHM với 11.7%, VF1 tăng 8.86%; trên HNX chỉ có duy nhất THV tăng 14.29% là đáng chú ý.

FCN tăng 18.79%. FCN tăng mạnh khi không có thêm thông tin mới nào về tình hình hoạt động trong tuần qua. Sức hút của FCN trở lại trong thời gian qua có thể đến chủ yếu từ: (i) Trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5:1, (ii) Thực hiện quyền mua cổ phiếu với tỷ lệ thực hiện 26:01 với giá 20,000 đồng/cổ phiếu; trong khi giá FCN hiện tại chỉ đứng tại 17,700 đồng/cổ phiếu.

Kết quả hoạt động 9T/2012 của FCN khá tốt. Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 21.3% lên 652.6 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh hơn 28.6% nên lãi gộp chỉ tăng được 2.4% và lãi ròng của cổ đông công ty mẹ tăng 5.3%, đạt 60.4 tỷ đồng.

DHM tăng 11.7%. DHM tăng mạnh trong tuần qua mặc dù không có thông tin nào mới về tình hình hoạt động. Việc giới đầu tư mua vào mạnh trong tuần có thể bắt nguồn từ hoạt động bắt đáy gia tăng khi cổ phiếu này có những phiên điều chỉnh cuối tuần trước.

VF1 tiếp tục tăng 8.86%, chủ yếu do thông tin Dragon Capital Markets đăng ký mua 3 triệu đơn vị qũy từ ngày 07/11 đến ngày 07/12.

THV tăng 14.29% khi không có thêm thông tin nào về tình hình hoạt động. Đáng chú ý giao dịch tăng điểm của THV chỉ diễn ra trong 2 phiên giao dịch đầu tuần theo xu hướng chung của thị trường .

Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý chỉ có HQC trên HOSE giảm 11.11%. HQC giảm mạnh có thể do tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng trước thông tin Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Chủ tịch HĐQT của HQC và là vợ của Chủ tịch công ty này, đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu từ ngày 20/11 đến ngày 18/12 để cân đối tài chính cá nhân.Dự kiến sau giao dịch, bà Phương nắm 4,915,860 cp, ứng với tỷ lệ sở hữu sẽ giảm từ 13.19% xuống 8.19%.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật