Chứng khoán Tuần 05 - 09/11: Dòng tiền nào đã “đánh thốc” thị trường?
Cú “đánh thốc” vào cuối phiên giao dịch cuối tuần nhắm vào các cổ phiếu Large Cap đã tạo lực đẩy cho dòng tiền đầu cơ mạnh dạn trở lại và giúp chỉ số cả hai sàn tăng điểm khá mạnh.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 05 - 09.11.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng mạnh 3.05% lên 386.71điểm, HNX-Index tăng nhẹ 1.02% lên 51.58 điểm; VS 100 tăng 3.3% đang ở 57.17 điểm và VN30 tăng 3.47% lên 457.23 điểm.
Không quá bất ngờ khi VS-Large Cap tăng điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức tăng 3.15%, khi đây là động lực chính cho thị trường trong tuần qua. Tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 1.31, trong khi đó VS-Small Cap và VS-Micro Cap giảm lần lượt 0.05% và 1.22%.
Không có phiên bắt đáy khủng như tuần trước, thanh khoản trên cả 2 sàn sụt giảm trở lại. Tuy nhiên, giao dịch diễn ra khá ổn định mặc dù chưa thực sự sôi động. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh giảm 8.2% so với tuần trước. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm 6.1%.
EIB tiếp tục có giao dịch thoả thuận đột biến trong tuần với tổng khối lượng giao dịch lên tới 24 triệu đơn vị, ứng với gần 390 tỷ đồng.
Những thông tin lùm xùm liên quan đến gia đình họ “Đặng” tiếp tục gây ảnh hưởng đến giao dịch thị trường trong những phiên giao dịch đầu tuần. Nhìn chung, tâm lý lo lắng của giới đầu tư đã giảm bớt khi những thông tin chính thức được công bố. Cổ phiếu vốn hoá lớn liên tục ghi dấu ấn trong những phiên giao dịch này khi giao dịch tích cực trở lại giúp nâng đỡ các chỉ số thị trường.
Việc tâm lý lo lắng được xoa dịu cùng với mức giảm điểm sâu đã kích thích dòng tiền tham lam trở lại thị trường. Nhóm cổ phiếu đầu cơ trở thành đích nhắm của dòng tiền khi đây là nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh trong thời gian vừa qua. Điều này không quá bất ngờ đối với thị trường khi đây là kịch bản quen thuộc mỗi khi thị trường đảo chiều tăng điểm sau một thời gian giảm mạnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn âm thầm tăng điểm nắm giữ vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ thị trường. Đặc biệt phiên giao dịch ngày 08/11, khi giới đầu tư vẫn đang phân vân tại ngưỡng kháng cự tâm lý 380 điểm thì việc những cổ phiếu lớn tăng trần mạnh mẽ đã giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt qua mốc này.
Phiên giao dịch cuối tuần, tâm lý thận trọng vẫn hiện diện do những lo ngại về khả năng pull back kỹ thuật. Điều này đã kiềm chế mức tăng của điểm số cũng như giao dịch. Tuy nhiên, cú “đánh thốc” vào cuối phiên nhắm vào các cổ phiếu Large Cap đã tạo lực đẩy cho dòng tiền đầu cơ mạnh dạn trở lại và giúp chỉ số cả hai sàn tăng điểm khá mạnh.
Liệu dòng tiền nào đang dũng cảm “đánh thốc” thị trường trong bối cảnh tâm lý chung vẫn còn bi quan? Và liệu điều này có tiếp tục được duy trì trong tuần tới?
Nhà đầu tư nước ngoài: Giao dịch khối ngoại vẫn chưa thực sự sôi động, dù vậy họ vẫn tiếp tục mua ròng.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 37.8 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở HSG với 23.1 tỷ đồng, tiếp theo là DPM với 21 tỷ đồng, GAS với 15.3 tỷ đồng và MBB với 9.1 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh các mã tài chính STB với 56.8 tỷ đồng, BVH với 11.6 tỷ đồng và MBB với 10.7 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 18 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với gần 6.4 tỷ đồng và LAS với 5.4 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất PGS với 5.1 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 08/11 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng mạnh gần 10.2 triệu đơn vị, tương ứng 31.2 tỷ đồng.
Phiên bán ròng mạnh nhất diễn ra vào ngày 06/11 với 9.9 triệu đơn vị, và chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu nhỏ khi tổng giá trị bán ròng chỉ đạt 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá trị bán ròng tập trung chủ yếu trong phiên giao dịch ngày 08/11 với 40.9 tỷ đồng. Phiên thoát hàng này chủ yếu tập trung vào các mã vốn hoá lớn khi giá bán trung bình lên tới gần 50,800 đồng/cp. Đây cũng là phiên thị trường được tăng điểm nhờ các cổ phiếu lớn và có lẽ các CTCK đã tận dụng cơ hội để thoát hàng.
Việc thoát hàng liên tục trong tuần cho thấy các CTCK vẫn đang rất thận trong với xu hướng của thị trường. Chiến thuật bán ra nhằm đảm bảo nguồn vốn có lẽ đang được áp dụng.
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành tăng điểm đã chiếm ưu thế trở lại với 14/24 ngành.
Chứng chỉ quỹ bất ngờ tăng mạnh nhất với mức tăng 7.17%. Tiếp theo là SX Thực phẩm-Đồ Uống tăng 4.71% và bất ngờ nhất là Ngân hàng với mức tăng 3.02%.
Những ngành nóng còn lại ngược chiều nhau, khi Khai khoáng và Bất động sản tăng điểm lần lượt ở mức 1.37% và 0.69%; trong khi Chứng khoán và Xây dựng tiếp tục giảm lần lượt 0.53% và 0.54%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VPK với mức tăng 17.89% và CTG với 13.1%, DIG tăng 11.97%, VF1 tăng 11.27%; trên HNX chỉ có duy nhất PFL tăng 9.52% là đáng chú ý.
VPK tăng 17.89%. VPK tăng mạnh trong tuần khi không có thêm thông tin mới nào về tinh hình hoạt động trong tuần qua. Sức hút của VPK trở lại trong thời gian qua chủ yếu đến từ kết quả hoạt động 9T/2012 nổi trội, khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 38 tỷ đồng tăng 93% và vượt đến 111% so với kế hoạch năm. Bên cạnh đó là những câu chuyện xung qua việc thâu tóm có thể diễn ra ở doanh nghiệp này.
CTG tăng 13.1%. CTG tăng mạnh trong tuần qua có thể đến từ: (1) nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục trở lại sau khi chịu tác động xấu từ thông tin xung quanh cổ phiếu STB, (2) kết quả kinh doanh nổi trội so với cổ phiếu cùng ngành. Theo đó, CTG đạt lãi ròng riêng lẻ quý 3/2012 hơn 2,414 tỷ đồng, tăng 73% so với quý 3/2011; lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của CTG tăng 10% lên hơn 4,556 tỷ đồng.
DIG tăng 11.97%. Mức tăng mạnh của DIG có thể xuất phát từ việc DIG được duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu tại phường 12, TP Vũng Tàu. Đây là dự án lớn với quy mô lập quy hoạch chi tiết được duyệt là 90.5ha.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh quý 3 của DIG không mấy khả quan khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý 3 của DIG chỉ đạt mức khiêm tốn 2.59 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 43.7 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
VF1 tăng 11.27%, có thể do thông tin Dragon Capital Markets đăng ký mua 3 triệu đơn vị qũy từ ngày 07/11 đến ngày 07/12. Dự kiến sau giao dịch, Dragon Capital Markets sẽ nắm 8 triệu chứng chỉ quỹ, ứng với tỷ lệ sở hữu tăng từ 5% lên 8%.
PFL tăng 9.52% có thể do kết quả kinh doanh quý 3/2012 khởi sắc, khi lợi nhuận đạt 2.8 tỷ đồng, tốt hơn rất nhiều so với 6T/2012 khi PFL bị lỗ 3.35 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý chỉ có SCR trên HNX giảm 19.61%, VHL giảm 18.85%.
SCR giảm 19.61% chủ yếu do ảnh hưởng từ những thông tin lùm xùm liên quan đến gia đình họ “Đặng”. Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh quý 3 èo uột khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt vỏn vẹ 811 triệu đồng, chỉ bằng 1.3% so với cùng kỳ. Tuy vậy, cổ phiếu này lại giao dịch khá tích cực trong phiên cuối tuần.
VHL giảm 18.85%. VHL có thanh khoản khá thấp trong những phiên giảm điểm mạnh tuần qua. Tuy nhiên, cổ phiếu này đã bất ngờ tăng trần mạnh mẽ trong phiên cuối tuần với thanh khoản vọt tăng lên 815 nghìn cổ phiếu. Kết quả kinh doanh quý 3 của VHL khả qua hơn khi lợi nhuận đạt 12.5 tỷ đồng, trong khi VHL lỗ 81 tỷ đồng trong 6T/2012.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|