Vụ “Bức tâm thư gởi... món nợ đầm đìa”:
Chủ tịch hội đồng quản trị để lại món nợ 1.600 tỷ
Một lần nữa, cũng như Công ty cổ phần thủy sản Bình An (BAF), Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (gọi tắt là Công ty Phương Nam, trụ sở tại Quốc lộ 1A, TP.Sóc Trăng) được các ngân hàng giải cứu bằng cách chuyển nợ thành góp vốn.
* Chồng đại gia Diệu Hiền giải cứu thủy sản Phương Nam
* Thủy sản Phương Nam trả lãi 200 tỷ đồng mỗi năm
Đi chữa bệnh hay trốn nợ?
Như Báo CATP đã thông tin, ngày 9-8-2012 ông Lâm Ngọc Khuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phương Nam - gởi bảy ngân hàng là chủ nợ công ty cáo bệnh, đang chữa trị ở Mỹ, xin thông cảm và nhờ tìm phương hướng giải quyết nợ nần. Sau khi phô trương thương hiệu ảo của công ty, ông Khuân đã để lại cho các đối tác “quả bom nợ” khủng. Tháng 8-1998, công ty được thành lập với vốn điều lệ khoảng 300 tỷ đồng. Theo báo cáo của Phương Nam, năm 2003 từ một nhà máy có kim ngạch xuất khẩu hơn 21 triệu USD, đến năm 2007 công ty đạt tới 91 triệu USD. Năm 2011, Phương Nam lọt vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiêu biểu của cả nước và ông Khuân được xem như đại gia thủy sản miền Tây. Để khiến đối tác “lác mắt”, ông cho xây dựng căn biệt thự bề thế ngay trụ sở công ty.
Đầu năm 2012, ông Khuân đột ngột vắng mặt tại địa phương. Khi các con nợ đề nghị thanh toán thì được đại diện Công ty Phương Nam cho biết Chủ tịch Hội đồng quản trị đi Mỹ chữa bệnh. Và đến nay, ông này không đi một mình mà mang cả gia đình theo! Được biết, Công ty Phương Nam đang ôm món nợ 1.600 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Sóc Trăng hơn 548 tỷ, NH phát triển Việt Nam gần 342 tỷ, NH thương mại cổ phần Sài Gòn thương tín gần 147 tỷ, NH thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt hơn 329 tỷ, NH thương mại cổ phần Công thương 8 tỷ và NH thương mại cổ phần An Bình hơn 80 tỷ... Trong đó 1.462 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại trung hạn và dư nợ cho vay vốn từ các tổ chức, cá nhân khác... Ngoài ra, nhiều nhà thầu cũng bị Phương Nam nợ.
Tài sản 50 tỷ được duyệt vay gần 550 tỷ
Theo các ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến nợ nần của công ty là do thời gian qua lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tăng cao, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn. Trong quá trình kinh doanh, Phương Nam có sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn đầu tư vào các hạng mục tài sản cố định kém hiệu quả, không sinh lợi dẫn đến mất cân đối. Với số nợ trên 1.600 tỷ đồng, mỗi năm công ty phải trả lãi khoảng 200 tỷ. Ngoài ra còn nhiều chi phí khác đã làm cho doanh nghiệp ngày càng lún sâu vào nợ nần. So sánh giá trị tài sản còn lại, Phương Nam đang mất cân đối khoảng 860 tỷ đồng.
Tuy quy định vay vốn của ngân hàng rất chặt chẽ nhưng một số nơi lại thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải ngân cho Công ty Phương Nam. Một ngân hàng cho vay đến 548 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản thế chấp hiện chỉ còn khoảng 50 tỷ, chủ yếu là giá trị quyền sử dụng đất. Trong khi công ty hoạt động cầm chừng, ông Khuân tiếp tục lập dự án xây dựng công ty con, lại được ngân hàng ủng hộ xét cho vay vốn. Thế là nhận tiền xong, ông này bay qua Mỹ.
Trong lúc Phương Nam không còn tiền mặt, chẳng hàng tồn kho và không có khả năng vay vốn để hoạt động, các ngân hàng ngồi lại với nhau tìm cách giải cứu. Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng gửi công văn đến bảy ngân hàng là chủ nợ của Phương Nam nêu ý kiến của ông Trần Thành Nghiệp - Phó chủ tịch UBND tỉnh - với mong muốn các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp xây dựng, thống nhất và triển khai phương án tái cấu trúc để công ty phục hồi sản xuất hiệu quả trở lại. Ông Nghiệp cũng yêu cầu các sở ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Kiểu kinh doanh trên khiến dư luận băn khoăn. Trong khi nhiều công ty thủy sản miền Tây làm ăn chân chính cần nguồn vốn để hoạt động lại đang gặp khó khăn từ phía ngân hàng, trái lại công ty có biểu hiện gian dối, lập hồ sơ vay khủng rồi bỏ trốn ra nước ngoài, cán bộ ngân hàng thiếu thẩm định chặt chẽ... lại được tìm cách giúp đỡ? Với cách làm ấy, các cơ quan chức năng đang giúp sức cho những đại gia ảo và bỏ qua trách nhiệm của cán bộ ngân hàng. Hiện 860 tỷ đồng Công ty Phương Nam mất cân đối, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đào Văn
công an TPHCM
|