“Cánh tay” Thành Thành Công nối dài đến đâu?
Ngoài việc nắm giữ cổ phần chi phối tại hàng loạt công ty mía đường lớn, Thành Thành Công và Công ty Đặng Huỳnh còn có các thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài mối quan hệ với Thành Thành Công, giữa các đơn vị này cũng “gắn chặt” với nhau về sở hữu và hoạt động kinh doanh.
* Ma trận sở hữu ngành mía đường của gia đình Đặng - Huỳnh
* Sacomreal: “Tuyến phòng ngự chống lỗ” gặp khó
Đầu tư đa ngành
Ở lĩnh vực vận tải và kho bãi, Thành Thành Công (ThanhThanhCong) có các thành viên gồm: Giao nhận Hàng hóa Sơn Tín (Sontin-STE) - tiền thân là CTCP Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương tín (Sacom-STE), Kho vận Thiên Sơn - tiền thân là Kho Vận Sài Gòn Thương Tín (Sacom – STL). Cả hai từng là thành viên của Tập đoàn Sacombank, hiện nay đã được đổi tên và chuyển quyền chi phối cho Thành Thành Công. Thiên Sơn hiện đang sở hữu hệ thống kho bãi trải dài từ Bình Dương, Bình Chánh, Bình Tân và Long An mang tên Tổng kho Sacombank, với tổng diện tích gần 750,000 m2.
Hai đơn vị này cũng có quan hệ sở hữu trực tiếp với các công ty mía đường thành viên của Thành Thành Công như Đường Ninh Hoà (NHS), Đường Biên Hoà (BHS) và cả Điện Gia Lai (GEC).
Với việc đầu tư vào Điện Gia Lai (GEC), Thành Thành Công cũng gián tiếp nắm hoạt động của các nhà máy điện trực thuộc GEC. Tính đến 30/09, GEC có đầu tư dài hạn vào một số công ty trong ngành điện như Đầu tư điện Tây Nguyên, Mía đường Nhiệt điện Gia Lai, Công ty Ayun Thượng, Thủy điện Gia Lai, Điện Cao su Gia Lai, Thủy điện Kênh Bắc Ayun Hạ, Thủy điện Trường Phú…Và GEC cũng có tham gia đầu tư và nhận đầu tư từ các công ty mía đường thành viên của Thành Thành Công.
Ngoài ra, Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) cũng là một thành viên của Thành Thành Công. Công ty này có vốn điều lệ 90 tỷ đồng, đã tự nguyện gia nhập Tập đoàn Thành Thành Công cuối năm 2011 để được liên kết và hỗ trợ về các mặt trong chiến lược phát triển. Hiện tại, Thành Thành Công có 3 đại diện tại Betrimex là bà Trần Quế Trang (Thành viên HĐQT), ông Trương Thanh Tùng (Trưởng BKS) và ông Phan Trung Kiên (thành viên BKS).
Hiện tại Betrimex có văn phòng đại diện tại TPHCM, cũng là nơi đặt trụ sở của Thành Thành Công và một văn phòng tại Singapore do bà Đặng Huỳnh Ức My (Tổng Giám đốc Thành Thành Công) làm trưởng đại diện.
Được biết, Betrimex cũng tham gia đầu tư tài chính với tỷ lệ khá lớn vào các công ty thành viên khác của Thành Thành Công như Hàng hóa Sơn Tín, Đầu tư Việt Tín, SBT và cả cổ phiếu STB của Sacombank.
Ở lĩnh vực bất động sản, Thành Thành Công có 3 thành viên gồm Đầu Tư - Kiến Trúc - Xây Dựng Toàn Thịnh Phát (vốn 396.74 tỷ đồng), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal (SCR, vốn điều lệ 1,430 tỷ đồng) và Công ty Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh.
Thành Thành Công còn tham gia khá sâu vào lĩnh vực du lịch, lữ hành với các thành viên gồm CTCP Du lịch Bình Thuận, Công ty Thành Ngọc với nhiều dự án du lịch lớn tại Đà Lạt (Khu Du lịch Đồi Mộng Mơ, Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, Khách sạn Ngọc Lan, Biệt thự Ngọc My).
Bản thân Thành Thành Công còn tham gia hoạt động đầu tư tài chính và tư vấn cùng với Công ty Đầu tư Tín Việt (tiền thân là Công ty đầu tư Sài Gòn Thương Tín). Trước đây, Tín Việt là nhà đầu tư sở hữu cổ phần lớn tại Điện Gia Lai (đã thoái vốn), đồng thời cũng là nhà đầu tư lớn vào chuỗi khách sạn Thanh Bình 1, 2, 3, 4 trên các địa bàn Quận Tân Bình và Quận 11. Tín Việt cũng tham gia góp vốn vào Toàn Thịnh Phát, Đường Ninh Hòa, Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài (Nasco), Công ty Hùng Anh, Trường Phú, Tài Chính Nam Việt…
Giao dịch chồng chéo
Nhìn chung, các thành viên trong hệ thống Thành Thành Công - Đặng Huỳnh đều có sự sở hữu qua lại lẫn nhau. Đồng thời, giữa các đơn vị thành viên còn thực hiện các giao dịch mua bán, vay mượn qua lại nên cũng khó lòng phân biệt được dòng tiền thực.
BCTC quý 3/2012 của Công ty Bourbon Tây Ninh (SBT) có ghi nhận khoản tiền tạm ứng 29.37 tỷ đồng từ Ngân hàng Sacombank sau khi hai bên chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và nhà cửa trong dự án Espace Bourbon Tây Ninh. SBT cũng nhận khoản tiền tạm ứng trị giá 1.93 tỷ đồng để mua mật từ Thành Thành Công.
Năm 2008, từ trước khi nắm quyền chi phối tại SBT, Thành Thành Công đã hợp tác với công ty này cùng triển khai dự án Vườn Công nghiệp Bourbon An Hòa, trong đó SBT nắm 49% (24.5 triệu cp), còn lại Thành Thành Công và Khu Công nghiệp Long Hậu (LHG) nắm 51%.
Năm 2011 (sau khi Thành Thành Công và Đặng Huỳnh nắm quyền chi phối), SBT đã thế chấp toàn bộ cổ phần Bourbon An Hòa (BAC) cho BaoVietBank – chi nhánh TPHCM để đảm bảo cho khoản vay dài hạn 100 tỷ đồng cho dự án này (đến 30/09/2012 đã thanh toán hết). Đồng thời, SBT còn cung cấp khoản vay ngắn hạn lên tới 285.89 tỷ đồng cho BAC với lãi suất từ 15-18.5%/năm.
Tuy nhiên, ngày 29/05/2012, SBT và Công ty Đặng Huỳnh đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại BAC do SBT nắm giữ. Theo đó, Công ty Đặng Huỳnh đã ký quỹ 112.7 tỷ đồng và sẽ hoàn tất giao dịch trong vòng 1 năm kể từ ngày ký kết (tức 29/05/2013).
Trước đó, vào ngày 26/05, Thành Thành Công cũng ký hợp đồng mua lại toàn bộ 12.5 triệu cổ phần của BAC từ phía Công ty Long Hậu (LHG).
Ngoài ra, giữa Thành Thành Công và SBT cũng phát sinh nhiều giao dịch khác. Tính riêng 9 tháng đầu năm, SBT đã bán hàng cho Thành Thành Công với giá trị hơn 37 tỷ đồng, thu 24 tỷ đồng tiền bán cổ phiếu BAC, thu tiền lãi gần 7.7 tỷ đồng, cho vay 98 tỷ đồng, ứng tiền mua đường/mật trị giá 60.46 tỷ đồng…
Việc SBT mua 24.89% cổ phần của Đường La Ngà trong năm 2012 cũng từ một thành viên trong gia đình Thành Thành Công là Công ty Đặng Thành. Tính đến 30/09, SBT đã tạm ứng được 6.9 tỷ đồng trên tổng số 61.22 tỷ đồng.
Các giao dịch liên quan cũng phát sinh nhiều giữa các thành viên trong gia đình Thành Thành Công. Theo đó, riêng quý 3/2012, Đường Biên Hòa (BHS) đã mua hàng trị giá 90.69 tỷ đồng từ phía Đường Ninh Hòa (NHS) và 54.37 tỷ đồng từ Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) hay bán hàng trị giá hơn 11.5 tỷ đồng cho Thành Thành Công.
Tại Đường Ninh Hòa, Thành Thành Công cũng mua hàng và trả tiền trước trị giá 112 tỷ đồng tính đến 30/09 và Bourbon Tây Ninh trả trước 109.35 tỷ đồng.
Ngoài ra, với vai trò điều phối của Thành Thành Công, vừa qua SBT và BHS đã cùng hợp tác đầu tư trồng mía tại Campuchia. Cụ thể, trong vụ sản xuất mía năm 2012-2013, SBT và BHS đã đầu tư trên 110 tỷ đồng ứng vốn cho các doanh nghiệp đối tác phía Campuchia trồng mới được 3,503 ha mía tại các huyện Rô Mia Hênh, Rùm Đuol, Svay Tiệp thuộc tỉnh Svay Riêng. Trong đó, SBT trồng được 2,281ha và BHS trồng được 1,222ha.
Riêng với Sacomreal (SCR) là thành viên nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất từ các thành viên trong gia đình Thành Thành Công và cả Sacombank (STB) trước đây. Thống kê đến 30/09, tổng nợ của Sacomreal tại Sacombank lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo 275.8 tỷ đồng, lãi vay 1.167%/tháng dưới dạng tín chấp. Nợ dài hạn tới hạn trả vay Sacombank là 479 tỷ đồng. Ngoài ra, Sacomreal còn vay thêm Sacombank khoảng 547 tỷ đồng nợ dài hạn nhưng chưa đến hạn phải trả.
Hiện tại, Sacomreal còn đang nợ dài hạn đến 2014 của Toàn Thịnh Phát (bao gồm cả công ty con) tổng cộng 324.63 tỷ đồng, nợ dài hạn Công ty Đặng Huỳnh và Công ty Đầu tư Thành Thành Công 295 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, Sacomreal cũng liên tục phát sinh những khoản vay tín chấp ngắn hạn đối Thành Thành Công lên tới 215.8 tỷ đồng và các khoản vay trị giá 150 tỷ đồng tại Công ty Đặng Huỳnh. Toàn bộ các khoản vay này đều được công ty bổ sung vào vốn lưu động và đến nay đã đáo hạn xong.
Viết Vinh (Vietstock)
ffn
|