Thứ Sáu, 16/11/2012 15:08

BĐS: Giảm giá bán không thể cứu thị trường!

Để giải quyết lượng hàng tồn kho đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản, ngoài việc đưa ra nhiều giải pháp, Bộ Xây dựng còn kêu gọi các doanh nghiệp phải tiếp tục hạ giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đang bị nhiều doanh nghiệp cho là… “viển vông”.

Theo ông Trần Văn Can, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội số 5 (Handico 5), việc tiếp tục giảm giá đối với doanh nghiệp bất động sản hiện nay là rất khó, bởi chi phí cấu thành đầu vào của sản phẩm quá cao. Ông Can cho biết, Handico 5 vừa triển khai dự án tại huyện Gia Lâm - Hà Nội, trong đó riêng chi phí tiền đất tính ra đã lên đến 5,3 triệu đồng/m2 căn hộ. Ngoài chi phí xây dựng có thể tính toán được theo đơn giá, việc triển khai dự án mất rất nhiều chi phí khác khiến giá thành đội lên cao. Trong khi đó, trước bối cảnh thị trường khá trầm lắng, doanh nghiệp đưa ra mức giá ban đầu không thể quá cao, nên việc tiếp tục giảm giá giống như nhiệm vụ bất khả thi.

Cũng theo ông Can, trong thời điểm hiện nay, kể cả khi doanh nghiệp chấp nhận lỗ để giảm giá bán, thì việc giảm giá cũng không phải là lối thoát đối với loại hàng tồn kho là bất động sản. Bởi tâm lý người mua nhà đất là khi thấy giá giảm sẽ tiếp tục chờ đợi, nên doanh nghiệp chưa chắc đã bán được hàng. Điều mà doanh nghiệp bất động sản cần nhất hiện nay là được khoanh nợ, giãn nợ, được bơm thêm tiền để hoàn thiện dự án thì chưa được Bộ Xây dựng ưu tiên cân nhắc.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dầu khí toàn cầu (GP Invest) cho rằng, để bán được hàng, nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã phải chủ động cắt giảm các chi phí có thể để giảm giá thành, song việc bán hàng vẫn rất khó do tỷ lệ giảm giá không nhiều. Nếu tiếp tục giảm giá theo kêu gọi của Bộ Xây dựng, doanh nghiệp phải giảm giá theo hướng tiêu cực, nghĩa là chấp nhận bán hàng lỗ vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh niềm tin vào thị trường xuống rất thấp, việc chấp nhận chịu lỗ mà hạ giá bán hàng cũng chưa chắc thành công.

Ông Hiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua đều gặp nhiều khó khăn về vốn. Nhưng việc vay vốn cũng rất khó vì con số nợ xấu liên quan đến bất động sản được công bố gần đây rất lớn khiến các ngân hàng ngại cho vay lĩnh vực bất động sản. Với một số doanh nghiệp ít ỏi được tiếp cận với nguồn vốn, thì lãi suất cũng từ 15%/năm trở lên. Do vậy, chi phí cấu thành sản phẩm bị đội thêm, nếu doanh nghiệp làm theo kêu gọi của Bộ Xây dựng, tiếp tục hạ giá bán thì chỉ có con đường chết.

Cũng theo ông Hiệp, thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Thế nhưng, ông Hiệp lo ngại các kiến nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng có khả năng chỉ nằm trên giấy. Bởi cho dù kiến nghị được thông qua, việc thực hiện thế nào lại phụ thuộc vào các địa phương. Một khi chính quyền địa phương chưa quyết liệt vào cuộc thì mọi giải pháp đều khó triển khai.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Reenco Sông Hồng, các doanh nghiệp bất động sản đang cần được “hà hơi thổi ngạt” tức thì. Chẳng hạn, cái doanh nghiệp cần hiện nay là được khoanh nợ, giãn nợ, được hỗ trợ vốn và hỗ trợ giải quyết các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án một cách nhanh chóng. Trong khi đó, các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, muốn thực hiện được, cần phải có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là sự tham gia của chính quyền địa phương.

Đối với kêu gọi giảm giá bán ra của Bộ Xây dựng, ông Điệp cũng cho rằng sẽ rất khó thực hiện. Bởi cấu thành đầu vào gồm thuế đất, tiền chuyển đổi, giá đền bù hiện đã ở mức rất cao. Doanh nghiệp đã nộp tiền đất cho Nhà nước rồi, trong khi chưa có tiền lệ Nhà nước hồi tố tiền đất cho doanh nghiệp, khiến các đơn vị này khó có cơ sở giảm giá sản phẩm.

Cũng theo ông Điệp, các bộ phận cấu thành giá sản phẩm bất động sản khác như giá vật liệu xây dựng và giá nhân công lao động cũng hầu như chỉ thấy tăng, ít thấy giảm, nên việc giảm mạnh giá bán bất động sản dường như chỉ xảy ra với những doanh nghiệp muốn tháo chạy khỏi thị trường.

Phương Anh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sau 15.12, sẽ công khai kết quả rà soát sử dụng đất (16/11/2012)

>   Thị trường bất động sản đóng băng: Chẳng ai được lợi! (16/11/2012)

>   2,5 tỷ USD cho dự án Tây Hồ Tây (15/11/2012)

>   Nhà giá rẻ: Phá giá hay phá băng? (15/11/2012)

>   Căn hộ chuẩn bị đợt giảm giá cuối năm (15/11/2012)

>   The Manor: Tranh chấp chung - riêng, hé ra nhiều chuyện (15/11/2012)

>   Nhà đầu tư Nhật rót vốn vào khu đô thị 1,2 tỷ USD (15/11/2012)

>   Những kẻ đi vào bão (14/11/2012)

>   Chung cư Hà Nội đắt nhất: 145 triệu đồng/m2 (14/11/2012)

>   “Bất động sản đổ vỡ thì ai chịu trách nhiệm?” (13/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật