Thứ Năm, 22/11/2012 16:32

10 “tội đồ” gây ra “vực thẳm tài khóa” tại Mỹ

“Vực thẳm tài khóa” là một khái niệm không chỉ đang làm mưa làm gió trên thị trường tài chính toàn cầu mà còn gây áp lực chính trị không nhỏ lên chính quyền Tổng thống Obama trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận để Mỹ tránh được nguy cơ này và không rơi vào suy thoái. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Mỹ phải đối mặt với “vực thẳm tài khóa”?

* “Vực thẳm tài khóa” Mỹ và bài học từ khủng hoảng nợ châu Âu

Chuyên viên tài chính Rex Nutting thuộc The Wall Street Journal cho rằng “vực thẳm tài khóa” là kết quả trực tiếp của hai vấn đề mâu thuẫn của đời sống xã hội Mỹ, đó là sự tham lammặc cảm tội lỗi.

Tham lam là khi xã hội Mỹ mong muốn có một mức thuế thấp, quân đội hùng mạnh, một mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ và Chính phủ có thể hào phóng chi tiêu cho tất cả người dân.

Mặc cảm tội lỗi là người Mỹ không chi trả những chi phí đó một cách hợp lý.

Hầu như tất cả người Mỹ đều đóng một vai trò nào đó trong “vở kịch” này, từ những người muốn đóng ít thuế hơn hay những người muốn được hưởng lợi hơn từ các khoản chi tiêu của Chính phủ. Tuy nhiên, Rex Nutting đã đưa ra 10 nhân vật điển hình, chịu trách nhiệm chính đối với vấn đề “vực thẳm tài khóa” mà Mỹ đang phải đối mặt:

1. Arthur Laffer

 

Ông Arthur Laffer là một nhà kinh tế dưới thời Tổng thống Reagan, người đưa ra khái niệm “Đường cong Laffer”. Đây là minh chứng cho lý thuyết rằng tồn tại một mức thuế suất giữa 0% và 100% có thể dẫn đến doanh thu thuế tối đa cho các Chính phủ.

Lý thuyết của ông là động lực cho những chính trị gia muốn cắt giảm thuế nhưng không làm tăng thâm hụt. Tuy nhiên thực tế lại khác, khi Tổng thống Reagan cắt giảm 25% thuế thu nhập thì thâm hụt ngân sách không giảm mà ngày càng tăng lên khiến người ta nghi ngờ. Đến thời điểm hiện tại, cắt giảm thuế chính là nguyên nhân khiến nợ công của Mỹ vượt 16,000 tỷ USD.

2. Pete Peterson

 

Nếu tìm một ai đó để người Mỹ có thể đổ lỗi vì đã làm họ cảm thấy tội lỗi với các khoản nợ của Mỹ thì đó chính là Pete Peterson, một tỷ phú với hoạt động đầu cơ chứng khoán và từng là thành viên nội các dưới thời Tổng thống Reagan.

Peterson là người sáng lập, hỗ trợ và tài trợ cho các tổ chức ở Washington nghiên cứu về vấn đề thâm hụt ngân sách như Liên minh Concord, Quỹ Peterson, The Fiscal Times và bộ phim tài liệu chống thâm hụt “I.O.U.S.A”.

Nếu không có hàng tỷ USD của Peterson mua lại “những ám ảnh tội lỗi”, thâm hụt có lẽ chỉ còn trong tưởng tượng…

3. Bill Clinton

 

Dưới sự điều hành của ông Clinton trong 2 nhiệm kỳ (1993-2001), năm 1999 nước Mỹ đã lần đầu tiên có thặng dư ngân sách kể từ năm 1969. Vậy điều gì đã khiến ông lọt vào danh sách này? Đó chính là thái độ chủ quan khi chính quyền Mỹ bắt đầu nghĩ tới khái niệm “thặng dư vĩnh viễn”.

Thặng dư dưới thời ông Clinton là kết quả của chính sách kết hợp thuế cao và chi tiêu điều độ. Tuy nhiên, thời kỳ đó cũng chính là khoảng cực thịnh đối với kinh tế Mỹ nên mọi người đều vui vẻ nộp thuế.

Sự thỏa mãn quá vội vàng đã khiến chính quyền Mỹ nghĩ tới việc sẽ đạt “thặng dư vĩnh viễn” và điều này khiến người ta nghĩ tới khái niệm “tăng vĩnh viễn” trên thị trường chứng khoán vào thời điểm đó. Kết quả là ngân khố của Mỹ và Phố Wall đều giống nhau.

4. Alan Greenspan

 

Từng giữ cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Alan Greenspan được xem là nguyên nhân cho cảm giác tham lam lẫn tội lỗi. Mặc dù luôn nhắc nhở chính quyền Mỹ về các mối nguy hiểm của thâm hụt ngân sách nhưng thất bại lớn nhất của ông là đã ủng hộ Tổng thống Bush cắt giảm thuế trong những ngày cuối cùng trên cương vị Chủ tịch Fed vào năm 2001.

Ngoài ra, ông còn là nguyên nhân gây ra bong bóng nhà đất vào những năm 2000 khi duy trì mức lãi suất thấp và không điều chỉnh kịp thời hoạt động cho vay của ngân hàng.

5. George Bush

 

Người xứng đáng nhất phải chịu trách nhiệm về những khoản nợ ngày hôm nay của nước Mỹ chính là cựu Tổng thống George Bush. Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2000, ông Bush hứa sẽ cắt giảm thuế. Khi suy thoái ập đến vào năm 2001, ông đã cắt giảm thuế với hy vọng sẽ giúp nền kinh tế hồi sinh. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dậm chân tại chỗ và khi đó ông tiếp tục cắt giảm thuế, giảm thuế bất kể khi nào có dịp và điều đó khiến các khoản nợ của Mỹ nhanh chóng phình to.

6. Dick Cheney

 

Trong khi Tổng thống Bush đang mải miết với việc… cắt giảm thuế thì cấp phó là ông Cheney lại bận rộn với những kế hoạch chống khủng bố sau khi Mỹ bị tấn công vào năm 2001.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ gửi quân tham gia một cuộc chiến nhưng lại không tăng thuế để đáp ứng chi tiêu cho quân sự và điều này khiến Mỹ nhanh chóng rơi vào thâm hụt với các khoản chi tiêu khổng lồ cho chiến tranh. Nợ công cũng theo đó gia tăng thêm hàng ngàn tỷ USD.

7. David Lereah

 

Là chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Bất động sản Quốc gia (NAR) nhưng ông Lereah là người chịu trách nhiệm chính cho tình trạng bong bóng bất động sản khi liên tục cổ vũ người mua. Thậm chí khi quả bóng bất động sản có dấu hiệu xì hơi, ông vẫn khẳng định đầu tư bất động sản sẽ không bao giờ thua lỗ.

Bong bóng bất động sản và tín dụng đã dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính trong năm 2008 và là nguyên nhân trực tiếp của cuộc Đại suy thoái năm 2009 khiến ngân sách quốc gia thâm thủng khoảng 1,000 tỷ USD mỗi năm.

8. Grover Norquist

 

Là người đứng đầu một tổ chức vận động hành lang và các chiến dịch tài chính mạnh mẽ, Grover Norquist buộc hầu hết các quan chức thuộc Đảng Cộng hòa phải ký cam kết không ủng hộ chính sách tăng thuế dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu ai từ chối hoặc vi phạm, họ có thể phải trả giá đắt.

Hành động của Grover Norquist đã khiến Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể tìm được tiếng nói chung trong suốt 2 năm qua trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về chính sách kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tại quyền lực của Norquist đang có dấu hiệu bị lung lay khi một số đảng viên Cộng hòa vừa đắc cử trong năm nay đã không ký vào bản cam kết và vẫn đang ung dung tự tại.

9. Barrack Obama

 

Ông Obama “vinh dự” là tổng thống đương nhiệm trong thời kỳ thâm hụt ngân sách của Mỹ chạm kỷ lục. Ông cũng đóng vai trò chính trong việc gây ra vấn đề này khi liên tục đồng thuận với các gói kích thích tiền tệ khổng lồ, các khoản cứu trợ ngành công nghiệp ô tô cũng như mở rộng hệ thống an sinh xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng ý thức rất rõ vấn đề thâm hụt khi đề nghị tăng thuế ngay cả khi kinh tế Mỹ đang lao đao. “Vực thẳm tài khóa” chính thức xuất hiện khi ông bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng đầu tiên vào năm 2011.

10. John Boehner

 

Là một đảng viên Cộng hòa và nắm giữ vai trò Chủ tịch Hạ viện, ông John Boehner cũng chịu tác động bởi cam kết với Grover Norquist. Mặc dù có quan điểm cho rằng Chính phủ Mỹ cần tăng thu ngân sách nhưng ông lại âm thầm bỏ phiếu chống.

“Vực thẳm tài chính” có xảy ra hay không phụ thuộc rất nhiều vào những quyết định của ông trong vai trò là người đứng đầu Hạ viện

Hương Giang (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Trung Quốc sẽ đổ tiền vào Thái Lan (22/11/2012)

>   Kinh tế Đông Nam Á đã đến lúc bùng nổ (22/11/2012)

>   Ngân hàng Thế giới cho Indonesia vay 500 triệu USD (22/11/2012)

>   'Kinh tế toàn cầu tiếp tục xấu hơn trong năm 2013' (22/11/2012)

>   Fitch hạ 2 bậc xếp hạng tín nhiệm của Cộng hòa Síp (22/11/2012)

>   Tây Ban Nha thành lập ngân hàng xử lý nợ xấu (22/11/2012)

>   Dự trữ vàng và ngoại tệ của Nga đã tăng 28 tỷ USD (22/11/2012)

>   Nợ công của Anh tiếp tục tăng cao trong tháng 10 (21/11/2012)

>   Hy Lạp vẫn “trắng tay” sau cuộc họp dài 12 tiếng (21/11/2012)

>   Tín dụng đen hoành hành trên thế giới (21/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật