Toàn cảnh xếp hạng tín nhiệm Việt Nam, ngân hàng và doanh nghiệp 2012 (Phần 5)
Dưới tác động của mức xếp hạng quốc gia, tình hình tín nhiệm các ngân hàng Việt Nam – huyết mạch của nền kinh tế – cũng diễn biến trái chiều với việc hạ bậc hàng loạt của Moody’s và động thái ngược lại của S&P trong khi Fitch giữ nguyên. Điều đáng khích lệ là cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đều dành triển vọng “ổn định” cho tất cả các ngân hàng được đánh giá của Việt Nam.
VIBank: Điệp khúc hạ bậc và cảnh báo hạ bậc tín nhiệm
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIBank) chỉ được một tổ chức duy nhất là Moody’s tiến hành nghiên cứu và đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Tương tự VIBank còn có Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).
Trong gần 5 năm thực hiện động thái này (từ 07/2008 đến tháng 10/2012), Moody’s đã 1 lần đưa xếp hạng của VIBank vào diện xem xét hạ bậc (ngày 27/05/2009) và 3 lần hạ bậc ngân hàng này lần lượt vào các ngày 03/08/2009, 15/12/2010 và 28/09/2012).
* Moody's hạ bậc tín nhiệm ACB, BIDV, CTG, MBB, SHB, STB, TCB và VIB
Trong lần xếp hạng mới đây nhất vào ngày 28/09, Moody’s hạ xếp hạng Xếp hạng Sức mạnh Tài chính Ngân hàng (BFSR) của VIBank từ “E+” xuống “E”, tương ứng mức “caa1” trong dài hạn.
Động thái trên chủ yếu phản ánh việc hạ đánh giá tín dụng độc lập của VIBank do khả năng ngày càng lớn rằng ngân hàng này có thể cần sự hỗ trợ bất thường nhằm tránh nguy cơ không trả được nợ. Phân tích của Moody’s xuất phát từ nhiều nhân tố tín dụng có mối liên hệ lẫn nhau.
Ngoài ra, Moody’s còn hạ xếp hạng tiền gửi nội và ngoại tệ dài hạn của VIBank từ “B2” xuống “B3” và cắt giảm xếp hạng nhà phát hành nội và ngoại tệ dài hạn từ “B2” xuống “B3”. Triển vọng đối với tất cả các mức xếp hạng mới là “ổn định”.
Khi đánh giá triển vọng “ổn định”, Moody’s đã xét đến việc Chính phủ Việt Nam có đủ năng lực tài chính để hỗ trợ hệ thống ngân hàng dù chi phí của động thái này có thể ảnh hưởng đến tín nhiệm của Việt Nam.
Ngoài VIBank, 7 ngân hàng khác là ACB, BIDV, CTG, MBB, SHB, STB và TCB cũng rơi vào tình trạng tương tự sau khi Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm nội và ngoại tệ của Việt Nam từ “B1” xuống “B2” với triển vọng “ổn định”.
Theo Moody’s, xếp hạng tín dụng độc lập của VIBank có thể xuống mức “ca” nếu chắc chắn rằng ngân hàng này chỉ tránh được nguy cơ vỡ nợ nhờ các biện pháp hỗ trợ bất thường. Moody’s cũng có thể hạ xếp hạng tín nhiệm nợ và tiền gửi của VIBank nếu có dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ là không đủ để phục hồi khả năng thanh toán nợ.
Ngược lại, chỉ dấu tích cực đối với xếp hạng của VIBank là một chương trình cải cách nhanh chóng hơn và có thể dẫn đến lộ trình tái cấp vốn rõ ràng hơn cho các ngân hàng. Ngoài ra, đó còn là mức độ minh bạch cao hơn và quản lý rủi ro hiệu quả hơn.
Chi tiết xếp hạng tín nhiệm VIBank của Moody’s
* Phần 1: Thăng trầm xếp hạng tín nhiệm quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam
* Phần 2: "Mối duyên đầu" giữa Moody's và ngân hàng Việt
* Phần 3: Techcombank: Bước lùi 6 năm của xếp hạng tín nhiệm
* Phần 4: ACB: 5 lần bị Moody’s cắt giảm tín nhiệm và đang trong tầm ngắm hạ bậc của Fitch
* Phần 6: SHB lọt vào “lăng kính đen” của Moody’s (Đón đọc vào ngày 25/10)
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|