Đằng sau sự việc TAS lần lượt bị các Cơ quan Quản lý Thị trường đình chỉ (Phần 3)
Thị trường chứng khoán sụt giảm triền miên cũng là lúc bức tranh về sức khỏe của các công ty chứng khoán bị phát tác. Báo chí đã phải tốn không ít giấy mực cho các sự vụ lớn liên quan đến SME, SBS hay gần đây là GBS, TSS… Và TAS cũng đang nằm trong “tầm ngắm” khi liên tục bị cơ quan quản lý ra một loạt án phạt: Kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động lưu ký và hoạt động thanh toán bù trừ…
Những hình phạt này là do TAS có một số vi phạm về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Và sau đó là đến đơn vị kiểm toán lên tiếng về những “tù mù” trong báo cáo tài chính bán niên 2012.
TAS: Đến lượt tiền của cổ đông bị “cướp” trắng trợn
Trong chuỗi bài trước chúng tôi đã cung cấp một phần “tảng băng chìm” về những hoạt động “mờ ám” tại CTCP Chứng khoán Tràng An (HNX: TAS) gây thất thoát tiền trong tài khoản nhà đầu tư và ngân hàng. Chưa dừng lại ở đó, một số lãnh đạo và nhân viên của TAS còn “có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn lập chứng từ khống, gian lận trong lập báo cáo, sổ sách để tham ô, gây thiệt hại cho công ty hàng trăm tỷ đồng”.
Từ lãnh đạo…
Bức xúc vì đồng vốn mình bỏ ra đang càng ngày bị bào mòn, nhóm cổ đông cho biết, trong giai đoạn 2010-2011, lãnh đạo TAS đã “ép” công ty phải cho vay hơn 13 tỷ đồng để kinh doanh chứng khoán. Bên cạnh một phần được sử dụng để tiêu xài cho cá nhân thì phần lớn số tiền này đã được vị lãnh đạo trên mua 1 triệu cổ phiếu của một đơn vị trên sàn HNX. Do thị trường chứng khoán giảm sút, trong quý 4/2011, vị lãnh đạo này đã phải bán số cổ phiếu trên và chỉ hoàn trả lại cho công ty được phân nửa, còn lại không có khả năng chi trả.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2011, tại ngày 31/12/2011, TAS có 191.5 tỷ đồng khoản phải thu. Theo TAS, ngoài số tài sản là cổ phiếu trên các tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư nợ TAS còn thế chấp những tài sản khác là cổ phiếu chưa niêm yết, bất động sản, quyền mua bất động sản được thể hiện bằng giá trị tiền đã nộp mua nhà... Tuy nhiên việc thống kê và đánh giá giá trị của những tài sản này là tương đối khó khăn do khó ước tính chính xác giá trị thị trường. |
Chưa dừng lại ở đó, vị lãnh đạo này đã tự ý chỉ đạo nhân viên sử dụng tiền của công ty và tiền huy động từ các tổ chức tài chính để kinh doanh chứng khoán trên các tài khoản cá nhân tại công ty. Đến thời điểm 31/12/2011 số nợ gốc chưa trả cho TAS và tiền lãi vay là 54.84 tỷ đồng.
… đến nhân viên cùng ‘rút ruột’
Theo thư cổ đông, một số nhân viên trong phòng kế toán TAS đã chiếm đoạt số tiền 50 tỷ đồng bằng hình thức điều chuyển tiền từ tài khoản nguồn* để trả nợ cho các tài khoản nhà đầu tư hiện đang nợ tiền của công ty.
Cụ thể, tại ngày 26/02/2010, TAS sử dụng 50 tỷ đồng từ các tài khoản nguồn của công ty để bổ sung tiền cho 8 tài khoản của nhà đầu tư khác thông qua việc lập phiếu thu và phiếu chi không có thật. Các tài khoản trên sử dụng chính số tiền này để bù đắp cho khoản còn nợ TAS đối với những giao dịch trước đó.
Ngoài ra, đến ngày 31/08/2010, bằng tài khoản của hai cá nhân khác, kế toán đã can thiệp vào hệ thống phần mềm để hạch toán thêm bút toán vào ngày 26/02/2010 là 50 tỷ đồng và 19/03/2010 là 2 tỷ đồng. Người sửa đã sử dụng Tài khoản tiền mặt và Tài khoản tiền gửi ngân hàng như tài khoản trung gian để tạo cho tài khoản 208xxx có tiền mặt và từ tài khoản này tạo các bút toán chi trả tiền vay cho các tổ chức gồm: PVI (16.96 tỷ đồng), Bảo Việt (16.9 tỷ đồng), PVFI (18 tỷ đồng) với tổng số tiền lên đến 52 tỷ đồng.
Tiếp đó, vào ngày 06/06/2011, một nhân viên kế toán đã dùng tài khoản của mình để hạch toán khống bút toán trên tài khoản 041C003xxx, đồng thời ghi khống tăng tiền gửi tại ngân hàng BIDV Quang Trung với số tiền hơn 8 tỷ đồng. Qua kiểm tra tại ngân hàng BIDV Quang Trung thì không có khoản tiền nào của khách hàng trên nộp. Như vậy, số tiền trên đã ‘trôi’ đi đâu?
Cũng liên quan đến phòng kế toán, theo tố cáo, nguyên kế toán trưởng của TAS đã câu kết với một số nhân viên lập báo cáo, sửa chứng từ chiếm đoạt của công ty 50 tỷ đồng.
Cụ thể, chủ tài khoản đầu tư số 041C091xxx mở tại TAS chỉ đứng tên trên tài khoản đầu tư, mọi hoạt động giao dịch (mua, bán, khớp lệnh, nộp tiền, rút tiền…) được ủy quyền và giao cho 3 người khác thực hiện.
Theo đó, từ tháng 3 đến tháng 5/2010, được sự trợ giúp của một số nhân viên trong công ty, nguyên kế toán trưởng đã sửa sổ kế toán của tài khoản đầu tư trên theo cách tăng tiền bán chứng khoán của tài khoản này. Nhưng đối chiếu với sổ lệnh bán chứng khoán vào những ngày hạch toán tiền tăng thì không thấy phát sinh lệnh bán chứng khoán. Số hạch toán tăng cho tài khoản số 041C091xxx là 50 tỷ đồng, trùng khớp với số tiền thiếu hụt của sổ quỹ TAS. Theo cổ đông, sau khi phát hiện sự việc trên, ban lãnh đạo TAS đã yêu cầu giải trình và nhân vật này thừa nhận việc chiếm đoạt 50 tỷ đồng trên vì kinh doanh chứng khoán thua lỗ.
Hàng loạt vấn đề liên quan đến TAS thời gian qua không chỉ làm ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư giao dịch chứng khoán tại TAS mà cả đồng vốn của cổ đông, của đối tác cũng bị tan biến. Theo những thông tin báo chí đã đưa, lãnh đạo hiện nay của TAS dường như không muốn nhận trách nhiệm xử lý những vấn đề của người tiền nhiệm. Vậy cơ quan nào sẽ vào cuộc để làm sáng tỏ những nghi vấn trên, đồng thời giúp cổ đông, nhà đầu tư lấy lại được phần nào đồng vốn của chính mình?
* Tài khoản nguồn: Là tài khoản của các cá nhân mở tài khoản tại công ty để mua bán chứng khoán được công ty bảo lãnh để vay tiền của các tổ chức tín dụng.
* Phần 1: Hơn 40 tỷ đồng bốc hơi như thế nào?
* Phần 2: Ngân hàng và nhà đầu tư cùng… bị lừa?
Minh An (Vietstock)
ffn
|