Thứ Tư, 10/10/2012 10:38

Tái khởi động Dự án Usilk City: Xoa dịu nỗi đau

Khoản tiền giải cứu 300 tỷ đồng liệu có làm hồi sinh được Dự án Khu đô thị Usilk City có vốn khủng 10.000 tỷ đồng, hay chỉ là nhen nhóm lại hy vọng và xoa dịu khách hàng?

Khi đại gia “mặc cả”

Theo thông báo từ CTCP Sông Đà Thăng Long (HNX: STL), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Usilk City (gọi tắt là Dự án) tại Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội), ngày 30/9 vừa qua, đơn vị này đã tái khởi công cụm công trình CT1 bao gồm các toà CT101, CT102 và CT103 thuộc Dự án này. Các toà còn lại cũng sẽ được xây dựng trở lại từ ngày 10/10. Được biết, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tài trợ thêm cho STL tối đa 300 tỷ đồng làm “vốn mồi” cho việc tái triển khai Dự án.

Mới đây, STL và BIDV Chi nhánh Thanh Xuân đã ký hợp đồng tín dụng với điều kiện giải ngân của BIDV đặt ra cho STL là: hợp đồng tín dụng được đảm bảo nghĩa vụ của bên vay sẽ phải được ký giữa BIDV Chi nhánh Thanh Xuân và các tổ chức tín dụng đã cho vay đối với Dự án Usilk City trước đây. Theo đó, các tổ chức tín dụng cùng chia sẻ tài sản đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo tối thiểu tương ứng với tỷ lệ cho vay của BIDV Chi nhánh Thanh Xuân so với các tổ chức tín dụng.

Đi kèm với điều kiện trên, tiền đóng theo tiến độ xây dựng của khách hàng sẽ được nộp vào tài khoản của BIDV và BIDV cũng chỉ thực hiện giải ngân cho Dự án với điều kiện, khách hàng phải có cam kết về việc tiếp tục nộp tiền cho chủ đầu tư theo tiến độ xây dựng.

Trong gói hỗ trợ tài chính lần này cho Dự án, ngoài BIDV, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng tài trợ cho Cụm CT2 – toà 105 khoảng 60 tỷ đồng. Một ngân hàng thương mại khác (chưa tiết lộ danh tính) cũng đồng ý tài trợ vốn cho toà CT1 – 104 thêm một khoản tiền nữa, sau khi ân hạn toàn bộ khoản nợ cũ.

Giữa tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT STL đã có buổi làm việc với đại diện khách hàng để cam kết sẽ tái khởi động và tiếp tục thi công các toà nhà của Dự án theo lộ trình. Đổi lại, khách hàng sẽ rút lại các khiếu nại về tiến độ thực hiện dự án và chấp nhận kéo dài thời gian giao nhà, sớm nhất từ cuối quý I/2013 để chủ đầu tư có thời gian “tái cấu trúc” dự án.

Dự án “khủng” và gánh nặng nợ nần

Được khởi công từ tháng 9/2008, Dự án có quy mô 13 toà tháp (cao từ 25 tầng đến 50 tầng), trải dài trên gần 1 km dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 10.000 tỷ đồng. Theo hợp đồng ký kết với khách hàng trước đây, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao căn hộ tại toà CT101 từ cuối năm 2011, nhưng đến thời điểm này, toà nhà mới chỉ hoàn thành việc xây thô.

Theo báo cáo của chủ đầu tư gửi khách hàng ngày 21/7/2012, STL đã thu được của khách hàng số tiền là 4.062 tỷ đồng, chi phí đã thực hiện là 4.100 tỷ đồng, số tiền còn phải thu là 4.606 tỷ đồng, số tiền còn phải chi là 4.577 tỷ đồng. Nhiều khách hàng đã nộp từ 70% đến 100% số tiền mua căn hộ tại Dự án. Tính đến cuối quý II/2012, số nợ ngắn hạn của STL với các ngân hàng là khoảng 2.000 tỷ đồng. Với việc nợ quá hạn thì STL sẽ không thể vay thêm những khoản tín dụng mới với các hợp đồng tín dụng thông thường.

Thực sự là không dễ dàng cho STL khi trong hợp đồng tín dụng với BIDV có ghi rõ việc các bên sẽ tiến hành thuê đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập thẩm định, rà soát, kiểm tra tổng dự toán 3 toà nhà CT101, CT102 và CT103 của cụm CT1, thuộc Dự án để đảm bảo không phát sinh tăng vốn đầu tư. BIDV cũng sẽ không cho STL vay nếu xác định tổng nguồn thu còn lại không đủ thanh toán khối lượng cần hoàn thiện để bàn giao nhà cho người mua. Nhiều điều kiện ngặt nghèo khác cũng được đặt ra khi BIDV đặt bút ký vào bản hợp đồng tín dụng “rót” vốn cho STL.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho STL vào lúc này, khi thị trường bất động sản được dự báo là sẽ tiếp tục khó khăn trong những tháng còn lại của năm 2012, chẳng hạn như khoản tiền 300 tỷ đồng vốn mà BIDV “rót” cho STL liệu có đủ để “tái khởi động” dự án? Nếu thực sự được giải ngân, liệu 300 tỷ đồng có đủ để hồi sinh dự án sau một thời gian dài “đắp chiếu”. Vào thời điểm tháng 5/2011, STL đã thực hiện chiến dịch “vét vốn” của khách hàng, khi quyết định “biếu không” cho khách mua nhà từ 18 m2 đến 35 m2 sàn thương mại, với điều kiện khách hàng nộp toàn bộ số tiền mua căn hộ (chứ không đóng theo tiến độ xây dựng). Trong đợt trên, STL đã thu được khoản tiền không nhỏ để đầu tư xây dựng, nhưng rồi công trình vẫn... án binh bất động từ giữa năm 2011 đến nay.

Dự án từng được coi là một trong những dự án bất động sản “khủng” nhất của Hà Nội vào thời điểm năm 2009. Chủ đầu tư cũng đã chi những khoản tiền không nhỏ để quảng bá. Dự án cũng đã từng “nổi như cồn” trên thị trường thứ cấp với mức chênh lệch mỗi lần mua đi bán lại hàng triệu đồng/m2 sàn căn hộ. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn đã nhanh chóng đẩy chủ đầu tư vào thế bất lợi và một “Đô thị hiện đại - Cộng đồng văn minh” như khẩu hiệu mà chủ đầu tư đề ra vẫn là một tương lai mờ mịt.

Hà Quang

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Đại gia thoái vốn khỏi ngân hàng: Đường lui gập ghềnh (10/10/2012)

>   9 tháng, IMP ước đạt 86,5 tỷ đồng lợi nhuận (10/10/2012)

>   Tháo chạy khỏi sàn: Làm ăn tốt cũng hủy niêm yết (10/10/2012)

>   KSB bổ sung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiêp (09/10/2012)

>   MPC: Ngày 17/10 GDKHQ dự ĐHĐCĐ bất thường (09/10/2012)

>   PVD ước lãi 9 tháng đạt 1,100 tỷ đồng, tương ứng 97% kế hoạch (09/10/2012)

>   VTB thay đổi nội dung giấy đăng ký kinh doanh (09/10/2012)

>   Doanh nghiệp nghìn tỷ, cổ phiếu 900 đồng (09/10/2012)

>   TRC: 9 tháng lợi nhuận 253 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch (09/10/2012)

>   SED: Lãi ròng 9 tháng đạt 95% kế hoạch (09/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật