Thứ Hai, 08/10/2012 11:08

Nỗi lo hàng hóa Asean + 1

Hàng hóa Trung Quốc và Asean đang tràn ngập thị trường VN. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên trầm trọng hơn khi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Asean (Asean + 1) hoàn toàn có hiệu lực vào năm 2015.

Trên thực tế, một phần hiệp định này đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 khi cắt giảm 90% mặt hàng xuống thuế suất bằng 0 đối với các nước Trung Quốc (TQ), Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Brunei. Những nước còn lại là Campuchia, VN, Lào, Myanmar được gia hạn đến năm 2015. Theo đó, VN cam kết loại bỏ thuế quan có lộ trình đối với 90% số lượng dòng thuế; 10% còn lại có lộ trình giảm thuế kéo dài, thậm chí không giảm xuống bằng 0.

Có thể nói, VN sản xuất cái gì thì Asean, TQ có cái đó. Tuy nhiên, hàng VN lại kém sức cạnh tranh hơn khi sản xuất trên cơ sở manh mún, nên xâm nhập vào thị trường chung rất khó khăn

Ông Phan Thế Ruệ -Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN

Xuất khẩu chật vật với thị trường gần

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương), thừa nhận xuất khẩu VN đang theo xu hướng ngược với thế giới, khi mạnh về các thị trường ở xa trong khi phải đứng ngoài các thị trường gần như Asean, TQ. Nguyên nhân trước hết là các nhà nhập khẩu những nước này thường làm khó nhà xuất khẩu VN. Cụ thể là làm khó về giá, hợp đồng, khối lượng hàng hóa. Đặc biệt là thị trường TQ rất thường xuyên xảy ra các rủi ro liên quan tới những yếu tố kể trên. Trong khi đó, các thị trường xa như Mỹ, EU, hợp đồng hay giá bán luôn được xác định một cách rõ ràng, rất hiếm khi xảy ra trường hợp người mua ép giá hay bỏ hàng.

Một điểm mấu chốt khiến hàng hóa xuất khẩu VN khó cạnh tranh với hàng của các nước trong khu vực, theo ông Ruệ, đó là hàng VN có cùng chủng loại với hàng hóa của các nước này. Ví dụ, các sản phẩm dệt may của VN không dễ vào thị trường TQ hay Indonesia. Ngoại trừ sản phẩm nông sản đặc trưng là gạo, cao su, cà phê… “Có thể nói, VN sản xuất cái gì thì Asean, TQ có cái đó. Tuy nhiên, hàng VN lại kém sức cạnh tranh hơn khi sản xuất trên cơ sở manh mún, nên xâm nhập vào thị trường chung rất khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa các nước lại vào VN thuận lợi hơn do giá cả phù hợp và thậm chí, chất lượng tốt hơn”, ông Ruệ lý giải.

Trong khi các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang rất chật vật với thị trường gần thì từ nhiều năm qua, hàng VN đã vào được những thị trường xa như Mỹ, châu Âu một cách mạnh mẽ, kim ngạch tăng liên tục. Đây cũng là hai thị trường mà VN xuất siêu, chẳng hạn như xuất siêu vào Mỹ 10 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm nay; xuất siêu vào Đức 1,1 tỉ USD (theo Tổng cục Hải quan)…

Đối với thị trường gần như Asean và TQ, VN phải chấp nhận cảnh nhập siêu liên tục trong nhiều năm. Điều này thể hiện qua chênh lệch tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa VN và các nước Asean, TQ trong 8 tháng qua. Ví dụ, VN nhập siêu TQ 10 tỉ USD; nhập siêu của Singapore 3 tỉ USD; của Thái Lan 2,1 tỉ USD; Malaysia 700 triệu USD…

Các nước mà VN xuất siêu tương đối trong Asean có Campuchia; còn Philippines, Indonesia (nhờ xuất khẩu gạo), Lào là không đáng kể.

Rào cản về giá và kỹ thuật

Theo các DN xuất khẩu, bên cạnh vấn đề trùng lặp chủng loại hàng hóa và các rủi ro khác như ông Ruệ đề cập, thì giá là yếu tố mang tính quyết định. Ở khía cạnh này, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn phân tích, chúng ta không thể chống cự nổi với sản phẩm TQ. Nguyên nhân dễ thấy nhất là nhiều ngành hàng của VN không thể chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, phải nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ TQ nên giá thành cao.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN cho rằng, sản phẩm nhựa của VN không thua kém chất lượng so với sản phẩm các nước. Tuy nhiên rất khó có thể cạnh tranh về giá với TQ hay Thái Lan. Trong Asean, Lào và Campuchia là hai thị trường tương đối dễ dàng nhất với VN, nhưng có dung lượng nhỏ. Điều này cũng xảy ra với sản phẩm sắt thép. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt - cho biết công ty đang chiếm 50% thị phần thép xây dựng tại Campuchia và 60% thị phần tại Lào. Dù vậy, con số tiêu thụ cũng chỉ khoảng vài chục ngàn tấn/năm. Còn lại với những thị trường khác thì rất khó vào.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, hầu như các nước đều có xu hướng quay lại bảo hộ thị trường nội địa để bảo vệ DN trong nước. Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cao su Miền Nam (Casumina), thông tin: Tất cả các nước trong khu vực Asean đều áp dụng hàng rào kỹ thuật khá chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu. Casumina muốn đưa hàng vào các nước này thì việc đầu tiên là phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của nước sở tại. Thông thường phải mất 6 tháng mới nhận được thông báo mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Bước kế tiếp là thực kiểm, cơ quan quản lý chất lượng của nước sở tại sẽ đưa người đến tận Casumina để kiểm tra và lấy mẫu sản xuất, mất thêm khoảng 6 tháng nữa. Giấy chứng nhận này có giá trị trong vòng 2 năm. Sau đó, DN cũng phải tiến hành các bước xin cấp giấy chứng nhận mới như từ đầu. “Thời gian mất gần 1 năm mới xin được giấy chứng nhận và chi phí cho việc gửi mẫu, việc cán bộ của nước sở tại đến tận công ty lấy mẫu… không phải là ít. Vì vậy nhiều DN nản chí hoặc thời gian đó cũng làm giảm đi cơ hội tiếp cận thị trường. Điều đó cho thấy để xuất khẩu được sản phẩm sang các nước trong khu vực là rất khó khăn”, ông Trí nói.

Ông Hồ Đức Lam cũng xác nhận, các nước đưa hàng vào VN dễ hơn hàng mình đưa sang các nước như Thái Lan, TQ. Quy chuẩn chất lượng cho hàng hóa nhập khẩu của các nước không phải là quá cao và sản phẩm của VN đều đạt được. Nhưng quy trình để đạt được giấy chứng nhận khá dài và có thể đó cũng là rào cản hạn chế hàng hóa nhập khẩu của các nước ấy.

Chỉ có cách đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Các nước xung quanh đang cung cấp nguyên phụ liệu cho VN sản xuất để xuất khẩu, như TQ là thị trường cung cấp chính nguyên phụ liệu dệt may, da giày. VN cũng không xuất khẩu được các mặt hàng tinh vào những nước này mà chủ yếu là sản phẩm thô. Làm xuất khẩu như hiện nay là không căn cơ khi mua đầu vào từ các nước xung quanh và xuất ra những thị trường xa. Trên thực tế, VN chưa tham gia vào chuỗi giá trị trong khu vực. Vì thế, để cán cân thương mại của VN với các nước Asean và TQ trở nên cân bằng hơn, chỉ có cách chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, cải thiện sức cạnh tranh về chất lượng và giá hàng hóa so với khu vực”.


N.T.Tâm - M.Phương

Thanh Niên

Các tin tức khác

>   Myanmar: Giá đất công nghiệp đắt gấp 10 lần ở Mỹ (05/10/2012)

>   Myanmar quyết định mở thêm 7 khu công nghiệp (05/10/2012)

>   Mỹ nới lỏng cấm vận nhập khẩu cho Myanmar (27/09/2012)

>   Vinachem triển khai khai thác muối mỏ lớn tại Lào (21/09/2012)

>   Công ty Việt trúng thầu xây dựng Thư viện Quốc gia Lào (16/09/2012)

>   Mía nguyên liệu nhập từ Campuchia được miễn thuế (30/08/2012)

>   Đẩy mạnh xuất khẩu xi măng sang Campuchia (26/08/2012)

>   Việt Nam thúc đẩy dự án thăm dò kali tại Trung Lào (20/08/2012)

>   Kim ngạch thương mại VN-Lào liên tục tăng trưởng (10/08/2012)

>   Đưa hàng Việt vào Myanmar: Đã có “bà đỡ” (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật