Thứ Bảy, 13/10/2012 20:00

Nhân sự chứng khoán: Không trồng cây sao hái quả ngọt?

Lùng sục các website của các CTCK, trên các diễn đàn nhân lực, chứng khoán… người viết mỏi mắt tìm mà không thấy một chương trình thực tập viên nào của các CTCK. Ngay cả những ông lớn như SSI, Kim Eng, CTS… cũng không phải ngoại lệ.

Cứ vào độ tháng 9 trở ra, trên các diễn đàn về nhân lực việc làm lại rôm rả những bàn luận của sinh viên về các chương trình thực tập của các ngân hàng đang triển khai.

ACB hiện đang tuyển dụng sinh viên thực tập năm 2013. Tiêu chí tuyển là sinh viên kinh tế thuộc danh sách một số trường của ACB phân theo khu vực, cùng với điểm trung bình chung học tập từ… 8.0 trở lên. Sacombank thì có chương trình “Thực tập viên tiềm năng Sacombank 2013”, các sinh viên trúng tuyển sẽ được tham gia chương trình đào tạo kéo dài 3 tháng, được hỗ trợ chi phí lương trong quá trình thực tập và học việc; sau đó là đánh giá về việc hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của ứng viên trước khi giữ lại làm nhân viên chính thức. Ngoài ra còn có một số ngân hàng khác cũng tổ chức đón nhận thực tập sinh như Techcombank có “Thử sức cùng nhà tuyển dụng”, HDBank có “Thực tập viên tiềm năng”, …vv

Các chương trình này đều khá giống nhau về mặt nội dung triển khai: đào tạo sinh viên khoảng 2-3 tháng, sau đó đánh giá kết quả và giữ lại những cá nhân xuất sắc.

Mục đích của các ngân hàng khi triển khai các chương trình này thì khá rõ ràng: tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngân hàng mình.

Không phải ngẫu nhiên mà ACB chỉ lựa chọn sinh viên của một số trường đại học top đầu, lại thêm điều kiện điểm trung bình học tập từ 8.0 trở lên. Sinh viên thỏa mãn hai điều kiện trên còn phải tham gia sơ loại, phỏng vấn… trước khi được điền tên chính thức vào danh sách thực tập viên. Mặc dù vậy, chương trình của các ngân hàng vẫn nhận được phản ứng rất tốt từ sinh viên, và năm nào số lượng hồ sơ… bị loại cũng khá nhiều.

Nhưng bài viết này không nhìn nhận vấn đề ở góc độ của một sinh viên đang tìm nơi thực tập, mà muốn đánh giá tinh thần trách nhiệm của các ngân hàng trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Họ không bỏ mặc các trường đại học đơn độc, mà đã ý thức được trách nhiệm (cũng như lợi ích) của mình khi đào tạo cho nhân sự tương lai. Rõ ràng, thay vì “ăn xổi” khi bỏ ra những ưu đãi lương thưởng hấp dẫn để lôi kéo nhân sự của các ngân hàng bạn, thì cách thức đầu tư cho tương lai này lại mang lại hiệu quả bền vững hơn.

Đến câu chuyện của nhân sự chứng khoán!

Lùng sục các website của các CTCK, trên các diễn đàn nhân lực, chứng khoán… người viết mỏi mắt tìm mà không thấy một chương trình thực tập viên nào của các CTCK. Ngay cả những ông lớn như SSI, Kim Eng, CTS… cũng không phải ngoại lệ.

Gần nhất với một chương trình thực tập viên đúng nghĩa có lẽ là của HSC, nhưng hiện nay thì HSC “chưa có nhu cầu tiếp nhận thực tập sinh” mà chỉ khuyến khích nộp hồ sơ cho vị trí thực tập mong muốn để HSC có thể tham khảo trong tương lai.


Sinh viên chứng khoán được đào tạo tại MBS! (Ảnh: Phan Lê Chiến)

Sự èo uột của thị trường, tình hình làm ăn thua lỗ của khối các CTCK… cũng như số lượng sinh viên ít ỏi của chuyên ngành chứng khoán có thể là lời lý giải cho sự không mặn mà này.Vì vậy, sinh viên khá vất vả để tìm nơi thực tập, và phần nhiều đều phải trông cậy vào mối quan hệ của thầy cô chuyên ngành.

Khi nói chuyện về sự hợp tác của các CTCK với các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đa phần thầy cô đều hào hứng khi kể về quãng thời gian… nhiều năm trước. Những suất học bổng chục triệu, những buổi giao lưu với hoa tươi và tiếng cười, những khóa đào tạo miễn phí mở hàng tuần… và cả những lời chào đón việc làm dành cho những sinh viên chuyên ngành… năm thứ 3…vv tất cả giờ chỉ còn là hồi ức.

Thực tế, các CTCK đã “nhạt” dần trong việc chào đón sinh viên từ khoảng 3-4 năm trở lại đây. Những cú lao dốc của thị trường khiến họ phải vật lộn trong cuộc chiến sinh tồn, cắt giảm nhân sự còn không hết chứ nói gì về việc đầu tư cho tương lai? Nếu cần bổ sung nhân viên thì cũng không lo, vì “nguồn” nhân lực chứng khoán đang tìm việc nhiều vô kể!

Nhưng phải thừa nhận rằng, sản phẩm “nguồn nhân lực” hiện diện ấy đa phần có chất lượng kém. Họ là những người vào thời kỳ đỉnh cao của chứng khoán, đã bỏ nghề nghiệp chính của mình để sau một đêm thành broker. Đến khi thị trường có sự chọn lọc tự nhiên, họ là người đầu tiên rời trụ sở. Không qua đào tạo, hiểu biết về chứng khoán còn mơ hồ, tư vấn theo kiểu “ăn xổi” và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp kém… nhiều broker trở thành một phần nguyên nhân của những vụ việc lợi dụng tài khoản của NĐT, giao dịch nội gián, bán khống… trên thị trường.

Trải qua những thăng trầm, người ta mới thấu hiểu được tại sao người hành nghề đặc thù này lại được UBCKNN quản lý đến từng cá nhân; họ phải được đào tạo, có bằng đại học và có giấy phép hành nghề của UBCK trước khi tư vấn cho NĐT. Và, như TS Nguyễn Thị Hoài Lê (Học viện Tài Chính) cho biết, không có một ngành đào tạo về kinh tế-tài chính nào lại có một chương quan trọng trong một môn học chuyên ngành có tên là “đạo đức nghề nghiệp…” như chứng khoán. Rủi ro đạo đức là bài học không bao giờ lỗi thời trên thị trường chứng khoán ở các nước, và đó là lý do tại sao nó không nằm ngoài dự tính của các giảng viên khi soạn giáo trình. Vì vậy, không mặn mà trong việc đào tạo nguồn nhân lực tương lai, mà chỉ trông chờ vào những gì sẵn có trên thị trường, đặc biệt là lôi kéo những nhân sự của CTCK bạn… một CTCK không thể nào tiến xa!

Bài học ấy có lẽ MBS thấu hiểu rất rõ. Từng dẫn đầu thị trường về thị phần môi giới, nhưng hiện nay MBS đang phải tái cấu trúc lại hoạt động sau những sai lầm về chiến lược kinh doanh trong những năm qua. Mới đây nhất, MBS đã đóng cửa chi nhánh ở Vũng Tàu, thu hẹp hoạt động còn ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Trong quá trình tái cấu trúc, họ rất quan tâm đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Hơn 10 sinh viên chuyên ngành chứng khoán năm 4 được chi nhánh Kim Mã (Hà Nội) của MBS sàng lọc đang được đào tạo thêm về kiến thức thực tế ngoài những gì đã được học trên giảng đường. Trên website của phó giám đốc khối Khách hàng cá nhân MBS cũng đang đăng tin tuyển dụng dành cơ hội cho sinh viên mới hoặc sắp ra trường.

Tâm sự với người viết, giám đốc chi nhánh Kim Mã của MBS có nói: Nếu thích, MBS cứ tuyển bừa vào, ép chỉ tiêu. Không đạt? Xin mời anh “out”. Nhưng MBS không làm vậy, mà muốn đào tạo sinh viên để tạo nguồn nhân sự có chất lượng trong tương lai.

Tiếc rằng, câu chuyện này của MBS có lẽ chỉ là một điểm sáng lẻ loi trên thị trường. Các CTCK hiện nay tìm kiếm nhân sự phần nhiều vẫn theo kiểu chộp giật, lôi kéo từ CTCK khác, và thờ ơ với việc đào tạo như mấy năm nay… Và lẽ thường, không trồng cây sao có thể hái được quả ngọt?

Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   N.A.V 3 quỹ đầu tư của VAM đồng loạt giảm trong tháng 9 (13/10/2012)

>   NTB: Thay đổi số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (12/10/2012)

>   CII: Bổ sung 37.7 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết (12/10/2012)

>   Bán khống: Chứng khoán HSC và nhân viên lừa… nhà đầu tư? (12/10/2012)

>   SRF: Đăng ký bổ sung 111,980 cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành (12/10/2012)

>   Có thể giằng co mạnh trong phiên (19/10/2012)

>   TV1: Thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết do phát hành thêm (12/10/2012)

>   EIB thỏa thuận đột biến gần 13 triệu cp (12/10/2012)

>   “Đại phẫu” công ty chứng khoán bắt đầu quyết liệt (12/10/2012)

>   12/10: Bản tin 20 giờ qua (12/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật