Thứ Bảy, 20/10/2012 09:09

Nhân sự chứng khoán 50% không chứng chỉ hành nghề, tại sao?

Theo TS. Tôn Tích Quý, việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức người hành nghề hiện trống rỗng, do bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán xây dựng xong.

TS. Tôn Tích Quý, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán (SRTC) cho rằng, để TTCK xảy ra tình trạng nhân viên môi giới lạm dụng tiền, thậm chí “ăn cắp” tiền trên tài khoản nhà đầu tư có nguyên nhân rất lớn từ công tác đào tạo và giám sát chất lượng nhân sự bị buông lỏng.

50% nhân sự không chứng chỉ hành nghề

Cụ thể, theo ông Quý, việc đào tạo, bồi dưỡng đạo đức người hành nghề hiện trống rỗng, do bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán xây dựng xong; việc quản lý tuân thủ (người làm nghiệp vụ phải có chứng chỉ hành nghề) của UBCK không gắt gao, dẫn đến có tới 50% người làm nghiệp vụ là không có chứng chỉ. Khi kiến thức và đạo đức người hành nghề không được giám sát chặt thì những hệ lụy mà đối tượng này gây ra cho khách hàng đã và đang diễn biến rất phức tạp, vẽ nên những nét xấu trên bức tranh tổng thể về thị trường. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư kêu cứu khi phát hiện ra tài khoản tiền hoặc chứng khoán của mình bị nhân viên môi giới lạm dụng.Vấn đề nan giải là các vụ việc nhân viên môi giới hoặc CTCK xâm phạm tài sản nhà đầu tư thường không thể giải quyết dứt điểm ở cấp UBCK, bởi cấp này không có thẩm quyền phán xử về tài sản, mà biện pháp xử lý sai phạm cao nhất chỉ là rút chứng chỉ hành nghề của người môi giới, hoặc rút giấy phép hoạt động nghiệp vụ của CTCK.

Các sai phạm chủ yếu mà nhà đầu tư hay tố nhân viên hành nghề chứng khoán là tự ý sử dụng tiền và chứng khoán của khách hàng, gây thua lỗ nghiêm trọng cho khách; tự ý rút tiền, chuyển chứng khoán từ tài khoản này sang tài khoản khác; tự ý dùng tài sản của khách hàng để cầm cố, thế chấp vay tiền; tư vấn cho khách một đằng, hành động một nẻo… Khi vấn đề bung vỡ (nhà đầu tư có đơn kiện đến cơ quan chức năng và gửi báo chí), nhưng CTCK nơi sử dụng lao động thường có thái độ đổ hết lỗi cho nhân viên, quá trình xử lý vì thế thường nghiêng về phần thiệt cho nhà đầu tư là chính.

Hiện không có con số cập nhật về số người đang hành nghề, số người có chứng chỉ hành nghề là bao nhiêu, nhưng theo ước tính của đại diện UBCK, lượng người có chứng chỉ hành nghề trong tổng số người đang hành nghề chỉ khoảng 50 - 60%.

Đào tạo chứng khoán “chết mòn”, vì sao?

Nếu chất lượng nhân sự hành nghề là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ bê bối xảy ra ngày một nhiều trên TTCK thì ở góc nhìn khác, việc tổ chức đào tạo nhân sự hành nghề của cơ quan quản lý cũng có nhiều vấn đề cần “xốc lại”. Hiện nay, tại Việt Nam, đơn vị đầu mối, nắm quyền đào tạo nhân sự chứng khoán để làm căn cứ thi lấy chứng chỉ hành nghề của UBCK là Trung tâm. Kể từ khi vị giám đốc đầu tiên của SRTC chuyển vị trí công tác, hoạt động của SRTC suy giảm mạnh, cộng với đà suy giảm của TTCK kể từ năm 2008 khiến công tác đào tạo người hành nghề rơi vào tình trạng “chết mòn”. Nếu như 5 năm trước, để được học các khóa đào tạo ngắn hạn của SRTC, người muốn học phải xếp hàng cả tháng trời, thậm chí phải nhờ quan hệ riêng mới được ghi tên vào lớp, nhưng từ năm 2011 đến nay, số học viên đăng ký học cứ thưa dần, số lớp mở mới càng thưa hơn, đến mức lương nhân sự SRTC bị giảm mạnh. Hiện lương cấp trưởng phòng SRTC cũng chỉ vài triệu đồng.

Ngoài nguyên nhân TTCK suy giảm quá mạnh, khiến CTCK phải cắt giảm nhân sự rất mạnh, nhu cầu học vì thế giảm sút, thì nội bộ SRTC có nhiều vấn đề đến mức vị giám đốc thứ hai tại SRTC đã xin từ chức. Để khôi phục hoạt động của cơ quan đầu mối về đào tạo nhân sự chứng khoán, SRTC cần một người lãnh đạo đủ tầm và tâm huyết, từ đó mới giữ được cán bộ giỏi ở lại Trung tâm để truyền đạt kiến thức, cảm hứng học cho các học viên - những người sắp hoặc đang hành nghề chứng khoán.

Theo TS. Tôn Tích Quý, về cơ bản, hoạt động đào tạo của SRTC có 2 mảng chính là đào tạo nhân sự để thi cấp chứng chỉ hành nghề và đào tạo lại (đào tạo bổ sung) với những người đã có chứng chỉ hành nghề. Nếu công tác quản lý tuân thủ của UBCK (buộc người hành nghề tại các CTCK phải có các chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định pháp luật) được thực hiện nghiêm túc, thì tình trạng “ế” lớp học sẽ không diễn ra.

Trách nhiệm quản lý nhân sự hành nghề cao nhất là ở chính các CTCK chứ không phải UBCK và trên TTCK, có không ít CTCK vẫn kiểm soát tốt rủi ro, kiểm soát được đạo đức người hành nghề. Tuy nhiên, khi những vụ việc tranh chấp, kiện cáo phát sinh ngày một nhiều trong lòng thị trường, công tác đào tạo và quản lý người hành nghề chứng khoán đang rất cần UBCK, Bộ Tài chính đánh giá lại để có hướng xử lý từ gốc, đó là vấn đề chất lượng nhân sự. Xét cho cùng, nhân sự là cái gốc để giữ niềm tin, giữ sự phát triển cân bằng trên thị trường.

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Nhân vật: Ông Đặng Anh Mai- Thành viên HĐQT DaiABank, đại diện một phần vốn góp của ACB (11/08/2011)

>   Nhân vật: Ông Từ Tiến Phát - Thành viên HĐQT DaiABank, đại diện một phần vốn góp của ACB (11/08/2011)

>   Chủ tịch VietCapital: "Nữ doanh nhân luôn phải cố gắng gấp bội nam giới" (19/10/2012)

>   MCL: Thay đổi nhân sự (19/10/2012)

>   MKV: Bà Thẩm Thị Thúy - Giám đốc Chi nhánh MBS giữ chức Chủ tịch HĐQT (19/10/2012)

>   I40: Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Nhị từ nhiệm để về hưu (19/10/2012)

>   C92: Ông Nguyễn Anh Hưng tiếp tục giữ chức Giám đốc điều hành (19/10/2012)

>   Nguyên Chủ tịch Sudico đối mặt án kỷ luật về Đảng (18/10/2012)

>   ACBS: Ông Trần Hùng Huy thôi giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên (18/10/2012)

>   PVE bổ nhiệm ông Lê Hữu Bốn làm Chủ tịch HĐQT (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật