Thứ Năm, 11/10/2012 09:27

Nhà đầu tư nhỏ: Liêu xiêu trong vòng vây thổi giá

Các nhà đầu tư nhỏ chỉ có đi từ lỗ đến lỗ nặng khi nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng áp dụng các chiêu thức thổi giá cổ phiếu tăng ảo.

Lập hội bán khống

Bán khống là con đường duy nhất gặt hái được lợi nhuận trong một thị trường “con gấu”. Hơn ai hết các công ty chứng khoán (CTCK) hiểu rõ điều này nên thường lén lút cung cấp sản phẩm này cho khách hàng VIP. Ở quy mô nhỏ, bán khống thường mang tính tự phát.

Chẳng hạn, môi giới của CTCK thấy nhà đầu tư A có nhiều cổ phiếu trong tài khoản nhưng ít giao dịch. Ngồi buồn, môi giới gạ nhà đầu tư A cho nhà đầu tư B “mượn tạm” số cổ phiếu trên để bán. Bất ngờ lượng cung dồn dập khiến đa số các trường hợp cổ phiếu giá giảm mạnh vài phiên. Chờ cổ phiếu rớt sâu, nhà đầu tư B mua lại số cổ phiếu trên ở tài khoản nhà đầu tư A. Liên minh tay ba này ít nhiều ai cũng được hưởng lợi.

Trong thực tế, bán khống kiểu Việt Nam mang nhiều sắc thái tinh vi nếu được tổ chức quy mô lớn. Đã có CTCK áp dụng công nghệ IT cung cấp dịch vụ này. Hệ thống giao dịch được xây dựng hai lớp. Với tài khoản “active” dành cho hoạt động bán khống, dù không có cổ phiếu nhưng vẫn nhà đầu tư vẫn có thể đặt lệnh bán thành công. Lệnh bán kết nối với một tài khoản bình thường khác tự mượn cổ phiếu mà không cần sự đồng thuận của chủ nhân. Với giao diện ảo, khi đăng nhập tài khoản, chủ nhân tài khoản này nhìn thấy cổ phiếu còn nguyên vẹn!

Còn về đối tượng cung cấp dịch vụ, cuối tháng 8, Ủy ban Chứng khoán xử phạt vi phạm hành chính Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt 165 triệu đồng, do sử dụng tài khoản nhà đầu tư ủy thác để thực hiện hợp đồng mua bán lại, mua bán có kỳ hạn, hợp đồng tương lai. UBCK cũng xử phạt 250 triệu đồng với CTCK Đại Nam khi cho khách hàng vay chứng khoán để bán.

Khái niệm shortselling (bán khống) ở TTCK Việt Nam về bản chất khác xa với các thị trường phát triển. Khái niệm bán khống “made in Việt Nam” thực chất là hoạt động tự phát “vay và bán cổ phiếu trên tài khoản của người khác” vốn là hành vi bị cấm bởi khoản 9, điều 71 Luật Chứng khoán hiện hành. Vài trường hợp bị phanh phui gần đây chỉ là thiểu số, trong khi bấy lâu nay vẫn diễn ra âm ỉ ở nhiều nơi. Khi cổ phiếu giảm giá vì hoạt động bán khống chỉ vài người có thể kiếm lợi từ sự đi xuống nhưng đẩy phần còn lại vào thua lỗ. Dù bị lên án nhưng hoạt động này vẫn tồn tại khi vay mượn là quan hệ dân sự, việc phát giác không dễ trừ trường hợp bể kèo, các bên tự vạch áo cho người xem lưng.

Mở tiệc bánh vẽ

Trong thực tế, còn muôn vàn hình thức kiếm lợi về từ thị trường cổ phiếu mà đặc quyền chỉ dành cho một nhóm chủ thể nhỏ. Đơn cử, trước đây xảy ra phổ biến là tình trạng cổ đông nội bộ đăng ký cùng mua cùng mua cổ phiếu của chính công ty mình. Đến khi công bố kết quả giao dịch, thị trường mới té ngửa vì nhiều khi các sếp đăng ký “lướt sóng” nhưng chỉ thực hiện một nửa vế: mua (khi có tin tốt) hoặc bán (khi có tin xấu). Như bán khống điều này gây ra bất bình trong giới đầu tư. Các cổ đông nội bộ là nắm rõ thông tin hoạt động của công ty niêm yết hơn bất kỳ ai khác.

Thậm chí, ở cương vị Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc thì còn có thể tác động tới các vấn đề lớn như dự án đầu tư, lợi nhuận hạch toán trong kỳ và ra nhiều thông tin quan trọng khác ảnh hưởng tới giá cổ phiếu. Dựa trên lợi thế về tiếp cận thông tin, thay vì dẫn dắt công ty phát triển, các sếp lại chăm chỉ kinh doanh cổ phiếu công ty mình trên sàn, thì thử hỏi cổ đông bên ngoài có bao nhiêu cơ hội % đầu tư thắng lợi? Rất may, gần đây, cơ quan quản lý siết chặt lại quy định về giao dịch nội bộ và cấm tiệt hoạt động “lướt sóng” kiểu này.

Còn muôn vàn hình thức tinh vi được vẽ vời ra để đẩy giá cổ phiếu. Một trong các chiêu thức là thổi phồng tài sản, vẽ vời dự án. Đơn cử cách đây vài năm, cổ phiếu KSH của CTCP Khoáng sản Hà Nam (nay là CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hamico) lên như diều gặp gió với kỷ lục 36 phiên tăng trần vì thông tin mỏ vàng. Mọi kỳ vọng sau đó biến thành ảo vọng khi kết quả hoạt động của Công ty vẫn chỉ tầm tầm, cổ phiếu KSH xì hơi mạnh. Ba cổ đông nội bộ của KSH đã bị xử phạt nặng vì sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch cổ phiếu. CTCP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An từng là một “ngôi sao” về dự án đẩy giá cổ phiếu PVA tăng gấp 6 lần sau 2 tháng. Mãi sau đó PVA lộ diện... ngôi sao xịt và giá cổ phiếu giờ chỉ bằng 1/30 thời kỳ đỉnh cao.

Có lẽ vì thế mà TS. Alan Phan đã từng nhận xét sàn chứng khoán là sòng bài dành cho các con bạc lớn, cao thủ lướt sóng và có tin tức nội gián tốt là những kẻ sẽ thắng lớn trong các cuộc chơi này tại TTCK Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới!

Lam Bình

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Ế sàn: DN nhất loạt hủy kế hoạch niêm yết (11/10/2012)

>   11/10: Bản tin 20 giờ qua (11/10/2012)

>   9 tháng, VSD cấp gần 16,000 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài (10/10/2012)

>   VIS đăng ký bổ sung hơn 19 triệu cp đang lưu hành (10/10/2012)

>   VTF tăng thêm 3 triệu cp có quyền biểu quyết lưu hành (10/10/2012)

>   HHS tăng thêm 7.5 triệu cp có quyền biểu quyết lưu hành (10/10/2012)

>   MSN tăng thêm 172 triệu cp có quyền biểu quyết (10/10/2012)

>   JVC: Bổ sung hơn 3.2 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết lưu hành (10/10/2012)

>   Đầu tư cổ phiếu “đa cấp”, những dấu hiệu lừa đảo! (10/10/2012)

>   CSM: Đăng ký bổ sung gần 6.3 triệu cổ phiếu lưu hành (10/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật