Thứ Hai, 01/10/2012 11:38

Manh nha hướng quản tập đoàn giao thông

Thu gọn đầu mối và chuyển quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu cho bộ quản lý chuyên ngành là hướng tổ chức lại đối với 20 tập đoàn, tổng công ty ngành giao thông.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Văn bản số 7676/BGTVT-QLDN về việc tổ chức lại các “ông lớn” trong ngành giao thông vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam được đề xuất chuyển cho Bộ GTVT trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, như đối với các tổng công ty do bộ này thành lập.

“Việc chuyển vai trò sở hữu 4 doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ quản lý ngành đối với doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết.

Theo đại diện Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp GTVT, cả 4 đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp trên đều đã được Bộ GTVT thẩm định xong và đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần phải nói thêm rằng, đề xuất nói trên là hạt nhân trong phương án tổ chức lại quy mô và hình thức của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ngành GTVT. Cụ thể, 8 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ, Bộ GTVT thực hiện các quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu theo phân cấp, ủy quyền của Chính phủ gồm: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề xuất 12 tổng công ty thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2012 – 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại tổng công ty cổ phần. Về vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước của 12 tổng công ty cổ phần này, Bộ GTVT đang để ngỏ cả hai khả năng, một là sẽ chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước hoặc Bộ GTVT tiếp tục nắm.

Theo các chuyên gia, còn quá sớm để đánh giá phương án tổ chức lại 4 tập đoàn, tổng công ty ngành GTVT do Thủ tướng Chính phủ thành lập, vì còn thiếu nhiều thông tin quan trọng, như cơ chế quản lý, giám sát hoạt động của đơn vị này.

Bên cạnh đó, hiện chưa rõ quá trình chuyển vai trò chủ sở hữu đối với 4 tập đoàn, tổng công ty sẽ được thực hiện đồng thời, hay chỉ bắt đầu sau khi các đơn vị hoàn tất quá trình tái cơ cấu theo hướng thu gọn quy mô, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính.

Liên quan tới số phận của các tổng công ty xây lắp, ông Lưu Đình Tiến, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy cho rằng, quá trình tái cơ cấu các tổng công ty này tới đây sẽ xoay quanh mục tiêu làm thế nào gia tăng vốn chủ sở hữu lên khoảng 500 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Đây là bước đệm quan trọng để các tổng công ty 90 này tiếp tục “thổi” quy mô vốn chủ sở hữu lên khoảng 1.000 tỷ đồng vào năm 2015 – thời điểm hoàn tất quá trình tái cơ cấu thông qua việc cổ phần hóa công ty mẹ.

Định hướng tái cơ cấu 4 doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ thành lập

Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam: Chỉ giữ lại các nhà máy, công ty thực sự có tiềm năng về đóng mới, sửa chữa tàu biển và có khả năng phát triển trong tương lai. Các công ty được giữ lại sẽ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trước mắt, công ty mẹ sẽ là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước để quản lý phần vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam: Tái cơ cấu mạnh mẽ công ty mẹ và công ty con, trong đó, tập trung cổ phần hóa công ty mẹ. Đối với công ty con thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, giảm tối đa tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại các các doanh nghiệp bảo hiểm, xăng dầu hàng không; thoái vốn triệt để tại các doanh nghiệp nằm ngoài dây chuyền vận tải hàng không.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: Tái cơ cấu toàn diện, triệt để để đơn vị này vượt qua khó khăn giai đoạn 2012 – 2013, ổn định và phát triển cân bằng giai đoạn 2014 – 2015, tạo đà phát triển cho giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ trước năm 2015.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Hình thành 2 doanh nghiệp nòng cốt, gồm 1 doanh nghiệp quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt theo mô hình công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm 100% vốn công; 1 doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ đường sắt theo mô hình công ty cổ phần.


Anh Minh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Cục trưởng Hàng Hải VN: “Vinalines, Vinashin không tốt thì chẳng làm được gì” (01/10/2012)

>   HSBC: Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 9 tăng nhẹ trở lại (01/10/2012)

>   Chủ nợ thành “con tin”! (01/10/2012)

>   Bán gạo mua Iphone, nỗi niềm công nghệ cao (01/10/2012)

>   Đảm bảo an ninh thương mại (01/10/2012)

>   Chế biến gỗ - ngành kinh tế mũi nhọn? (01/10/2012)

>   Lượng kiều hối về tăng mạnh (01/10/2012)

>   Xuất khẩu dầu thô tăng 14,3% (01/10/2012)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp “chưa được như mong muốn” (30/09/2012)

>   Vụ Sông Tranh 2: EVN xin nhận lỗi trước dân (30/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật