Khi nào chấm dứt mập mờ giá xăng?
Petrolimex chiếm gần 60% thị phần thị trường xăng dầu nước ta hiện nay, Saigon Petro và PVOil khoảng 30%, còn lại hơn 10% chia cho mười doanh nghiệp (DN) khác. Các DN có thị phần ít đâu đủ thế mạnh để cạnh tranh với “anh cả” Petrolimex. Hơn nữa, xăng dầu là loại hàng có lượng cầu luôn cao, chẳng DN nào “dại dột” giảm giá để cạnh tranh.
Điều đó thực tế đã chứng minh là giá xăng dầu của các DN tăng cùng tăng, giảm cùng giảm, tăng giảm cùng thời điểm, cùng một mức tăng giảm (chỉ duy nhất được một lần khác biệt). Và cho dù Petrolimex có cổ phần hóa cũng không thể trông chờ được một thị trường xăng dầu cạnh tranh. Cổ phần hóa chỉ thay đổi thành phần sở hữu, thị phần vẫn chi phối thị trường. Như thế, có thể khẳng định thị trường xăng dầu hiện tại và tương lai là chưa thể có thị trường cạnh tranh.
Khi không có thị trường cạnh tranh thì không thể có giá bán cạnh tranh giữa các DN. Do đó, quyết định giá bán xăng dầu phải là trách nhiệm của Nhà nước, nhưng thời gian qua lại thị trường hóa giá xăng dầu. DN định giá sản phẩm mà mình độc quyền. Cơ quan chức năng dựa vào tính toán và đề nghị của DN, rồi từ những thông tin của DN để quyết định cho tăng giảm giá.
Quyết định giá bán xăng dầu phức tạp nhất là xác định một số thành phần trong cơ cấu giá. Giá bán hình thành trên cơ sở chi phí nền và phần tiền tăng thêm. Nếu tính bằng phương pháp toàn bộ, chi phí nền là giá mua, chi phí mua hàng. Phần tiền tăng thêm bao gồm chi phí bán hàng, quản lý DN, chi phí vốn, chi phí thuế, phí, quỹ và mức lợi nhuận. Hiện nay không có giá bán cạnh tranh trên thị trường, giá chủ yếu do Petrolimex chi phối. Một DN nhà nước từ thời bao cấp đến nay kiểm soát chi phí thuộc dạng “cha chung” thì chi phí bị lãng phí là khó tránh.
Do đó, vấn đề cần thiết là phải xác định thành phần chi phí hợp lý làm cơ sở định giá, chủ yếu là chi phí bán hàng, quản lý DN và chi phí vốn. Muốn thế, các cơ quan chức năng phải tổ chức kiểm toán một số DN kinh doanh xăng dầu để so sánh, phân tích tìm ra một cơ sở chi phí chấp nhận được. Cùng với thông tin về giá nhập khẩu, chi phí mua hàng được công bố từng thời điểm và mức lợi nhuận để định giá mục tiêu (giá trần). DN bán theo giá mục tiêu và muốn có được lợi nhuận cao phải tiết kiệm chi phí.
Quyết định cho thay đổi giá bán xăng dầu quy định thời gian 30 ngày, 10 ngày và lại dự tính thay đổi tiếp, có lẽ là chưa dựa trên một cơ sở khoa học nhất định. Xăng dầu là mặt hàng có lượng cầu tương đối ổn định, nên quy định thời gian thay đổi giá bán có thể phải xác định một mức dự trữ bình quân chung cho một DN và lượng tiêu thụ để xác định số ngày thay thế hàng tồn kho. Chính số ngày thay thế hàng tồn kho là thời gian để thay đổi giá bán xăng dầu một lần. Trên cơ sở giá mua tại thời điểm đó là cơ sở quyết định giá mới. Đó là áp dụng như phương pháp tính giá xuất kho nhập trước xuất trước.
Chính vì thế mới thúc ép, khuyến khích DN phải đầu tư cơ sở vật chất cho dự trữ, tiêu thụ. DN phải dự báo nên dự trữ nhiều hay ít (không dưới mức tối thiểu quy định để đảm bảo an ninh năng lượng) khi cần để có lợi. Điều này có lợi cho DN trong trường hợp giá tăng nhiều hơn giảm cũng như DN có quy mô lớn. Nhưng cũng là điều kiện tối thiểu cho DN kinh doanh xăng dầu, chứ kinh doanh không phải mua rồi bán, giá trên thế giới tăng giảm là tăng giảm theo, nền kinh tế luôn bị động. Kinh doanh xăng dầu phải có điều kiện cơ sở vật chất nhất định, phải có lượng dự trữ quy định tối thiểu, để triệt tiêu tình trạng hết hàng giả tạo gây áp lực với Nhà nước, làm xáo trộn xã hội.
Xăng dầu là loại hàng hóa chiến lược, giá của nó ảnh hưởng lớn đến chi phí kinh doanh của các DN, mức chi tiêu ngân sách của Nhà nước, mức sống của người dân. Vì vậy cơ quan chức năng căn cứ cơ sở chi phí không hợp lý để quyết định giá bán là điều nguy hiểm, vì sự lãng phí chi phí của DN kinh doanh xăng dầu lại buộc cả nền kinh tế, cơ quan và người dân phải gánh chịu. Thời gian tăng giảm giá không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và xáo trộn đời sống người dân.
Thạc sĩ Bùi Văn trường (giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)
Tuổi trẻ
|