IPO toàn cầu xuống thấp thứ hai từ khủng hoảng tài chính
Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm xuống mức thấp thứ hai kể từ khủng hoảng tài chính trong quý 3/2012. Các dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ kéo dài tình trạng ảm đạm của thị trường IPO sang năm 2013.
* Thị trường IPO toàn cầu trầm lắng trong quý 3
Theo số liệu của Bloomberg, các doanh nghiệp toàn cầu huy động được khoảng 21.3 tỷ USD thông qua IPO trong quý vừa qua, thấp hơn 48% so quý trước. Đồng thời, đây là mức thấp nhất kể từ khi kinh tế Mỹ chấm dứt đợt suy thoái dài nhất từ cuộc Đại suy thoái vào tháng 6/2009. Mức thấp nhất là 16.4 tỷ USD mà các doanh nghiệp huy động được trong quý 1/2012.
Riêng tại Mỹ, tổng giá trị các vụ IPO lao dốc tới 84% so với quý trước, tức giảm từ mức 22.7% trong quý 2 xuống 3.5% trong quý 3. Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ lên mức cao nhất trong hơn 4 năm đóng góp rất ít vào việc thúc đẩy hoạt động IPO trong quý vừa qua. Tăng trưởng chậm chạp tại Trung Quốc và khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu.
Ông Frank Maturo, Phó Chủ tịch Bộ phận thị trường cổ phiếu của Bank of America cho rằng sau khi cổ phiếu Facebook bốc hơi gần 50% giá trị kể từ đợt IPO được định giá cao hơn 107 lần lợi nhuận, các nhà đầu tư IPO tiềm năng đang yêu cầu mức định giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Ông Maturo cho rằng dù trong quá khứ nhà đầu tư thường kỳ vọng các vụ IPO sẽ được định giá rẻ hơn từ 10-15% so với các công ty niêm yết có thể so sánh được nhưng hiện nay mức chiết khấu kỳ vọng có lúc vượt 20%.
Tại Tây Âu, các công ty huy động được tổng cộng 385 triệu USD, mức thấp nhất kể từ quý 1/2009. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khác tại khu vực có thể tiến hành IPO trong quý này sau khi chỉ số Stoxx Europe 600 phục hồi tới 18% so với mức thấp nhất trong 6 tháng.
Trong khi đó hoạt động IPO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sắp trải qua năm ảm đạm nhất kể từ năm 2008 khi tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực – Trung Quốc – giảm tốc. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 7 - tháng 9, các doanh nghiệp khu vực huy động thành công 16.7 tỷ USD, cao hơn so mức 13.6 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Các vụ IPO tại Hồng Kông – thị trường IPO lớn nhất thế giới trong năm 2010 – huy động được tổng cộng 3 tỷ USD trong năm 9 tháng đầu năm 2012, mức thấp nhất cho giai đoạn này kể từ năm 2003. Cùng kỳ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng thu về 14.9 tỷ USD từ các vụ IPO, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Riêng trong quý 3, số tiền mà các doanh nghiệp nước này huy động được đạt 4.4 tỷ USD, đánh dấu quý 3 thấp nhất kể từ 2008.
Tại một số thị trường châu Á như Hồng Kông, một loạt các sai phạm liên quan đến chuẩn mực kế toán của các doanh nghiệp Trung Quốc đã tác động xấu đến nhu cầu IPO. Trong một bài báo hôm 19/09, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) Chu Tiểu Xuyên cho biết áp lực suy giảm đối với nền kinh tế nước này vẫn còn rất lớn.
Ngày 20/09, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào ngày 09/10 khi tổ chức này công bố báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới.
Ông Phil Drury, đồng giám đốc bộ phận thị trường vốn toàn cầu tại Mỹ của Citigroup nhận định rủi ro suy giảm hơn nữa của nền kinh tế toàn cầu cùng với một số nhân tố như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 đồng nghĩa với việc cơ hội huy động vốn trước thời điểm cuối năm có thể hết sức khó khăn.
9 tháng đầu năm, Morgan Stanley – đơn vị bảo lãnh cho đợt chào bán của Facebook – chính là nhà bảo lãnh phát hành số 1 thế giới. Đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là Deutsche Bank AG và JPMorgan Chase.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|