Chủ Nhật, 21/10/2012 14:55

Được, mất sau thất bại của thương vụ EADS - BAE

Thất bại trong cuộc thương lượng sáp nhập Tập đoàn sản xuất vũ khí BAE Systems của Anh và Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng châu Âu (EADS) có thể coi là một tín hiệu xấu cho nền công nghiệp quốc phòng châu Âu.

Theo Phó giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), Jean-Pierre Maulny, trái với sự ủng hộ của Pháp và Anh về việc sáp nhập hai tập đoàn trên, Đức lại phản đối việc này bởi với Béclin, quốc phòng châu Âu không phải là cái đích cuối cùng.

“Giấc mơ chung sống” của BAE Systems và EADS đã tan vỡ. Ảnh: Internet

Tờ "La Tribune" của Pháp số ra mới đây cho rằng, trong vụ thương lượng sáp nhập này, các nước liên quan đều biết rằng họ sẽ tạo ra một doanh nghiệp có sức cạnh tranh tầm cỡ thế giới trong lĩnh vực hàng không và quốc phòng, giúp họ đảm bảo sự tự chủ về nguồn cung ứng. Pháp đã có câu trả lời đồng ý vì lợi ích chiến lược quốc gia, bởi dự án này nằm trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng một nền quốc phòng châu Âu. Anh cũng đồng ý vì muốn giữ sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của họ.

Tuy nhiên, Đức đã trả lời "không" vì họ cho rằng bản thân nền công nghiệp Đức đã có tính cạnh tranh và Đức muốn nắm giữ quyền kiểm soát sự cạnh tranh này. Quyết định từ chối sáp nhập BAE Systems và EADS không phải là một tín hiệu tốt cho nền quốc phòng châu Âu, vì ba nước hàng đầu về lĩnh vực quốc phòng tại "Lục địa già", đã không đạt được sự đồng thuận. Do vậy, thêm một cơ hội để củng cố ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu bị bỏ lỡ.

Đó cũng không phải là tín hiệu tốt cho EADS, vì từ 15 năm qua, tập đoàn đã hướng tới việc quản trị và vận hành thông thường của một doanh nghiệp, với sự hiện diện ngày càng ít vai trò của các nhà nước cổ đông. Theo chuyên gia Jean-Pierre Maulny, hồ sơ vụ thương lượng sáp nhập này không bình thường, bởi nó liên quan đến các nhà nước. Các cuộc thương lượng giữa các nhà nước không thể nằm trong khuôn khổ các quy định của thị trường chứng khoán truyền thống. Trong các cuộc thương lượng giữa các nhà nước, các quy tắc tài chính, thương mại và chứng khoán của giới doanh nghiệp lại ít được tính tới.

Đây là một thất bại với những hậu quả khó lường, song có thể Đức sẽ phải hối hận về lâu dài. Dù rằng những nền tảng của EADS còn lành mạnh và vững chắc, đặc biệt nhờ một loạt đơn đặt hàng lớn lên tới 551,7 tỷ euro đến cuối tháng 6/2012, song tập đoàn công nghiệp và quốc phòng châu Âu này có thể bước vào vòng xoáy xáo trộn nội bộ vì thất bại vừa qua.

Thất bại trong vụ thương lượng sáp nhập BAE Systems và EADS cũng là thất bại trong chiến lược của EADS trên bình diện quân sự và trong việc tìm hướng thâm nhập thị trường Mỹ. EADS đã thể hiện quyết tâm phát triển lĩnh vực hoạt động quân sự nhằm cân bằng với lĩnh vực dân sự (vốn chiếm 80% doanh thu). Từ quan điểm này, việc liên minh với BAE Systems là lý tưởng. Vấn đề tương lai của lĩnh vực quốc phòng trong hoạt động sản xuất của EADS giờ đây đã được đặt ra. Ngừng dự án sáp nhập hai tập đoàn cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt những tính toán của EADS về mối liên hệ chặt chẽ của BAE Systems với Mỹ để có thể tăng cường ảnh hưởng và sức cạnh tranh trên lãnh thổ Mỹ.

Đối với BAE Systems, họ có nhu cầu sống còn phải sáp nhập. Tập đoàn vũ khí này, với 45% doanh thu trên thị trường Mỹ, sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ, nhất là sau khi Mỹ rút quân khỏi Irắc. Với Anh, việc sáp nhập vào EADS có thể là cơ hội để họ tăng cường trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Những chủ thể thắng lớn trong vụ thất bại sáp nhập này có thể kể đến là tập đoàn Boeing của Mỹ. Nếu dự án sáp nhập này thành công, EADS có thể vượt qua đối thủ Boeing trong lĩnh vực hàng không dân dụng và quân sự. Một số nhà quan sát cho rằng các tập đoàn lớn ở Mỹ, với Boeing đứng đầu, có thể nhân cơ hội này để thương lượng mua lại BAE Systems. Ngoài ra, trong dự án sáp nhập vừa qua, tập đoàn vũ khí Italia Finmecanicca cũng bị gạt sang bên lề cuộc thương lượng. Với những mối liên hệ gắn bó truyền thống với BAE Systems, rất có thể sau thất bại sáp nhập giữa EADS và BAE Systems, cánh cửa tiếp cận BAE Systems đang mở ra với Finmecanicca.

Trung Dũng

báo tin tức

Các tin tức khác

>   Chính phủ Anh vẫn ủng hộ Huawei đầu tư ở nước này (21/10/2012)

>   Giá thuê bất động sản cao cấp toàn cầu vẫn đi lên (20/10/2012)

>   Airbus thách thức Boeing ngay tại thị trường Mỹ (20/10/2012)

>   Tổng số nợ công của Anh đã lên tới gần 68% GDP (19/10/2012)

>   Mỹ không tìm được chứng cứ Huawei làm gián điệp (19/10/2012)

>   Ai Cập ngừng xuất khẩu khí đốt để bù nhu cầu nội địa (17/10/2012)

>   Ai mua nhượng quyền McDonald’s? (17/10/2012)

>   Tỷ phú giàu nhất thế giới đầu tư vào ngành ximăng (17/10/2012)

>   Trung Quốc đối mặt nguy cơ thất nghiệp tăng cao (17/10/2012)

>   Intel giảm doanh thu và lợi nhuận quí 3 (17/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật