Doanh nghiệp đầu tư sang Lào và Campuchia: Cần đảm bảo tiến độ đầu tư
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chính thức đưa ra khuyến cáo đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và Campuchia, bởi những thay đổi trong chính sách đầu tư của hai quốc gia này.
|
Khi triển khai dự án tại Lào, Campuchia, nếu có vướng mắc, các DN cần báo cáo kịp thời để được tháo gỡ sớm |
Theo thông báo của Cục Đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ký ban hành Chỉ thị số 13 về việc dừng xem xét và cấp phép dự án đầu tư mới vào lĩnh vực tìm kiếm và khảo sát khoáng sản; dự án trồng cao su và bạch đàn trong phạm vi toàn quốc, nhằm kiểm tra, đánh giá lại việc tổ chức thực hiện và thúc đẩy các dự án đã được Chính phủ cấp phép. Thời gian dừng cấp phép sẽ được thực hiện từ ngày 11/6/2012 đến hết ngày 31/12/2015.
Lào cũng sẽ kiên quyết cấm xuất khẩu quặng chưa qua chế biến, quặng thô. Các đề nghị xin đầu tư trồng cao su và bạch đàn trình trước ngày 11/6/2012 cũng dừng xem xét, trừ những dự án đã được Chính phủ đồng ý bằng văn bản.
Trong khi đó, ngày 7/5/2012, Thủ tướng Campuchia cũng đã ban hành Sắc lệnh về việc Chính phủ Campuchia sẽ tạm dừng việc giao đất trồng cao su, khẳng định không giao đất thêm cho các dự án mới đến ngày 21/12/2015.
Sau đó, ngày 4/9/2012, Campuchia cũng đã ra thông báo tạm ngưng việc khai thác gỗ tại tất cả các khu vực đất tô nhượng kinh tế có diện tích rừng già hoặc khu vực bảo tồn và khu vực rừng giữ lại, ngoại trừ trường hợp có quyết định của Chính phủ, như trường hợp sử dụng gỗ để làm nhà cho thương binh và công an tại khu vực giáp biên giới...
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Campuchia cũng không ủng hộ việc giải tỏa đất đai tại những nơi mà người dân đã ở lâu đời, đồng thời không khuyến khích các nhà đầu tư khai thác gỗ, khoáng sản không qua chế biến đã xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ Campuchia.
Các chính sách mới nêu trên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, Chính phủ Campuchia gần đây đã bắt đầu có một số động thái xem xét lại việc giao đất, cho thuê đất đối với một số dự án đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có một số dự án của doanh nghiệp Việt Nam. Lý do là, phần diện tích đất của dự án có tỷ lệ rừng dày, rừng già còn lớn.
Trước thực tế này, cùng với việc họp bàn với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và Campuchia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đưa ra lời cảnh báo rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, mục tiêu quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp; các nội dung quy định trong các văn bản pháp lý, các giấy phép được chính quyền nước sở tại cấp cho nhà đầu tư; phải tuân thủ chặt chẽ luật pháp của Việt Nam và luật pháp nước sở tại.
“Việc này là để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời phòng tránh những rủi ro pháp lý cho dự án”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài lý giải.
Với các dự án trồng cây công nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam cần chủ động rà soát và nghiên cứu kỹ lưỡng các thủ tục giao đất theo quy định của nước sở tại để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ của dự án; đồng thời cần lưu ý việc tập hợp và lưu lại các chứng từ liên quan đến chi phí vật tư, hàng hóa, nguyên liệu đưa từ Việt Nam sang Campuchia phục vụ dự án để bảo đảm quyền lợi của mình.
“Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Campuchia cần phát huy vai trò hỗ trợ nhà đầu tư Việt Nam trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư, kịp thời nắm bắt các vướng mắc liên quan đến dự án và có kiến nghị với các cơ quan chức năng của Lào, Campuchia và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nêu rõ và đặc biệt nhấn mạnh, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tiến hành rà soát tất cả các dự án đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su và cây công nghiệp đã được Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Campuchia ký hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo thực hiện Thỏa thuận ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Campuchia, Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư trồng mới 100.000 ha cao su. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trường hợp gặp khó khăn vướng mắc, doanh nghiệp cần kịp thời báo cáo các bộ, ngành để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Nguyên Đức
ĐẦU TƯ
|