ĐHCĐ: Bất thường trong… bình thường
Giảm lãi suất để chia sẻ với DN là đã tác động không nhỏ đến lợi nhuận ngân hàng. Do vậy, việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh kế hoạch để đưa ra quyết sách cho phù hợp đảm bảo an toàn hiệu quả cũng là việc nên làm.
Trong vài ngày qua, một số ngân hàng công bố tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường với những lý do điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2012 và bàn về một số vấn đề liên quan đến tái cấu trúc.
Ngay sau khi HDBank thông báo về việc ngân hàng này tổ chức ĐHCĐ bất thường để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2012 và thực hiện tái cơ cấu, thì DaiABank cũng phát đi thông báo sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường với nội dung tương tự.
Ảnh minh họa
|
Lý giải về việc tổ chức họp bất thường, một lãnh đạo của DaiABank cho biết, tại ĐHCĐ tổ chức tháng 4, ngân hàng này đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 610 tỷ đồng, cổ tức 12% và tổng tài sản đạt 24.810 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2011. Thậm chí DaiABank cũng dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi, sẽ thực hiện mục tiêu lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 15% và tổng tài sản đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2011. Song, sau 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của DaiABank mới đạt 202,6 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến 30/6 mới đạt 6,3%. Bởi vậy, việc tổ chức ĐHCĐ lần này là để xem xem có nên giữ nguyên các chỉ tiêu như cũ hay là giảm cho phù hợp với tình hình diễn biến của thị trường. Nhưng theo vị này, khả năng điều chỉnh giảm sẽ nhiều hơn. Bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa thực sự sáng sủa, việc điều chỉnh kế hoạch là cần thiết để không quá tạo áp lực lên hoạt động của ngân hàng.
Trong khi đó, chia sẻ với Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng cũng cho biết, tại ĐHCĐ bất thường, ngân hàng sẽ trình chỉ tiêu điều chỉnh giảm lợi nhuận khoảng hơn 10%. Nguyên do, thời điểm ĐHCĐ tháng 4/2012 tình hình kinh tế vẫn diễn ra thuận lợi, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 645 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2011; tỷ lệ chi trả cổ tức 12%; tăng trưởng huy động vốn phấn đấu đạt 13,4%... Nhưng đến thời điểm này, tình hình kinh tế vẫn chưa có mấy tín hiệu tích cực, nhất là khi ngân hàng thực hiện nghiêm túc chủ trương của NHNN giảm lãi suất cho vay. Nhiều khoản vay với lãi suất từ hơn 20%/năm đã được giảm xuống tối đa 15%/năm. Cùng với việc giảm lãi suất, HDBank cũng đã tiến hành giãn nợ cho nhiều khoản vay. Tất cả những việc làm này đã khiến lợi nhuận của ngân hàng sụt giảm hơn 200 tỷ đồng.
Nhưng, cũng không ít ý kiến lo ngại việc các ngân hàng liên tục tổ chức ĐHCĐ bất thường sẽ tác động đến tâm lý thị trường vốn đang có những xáo trộn nhất định. Về vấn đề này, ông Đặng bày tỏ, cũng bởi chia sẻ khó khăn với DN dẫn đến lợi nhuận của ngân hàng giảm. Vì vậy theo tôi nghĩ, các cổ đông, nhà đầu tư cũng sẽ thông cảm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngân hàng cố gắng tăng trưởng tín dụng đạt theo phân bổ NHNN. Hiện, ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng tập trung các chương trình xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Liên quan đến một số thông tin ngân hàng sẽ trình xin ý kiến tại ĐHCĐ bất thường lần này về phương án mua lại một ngân hàng khác, khẳng định với Thời báo Ngân hàng, ông Đặng cho biết, ngân hàng vẫn chưa có ý định mua ngân hàng nào. Các tài liệu liên quan việc thực hiện tái cơ cấu chỉ là tái cấu trúc nội bộ ngân hàng chứ không như phản ánh của một số báo chí.
Thời điểm này, các ngân hàng cũng như DN khác đang trải qua một năm đầy khó khăn, việc đạt lợi nhuận như kỳ vọng đề ra là rất khó. Theo báo cáo tài chính quý III/2012 của một số ngân hàng kể cả ngân hàng lớn, lợi nhuận giảm đi rõ rệt. Nhất là việc hạ lãi suất đồng loạt các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của các ngân hàng khi 80 – 90% lợi nhuận của ngân hàng đến từ tín dụng. Như vậy với NHTMCP vừa và nhỏ, phần lợi nhuận bị hao hụt có thể từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, còn với ngân hàng lớn thì có thể lên hàng nghìn tỷ đồng. Do vậy, việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh kế hoạch để đưa ra quyết sách cho phù hợp đảm bảo an toàn hiệu quả cũng là việc nên làm.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, điều này dù không quá bất ngờ với nhà đầu tư, cổ đông nhưng cũng nảy sinh vấn đề không tích cực. Đó là nếu nhiều ngân hàng cùng lúc thông báo về việc tổ chức ĐHCĐ bất thường để bàn về giảm chỉ tiêu lợi nhuận… ít nhiều sẽ tạo tâm lý không tốt cho thị trường vốn đang chịu nhiều áp lực. Vì vậy, theo vị này, tùy thuộc vào sức khỏe mỗi ngân hàng để đưa ra quyết sách cho phù hợp nhưng điều quan trọng nên lựa chọn một cách truyền thông “khôn ngoan” hơn để tránh xáo trộn đến hoạt động ngân hàng nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Thanh Huyền
Thời Báo Ngân hàng
|