Dân ùn ùn bỏ về xuôi, chuyển vào rừng vì sợ động đất ở Quảng Nam
Ngày 24/10, có mặt tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sau trận động đất mạnh 4,6 độ richter vào tối 22/10, người dân hết sức hoang mang, lo lắng, nhiều người đang phải tìm cách an toàn nhất là chuyển nhà để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Người dân huyện Bắc Trà My tháo dỡ nhà đang ở, tập kết bên đường...
|
Hoảng loạn
Ông Đặng Phong, chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Trận động đất tối 22/10 kéo dài hơn chục giây, khiến nhà cửa vật dụng trong nhà chao đảo tưởng chừng như đổ sụp ngay lúc đó. Hàng trăm người dân nhốn nháo bỏ chạy ra đường, không ai dám ở trong nhà vì lo nhà sập”.
Theo ông Phong, đây là trận động đất lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện. Ông phải ngồi dưới gầm bàn làm việc để điện thoại thông báo cho lãnh đạo tỉnh và nghe điện thoại của cán bộ các xã báo về. Suốt đêm không ngủ vì lo sợ. Dù đã được trấn an là những trận động đất như thế này an toàn, song với cường độ mạnh như trận động đất vừa qua thì không ai dám tin chắc. "Người nào khuyên dân Bắc Trà My an tâm thì cứ lên đây ở sẽ thấy khiếp sợ đến mức nào” ông Phong nói.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bắc Trà My, thiệt hại ban đầu sau trận động đất tối 22/10 ước tính khoảng 1.2 tỉ đồng. Sau trận động đất này, trên địa bàn đã có thêm 246 nhà dân bị nứt, trong đó các xã bị nặng là Trà Sơn (78 nhà), Trà Bui (97 nhà), Trà Đốc (35 nhà)… Như vậy, hiện tổng số nhà của người dân bị thiệt hại sau các trận động đất đã lên đến 829 căn.
Ông Phong cũng cho biết, ngay trong sáng ngày 23/10, ông đã gọi điện cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đang dự họp Quốc hội, kiến nghị đưa vấn đề Sông Tranh ra Quốc hội một cách rốt ráo bởi người dân vào chính quyền huyện đang quá sức lo lắng. Tuy đã được tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng tránh nhưng tâm lý người dân và cả cán bộ huyện vẫn hoảng sợ sau trận động đất tối 22/10.
Ông Hồ Văn Vai, một người dân xã Trà Đốc lo sợ: “ Sợ động đất, chúng tôi đã bỏ nhà xây ra ở nhà gỗ rồi. Giờ đến ngay cả nhà gỗ cũng không yên tâm. Giờ chỉ còn nước lên rừng ở thôi”.
Và chuyển nhà vào rừng để tránh động đất
|
Về xuôi, lên rừng làm nhà
Theo ghi nhận của PV báo điện tử Infonet, ngay sau trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay, hàng loạt hộ dân ở các xã Trà Tân, Trà Đốc hối hả chuyển nhà vì lo sợ động đất. Tại ngã ba Trà Tân ngay dưới cân đập, nhiều hộ gia đình kinh doanh, buôn bán ở đây đã đóng cửa, thu dọn nhà về xuôi. Dọc tuyến đường vào xã Trà Đốc, hai bên đường nhiều hộ dân đã chuẩn bị gỗ để dựng nhà mới, chuyển nhà đi nơi ở khác vì lo sợ động đất, đập thủy điện Sông Tranh 2 vỡ.
Nhà của anh Hồ Văn Viên, thôn 1 xã Trà Đốc là một trong những căn nhà được UBND huyện đánh dấu nứt nẻ sau các trận động đất trước. Vết nứt cũ nay đã nứt rộng thêm ra. Lo sợ cho tính mạng của người thân, anh Viên và gia đình không chờ tiền hỗ trợ từ BQL dự án thủy điện 3 đã vay mượn tiền mua gỗ, tôn chuẩn bị dựng nhà mới.
Anh Viên cho biết: “Nhà cửa nứt nẻ hết rồi, giờ không dựng nhà mới thì răng mà dám sống trong đó nữa?”. Trong khi đó, ông Hồ Văn Vai, một người dân xã Trà Đốc than thở: “ Sợ động đất, đã bỏ nhà xây ra ở nhà gỗ rồi. Giờ đến ngay cả nhà gỗ cũng không yên tâm. Giờ chỉ còn nước lên rừng ở thôi”.
Dưới cơn mưa tầm tã, hàng chục thanh niên, phụ nữ thôn 2 Trà Đốc vẫn đội mưa vận chuyển gỗ cho hộ gia đình ông Hồ Văn Phong. Căn nhà của ông xuống cấp nghiêm trọng sau các trận động đất. Sau đêm 20/10, ông đã huy động anh em, làng xóm góp sức vận chuyển gỗ lên rừng dựng nhà mới. Nền đất nhà mới nằm sâu trong rừng, cách làng hơn 2km. “Nhà cửa xuống cấp nên giờ phải vào đây ở cho an tâm. Nếu có vỡ đập hay động đất mạnh thì ở trên rừng vẫn yên tâm hơn” ông Phong nói.
“Hiện người dân đang rục rịch chuyển chỗ ở, chính quyền hết sức lo lắng. Cứ bảo dân an tâm nhưng động đất vẫn tiếp diễn và mạnh hơn làm sao an tâm được. Huyện đề nghị cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học cần khẩn trương kiểm tra chất lượng bên trong thân đập, khoan địa chất kiểm tra các đới đứt gãy và sớm có thông báo kết quả cụ thể cho chính quyền và người dân!”- ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My nói.
Trần Phong
infonet
|