Coi chừng “uất” vì cổ tức
Chiến lược đầu tư hưởng cổ tức đang trở nên thịnh hành khi các cổ phiếu đầu cơ không đem lại được lợi nhuận như mong đợi.
Trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn, cả nhà đầu tư lẫn đầu cơ phải lao đao trong vòng xoáy cắt lỗ thì cơ hội được hưởng chút cổ tức tiền mặt là niềm an ủi lớn. Nhưng không ít doanh nghiệp phải “nghiến răng” khất lần việc tri trả do thiếu tiền.
Sáu tháng đầu năm 2012, đã có hàng loạt doanh nghiệp niêm yết thông báo hoãn, lùi thời hạn chi trả cổ tức tiền mặt sang quý 3. Tuy nhiên đến đầu tháng 10, lại có thêm hàng loạt thông báo gia hạn thời gian mới. Đáng chú ý là có doanh nghiệp khất đến lần thứ 3.
Thông báo mới nhất ngày 19/9 của PTL đã “xin” lùi thời hạn tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2011 sang tận tháng 6/2013. Đây là lần thay đổi thứ 3 với cùng một lý do. Theo kế hoạch ban đầu PTL sẽ trả cổ tức vào ngày 10/2/2012. Sau đó công ty lùi sang ngày 20/6/2012, sau đó lùi tiếp sang 20/9/2012 và bây giờ là khất đến tận 28/6/2013. Nguyên nhân được nêu lên vẫn là “do một số khoản nợ khách hàng chuyển trả chưa về kịp tài khoản như cam kết nên chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức”.
Có thể tìm thấy hàng loạt công ty niêm yết khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, như SD7 ban đầu hẹn trả cổ tức 2010 vào 26/3/2012 rồi xin lùi sang 29/6/2012 rồi mới đây nhất lùi hẳn tới 28/12/2012. S96 cũng lùi thời gian thanh toán từ 29/6 tới 19/12/2012. VCR lùi trả cổ tức 2010 từ 29/6/2012 tới 29/3/2013… Rất nhiều doanh nghiệp khác còn đang khất cổ tức 2010 chứ chưa nói đến cổ tức 2011, hay thời gian cuối cùng đó đã “chốt” được hay chưa.
Tình trạng hoãn lên hoãn xuống thời gian hạn trả cổ tức không phải là mới, nhất là khi điều kiện kinh doanh đang thu hẹp cơ hội lợi nhuận của doanh nghiệp, cũng như vô vàn lý do bất khả kháng làm ảnh hưởng đến dòng tiền mặt. Bị chiếm dụng vốn, nợ xấu là những nguyên nhân khiến ngay cả doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh có lãi cũng không xoay đủ tiền mặt để hoạt động chứ đừng nói đến trả cổ tức.
Quay về xu hướng đầu tư giá trị đang trở nên thịnh hành trên thị trường. Nguyên nhân chính vẫn là tình trạng sụt giảm quá mạnh của các cổ phiếu đầu cơ truyền thống trong vài tháng qua. Khi thị trường bị ảnh hưởng bởi quá nhiều thông tin bất lợi và sốc, thì dòng vốn đầu cơ vốn luân chuyển rất nhanh đột nhiên co cụm và làm giảm sức mua. Mặt khác các cổ phiếu đầu cơ thường được sử dụng đòn bẩy lớn hoặc trực tiếp làm tài sản đảm bảo nên ảnh hưởng của việc thu hẹp dòng vốn trên thị trường luôn gây ra tác động đầu tiên và mạnh nhất.
Xu hướng đầu tư giá trị lúc này được “tái phát hiện”, mặc dù trước đó vẫn là một trong những trường phái đầu tư quan trọng. Đặc tính của thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là đầu cơ, nên các cổ phiếu được đánh giá là “cơ bản” thường ít sóng. Việc nhà đầu tư quan tâm trở lại các cổ phiếu dạng này thực chất là một kiểu phòng thủ với nhiều lý do mang tính tự trấn an, như dù sao khả năng phá sản doanh nghiệp cũng thấp, dòng tiền mặt dồi dào và trong trường hợp “kẹp hàng” thì cũng được hưởng cổ tức…
Tiêu chí cơ bản thường được sử dụng trong trường hợp này là tỉ lệ cổ tức tiền mặt trên thị giá phải cao hơn lãi suất huy động của ngân hàng, hay ít nhất cũng phải có cổ tức tiền mặt. Trong điều kiện bình thường thì tiêu chí này không có gì sai, nhưng các phân tích sơ sài thường chỉ dựa vào kế hoạch trả cổ tức được báo cáo từ đầu năm mà ít tính đến việc doanh nghiệp có đủ khả năng chi trả như kế hoạch hay không.
Khả năng chi trả không chỉ liên quan đến việc kết quả kinh doanh có lãi, mà trực tiếp liên quan đến dòng tiền mặt thực thu của doanh nghiệp. Báo cáo kết quả kinh doanh có thể ghi nhận lãi, nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã thu được tiền vì có thể phải chấp nhận bán chịu cho đối tác hoặc bị đối tác chiếm dụng vốn, thậm chí nguy hiểm hơn là mất khả năng chi trả đúng hạn. Hàng đã bán mà tiền không về là tình trạng phổ biến trong thời điểm khó khăn này. Mặt khác, vấn đề nợ cũng ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền mặt. Doanh nghiệp phải chịu sức ép trả nợ ngắn hạn lớn thì rất khó dư giả tiền mặt để trả cổ tức.
Đối với chiến lược đầu tư hưởng cổ tức, thậm chí là đầu cơ vì cổ tức, một số liệu phải quan tâm hàng đầu là tỉ suất giữa “dòng tiền thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và doanh thu thuần. Tỉ suất này càng cao nghĩa là khả năng chuyển đổi doanh thu thành tiền mặt càng cao. Dòng tiền thực chảy về két của doanh nghiệp quan trọng hơn con số sổ sách ghi nhận vì đó mới là nguồn lực có thể chi tiêu được. Ngay cả khi dòng tiền này tốt cũng không đồng nghĩa với khả năng chắc chắn sẽ trả cổ tức, nhưng xác suất sẽ lớn hơn.
Việc doanh nghiệp khất cổ tức hiện không bị chế tài nào xử lý, do đó đây là một rủi ro cần tính trước đối với những nhà đầu tư lựa chọn chiến thuật đầu tư hay đầu cơ vì cổ tức. Mọi kế hoạch đều có thể bị phá vỡ. Trước khi lựa chọn một cổ phiếu có khả năng “giảm xóc” bằng cổ tức tiền mặt thì việc đầu tiên là ước đoán khả năng chi trả từ dòng tiền. Đây là điều kiện tiên quyết. Phần còn lại đành phó mặc cho chữ tín của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có “tiền sử” khất cổ tức nên được loại ra khỏi danh sách.
Khánh Hà
TBKTVN
|