Chứng khoán Tuần 22 - 26/10: Chỉ “nhẩn nhơ” gom hàng khi bị bán tháo
Bên mua không có gì vội vã và chỉ mua vào ở mức giá thấp trong những phiên giảm điểm sâu của thị trường.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 22 - 26.10.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 1.64% xuống 391.70 điểm, HNX-Index giảm 1.73% xuống 53.79 điểm. VS 100 giảm 1.68% đang ở 58.60 điểm và VN30 giảm 1.93% đứng tại 462.16 điểm.
Các chỉ số Market Cap đều giảm điểm trong tuần qua. VS-Micro giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 1.58%. Tiếp theo là VS-Small Cap giảm 1.48%, VS-Mid Cap giảm 1.40% và VS-Large Cap giảm thấp nhất 1.20%.
Tâm lý thận trọng gia tăng ở cả hai bên mua và bán khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh giảm mạnh 33.5% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng giảm mạnh hơn 35%.
EIB có giao dịch thoả thuận đột biến trong tuần với tổng khối lượng giao dịch lên tới 31 triệu đơn vị.
Thiếu vắng thông tin hỗ trợ khiến sự thận trọng của giới đầu tư tăng cao và kéo theo áp lực xả hàng tăng mạnh trong tuần giao dịch qua
Lực bán không chỉ tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng mạnh trong thời gian qua như ITA, KBC, KSS, KTB, PVF, FLC, PVA, PVX.... mà còn lan sang cả nhóm Large Cap. Diễn biến này khiến thị trường mất đi lực đỡ và thúc đẩy tâm lý thận trọng dâng cao.
Áp lực bán tăng mạnh ở nhóm Large Cap trong tuần qua có thể xuất phát từ: (1) Hoạt động chốt lời sau tuần giao dịch khá thành công trước đó, (2) Kết quả kinh doanh quý 3 đáng thất vọng của ACB đã tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu Ngân hàng nói riêng và chỉ số 2 sàn nói chung.
Thị trường có một số phiên đảo chiều nhờ một vài mã chủ chốt giúp ”sốc dậy tinh thần”. Tuy nhiên, khác với tuần giao dịch trước đó, mức độ hưởng ứng của thị trường trong những phiên tăng điểm là không cao, mà thay vào đó là sự thận trọng của cả bên mua và bên bán. Trong khi bên bán duy trì ở mức giá cao thì bên mua cũng không có gì vội vã, chỉ mua vào ở mức giá thấp. Chính điều này khiến thanh khoản rơi vào bế tắc và không thể hồi phục.
Điều này được thể hiện rõ nhất trong phiên giao dịch cuối tuần. Theo đó, MSN, VNM và BVH đã giúp VN-Index tăng điểm, nhưng thanh khoản trên HOSE lại quay đầu giảm mạnh so với phiên giao dịch trước đó. Trong khi đó, HNX mặc dù giảm điểm nhưng lại thu hút khá tốt lực cầu giúp thanh khoản gia tăng.
Thông tin tích cực nhất trong tuần đó là việc CPI tháng 10 đã bắt đầu giảm tốc. Theo đó, CPI tháng 10 chỉ tăng 0.85% so với tháng 9, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6.02% so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, có thể thấy thông tin này không còn trong danh sách ưu tiên hàng đầu của giới đầu tư, và trên thực tế cũng không còn là mối lo ngại lớn nhất của nền kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường sụt giảm đã kích thích khối ngoại đẩy mạnh giao dịch nhưng vẫn chưa thực sự sôi động. Giao dịch mua ròng chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu bluechip, phần nào giúp thu hẹp đà giảm điểm của chỉ số trong một số phiên giao dịch.
Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 70.4 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở GMD với 20.1 tỷ đồng, tiếp theo là VIC với 10.8 tỷ đồng, DPM với 9.9 tỷ đồng và KBC với 8.3 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất STB với 12.1 tỷ đồng, VFMVF1 với 5.8 tỷ đồng, HSG với 5.8 tỷ đồng và KDC với 5.5 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 9.3 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất LAS với gần 6.0 tỷ đồng và VCG với 1.6 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất AAA với 2.1 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 25/10 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK quay đầu mua ròng nhẹ gần 0.44 triệu đơn vị, tương ứng 6.5 tỷ đồng.
Có lẽ việc thị trường liên tục điều chỉnh giảm trong tuần đã kích thích hoạt động mua vào bắt đáy của các CTCK, dù vẫn còn khá dè dặt.
Cổ phiếu đáng chú ý: Không quá bất ngờ khi số ngành giảm điểm tiếp tục gia tăng trong tuần qua với 21/24 ngành giảm điểm.
SX Vật liệu xây dựng dẫn đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 3.34%; tiếp theo là Bất động sản giảm mạnh 3.10% chủ yếu do tác động ”bộ đôi” ITA và KBC.
Những ngành nóng còn lại như Khai khoáng, Xây dựng, Chứng khoán và Ngân hàng đều gia tăng tốc độ giảm điểm trong tuần giao dịch này, lần lượt là 2.52%, 2.29%, 1.59% và 0.97%.
Các cổ phiếu giảm điểm đáng chú ý trên HOSE: VHG giảm 16.13%, KBC giảm 13.64% và ITA giảm 12.77%; trên HNX không có mã giảm giá nổi bật.
VHG giảm 16.13% trước thông tin kết quả kinh doanh quý 3/2012 không mấy khả quan được công bố cuối tuần trước. Theo đó, VHG tiếp tục lỗ 5.5 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng VHG đã lỗ 21.7 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã bị bán sàn liên tục trong tuần qua.
KBC giảm 13.64% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Áp lực bán tăng mạnh ở KBC chủ yếu đến từ động thái chốt lời, khi cổ phiếu này đã tăng mạnh liên tục những tuần trước đó. Bên cạnh đó, việc ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của KBC xin nghỉ cả kỳ họp Quốc hội thứ 4 để đi chữa bệnh ở nước ngoài có lẽ đã ảnh hưởng một phần đến tâm lý giới đầu tư.
ITA giảm 12.77%. Việc ITA giảm mạnh nhiều khả năng xuất phát từ áp lực chốt lời gia tăng ở cổ phiếu này sau khi đã tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 3 của ITA cũng không thực sự nổi bật khi doanh thu âm 269.8 tỷ đồng, lãi gộp đạt 41.9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.2 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DHM. Cổ phiếu này tiếp tục tăng 15.38% trong tuần giao dịch qua. Nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý 3/2012 tốt đã thu hút dòng tiền tiếp tục chảy vào cổ phiếu này. Theo đó, doanh thu quý 3 đạt 207 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng năm 2012, doanh thu của DHM đạt 572 tỷ đồng, lãi ròng đạt 38 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|