Thứ Sáu, 19/10/2012 19:59

Chứng khoán Tuần 15 - 19/10: Bên mua gom hàng “đánh cược”?

Trong bối cảnh hiện tại, những người mua vào trong phiên cuối tuần đang thể hiện tinh thần dũng cảm cao độ.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 15 - 19.10.2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 1.45% lên 398.23 điểm, HNX-Index giảm 1.26% xuống 54.74 điểm. VS 100 tăng 0.64% đang ở 59.60 điểm và VN30 tăng mạnh 2.4% đứng tại 471.26 điểm.

Các chỉ số Market Cap biến động ngược chiều trong tuần qua. VS-Large Cap và VS-Mid Cap tăng điểm lần lượt 1.86% và 0.73%, trong khi đó VS-Small Cap và VS-Micro Cap cùng giảm 0.42% .

Giao dịch tích cực ở nhóm cổ phiếu bluechip cùng lực cầu bắt đáy gia tăng đã giúp thanh khoản trên cả hai sàn duy trì khá tốt. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng nhẹ 3.6% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ giảm nhẹ 0.9%.

Hoạt động hiện thực hóa lợi nhuận diễn ra khá mạnh trong các phiên giao dịch đầu tuần đã khiến thị trường quay đầu giảm điểm. Áp lực bán gia tăng mạnh tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu đầu cơ và điều này khiến cho tâm lý thị trường bị ảnh hưởng đáng kể.

Các thông tin sau khi Hội nghị lần thứ 6 của BCH Trung ương Đảng Khóa XI kết thúc vào sáng ngày 16/10 đã giúp tâm lý thận trọng giảm bớt và thị trường đã có phiên bứt phá ngoạn mục. Đây cũng là phiên đóng góp lớn nhất vào đà tăng của chỉ số VN-Index trong tuần qua cũng như giúp thu hẹp đà giảm của HNX-Index.

Điểm đáng chú ý là dòng tiền đã chảy vào các ”ông lớn” và đã có tác động tích cực về mặt chỉ số cũng như tâm lý thị trường. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc dòng tiền đặt niềm tin vào kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp này.

Phù hợp với nhận định trong tuần giao dịch trước, gam màu xám trong bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 cũng đã bắt đầu xuất hiện, điển hình là số liệu không mấy tốt đẹp của phần lớn các CTCK. Giao dịch trên thị trường về cuối tuần, vì vậy, bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thông tin hỗ trợ thiếu vắng cùng với việc giới đầu tư chưa thực sự lạc quan với xu hướng và chỉ muốn tận dụng cơ hội trading ngắn hạn đã khiến thị trường quay đầu giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Điểm tích cực là lực cầu mua vào vẫn được duy trì khá tốt trước áp lực bán gia tăng mạnh. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại thì những người mua vào trong phiên cuối tuần đang thể hiện tinh thần dũng cảm cao độ.

Nhà đầu tư nước ngoài: Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong tuần qua nhưng đã tỏ ra e dè và thận trọng hơn trong giao dịch. Điều này khiến cho giá trị mua –bán các phiên trong tuần sụt giảm khá mạnh so với những tuần giao dịch gần đây. Mặc dù vậy, việc giao dịch tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu bluechip đã ít nhiều tác động lên tâm lý của giới đầu tư trong nước.

Tổng giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 30.2 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất ở MSN với 21.3 tỷ đồng, tiếp theo là ITA với 12 tỷ đồng, CTG với 9.3 tỷ đồng và TMS với 7.8 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất STB với 27 tỷ đồng, VCB với 14.6 tỷ đồng, DRC với 11.3 tỷ đồng và EIB với 11.2 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ với giá trị 8.9 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất SHB với gần 6.9 tỷ đồng và LAS với 4.9 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất VND với 7.9 tỷ đồng và PVS với 1.6 tỷ đồng.

Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 18/10 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK tiếp tục bán ròng nhẹ gần 0.35  triệu đơn vị, tương ứng 40.4 tỷ đồng.

Việc bán ròng tập trung chủ yếu ở phiên giao dịch ngày 17/10 với 37 tỷ đồng, tương ứng với hơn 160 ngàn đơn vị được bán ròng. Lực bán trong phiên này tập trung chủ yếu vào những cổ phiếu trong nhóm Large Cap. Việc thoát mạnh cổ phiếu Large Cap trong phiên ngày 17/10 là một dấu hỏi khi đây là nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực nhất trong tuần qua.

Cổ phiếu đáng chú ý: Áp lực chốt lời gia tăng mạnh đã khiến chỉ còn lại 8/24 ngành tăng điểm.

SX Thực phẩm - Đồ uống vươn lên dẫn đầu danh sách tăng điểm với mức tăng 8.30%. Tiếp theo là SX Tôn thép tăng 3.64%% và bất ngờ nhất là Bất động sản tăng 0.90% chủ yếu nhờ vào bộ đôi ITA và KBC.

Những ngành nóng còn lại như Chứng khoán, Xây dựng, Ngân hàng và Khai khoáng đều giảm điểm lần lượt 1.81%, 1.30%, 0.69% và 0.32%.

Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trên HOSE: DHM tăng 16.32%, KBC tăng 15.79% và BGM tăng 15.15%, VHG tăng 14.81%, VPK tăng 14.11%; trên HNX không có mã tăng giá nổi bật.

DHM tăng 16.32%, nhiều khả năng xuất phát từ xu hướng đầu cơ vào kết quả kinh doanh quý 3. Kết quả kinh doanh quý 3 của DHM nhiều khả năng sẽ có đột biến xuất phát từ việc DHM dự kiến bán 750,000 cp tại CTCP Khoáng sản Việt – Thái Sơn với giá 15,100 đồng/cp, thời gian thực hiện từ 25-30/09. Nếu giao dịch thành công, DHM có thể thu về hơn 11.3 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn nếu so với lợi nhuận quý 1 là 11.6 tỷ đồng và quý 2 là 17.6 tỷ đồng.

KBC tăng 15.79% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc tăng mạnh của KBC trong tuần đến từ dòng tiền đầu cơ trở lại, khi cổ phiếu này đã giảm mạnh  liên tục từ mức giá 16,800 đồng ngày 19/04 xuống mức thấp nhất 5,100 đồng vào ngày  04/10/2012.

BGM tăng 15.15% mặc dù đón nhận kết quả kinh doanh không khả quan khi lỗ 620 triệu đồng trong quý 3. Việc BGM tăng mạnh trong thời gian qua có thể xuất phát từ thông tin nhà máy của BGM mới hoạt động trở lại từ đầu tháng 10/2012, sau thời gian dài đóng cửa sửa chữa khiến hoạt động kinh doanh của BGM bị đình trệ.

VPK tăng 14.11% có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh quý 3 khả quan. Theo đó, doanh thu quý 3 của VPK đạt 90.11 tỷ đồng tăng 44% cùng kỳ, lũy kế 9 tháng tăng 24%, đạt 256.6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hơn 38 tỷ đồng tăng 93% và vượt đến 111% so với kế hoạch năm là 18 tỷ đồng.

VHG tiếp tục tăng mạnh 14.81% có thể xuất phát từ hoạt động đầu cơ nhắm vào chỉ số P/B hấp dẫn của cổ phiếu này chỉ quanh mức 0.13 lần. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà tăng của VHG sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong tuần giao dịch tới với thông kết quả kinh doanh quý 3 của VHG không mấy khả quan khi tiếp tục lỗ 5.5 tỷ đồng, luỹ kế 9 tháng, VHG đã lỗ 21.7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là DIC với mức giảm 9.38%. Lý do có thể xuất phát từ việc HĐQT đã nhất trí điều chỉnh mạnh chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm 50% từ 24 tỷ xuống 12 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của DIC trong 9 tháng đầu năm cũng không mấy khả quan khi doanh thu ước đạt 857.8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.4 tỷ đồng.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật