Chứng khoán Tuần 01 - 05/10: Lòng tham trỗi dậy có đúng lúc?
Chỉ số giảm sâu đã kích thích dòng tiền tham lam, hoạt động bắt đáy gia tăng và thị trường khởi sắc trong những phiên giao dịch cuối tuần.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 01 - 05.10.2012
Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần giảm 1.12% xuống mức 388.16 điểm; trong khi HNX-Index giảm 2.04% xuống 54.34 điểm. VS 100 giảm 0.92% đang ở 58.23 điểm và VN30 giảm 0.72% đứng tại 453.20 điểm.
VS-Large Cap giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 1.88%. Tiếp đến là VS-Mid Cap giảm 1.27%, VS-Micro Cap giảm 1.19% và VS-Small Cap giảm ít nhất với 1.09%.
Hoạt động bắt đáy giúp thanh khoản trên cả hai sàn vụt tăng trở lại. Trên HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tăng 12.3% so với tuần trước. Trong khi đó trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng tăng 12.4%.
Nỗi lo tăng giá điện đã khiến cho áp lực bán tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần. Đà thoát hàng tập trung chủ yếu ở các mã chủ chốt và nhóm Large Cap khi đây là nhóm có được chút lợi nhuận trong thời gian qua. Việc Large Cap bị xả hàng đã ảnh hưởng xấu đến tâm lý giới đầu tư và nhanh chóng lan rộng trên thị trường khiến các chỉ số giảm mạnh, HNX-Index chính thức lập đáy mới 54.13 điểm.
Đà giảm điểm có phần dịu lại khi nổi lo giá điện tăng trong tháng 10 được loại bỏ. Bên cạnh đó, việc dòng tiền đổ về những cổ phiếu có thể đạt được KQKD tốt hoặc ổn định trong quý 3 giúp thị trường bớt tiêu cực.
Đà giảm điểm mạnh trong những phiên đầu tuần đã kích thích dòng tiền tham lam. Nhờ đó, thị trường đã có những phiên hồi phục vào cuối tuần.
Dòng tiền bắt đáy bất ngờ chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ như Khai khoáng, Chứng khoán, cổ phiếu nhỏ trong dòng họ Dầu khí ... khi đây là những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong thời gian qua.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến nhóm cổ phiếu bluechip. Mặc dù không tăng mạnh nhưng đà tăng nhẹ của nhóm này đã có tác động tốt lên tâm lý giới đầu tư và giúp đà tăng của thị trường được giữ vững trong những phiên bắt đáy.
Dù vậy, có thể thấy tâm lý thận trọng và e dè vẫn tồn tại ở phần lớn giới đầu tư khi thanh khoản vẫn chưa thực sự khởi sắc.
Phiên giao cuối tuần, thị trường đón nhận thông tin Quỹ VEIL và VGF của Dragon Capital không giải thể và được gia hạn thêm thời gian giữa hai lần biểu quyết về hoạt động của quỹ. Thị trường trở nên hứng khởi hơn nhờ (1) giảm bớt những lo lắng về áp lực thoái vốn nếu 2 quỹ này phải đóng cửa, và (2) ít nhiều tạo ra sự hứng khởi về triển vọng cải thiện của TTCK Việt Nam.
Trước đó, hai quỹ VEH và V.P.H thuộc S.A.M đã được cổ đông chấp nhận tiếp tục gia hạn hoạt động thêm 3 năm.
Nhà đầu tư nước ngoài: Lực bán ròng vẫn tập trung khá mạnh vào nhiều bluechip nhưng áp lực bán ra đã bớt căng thẳng so với tuần giao dịch trước và không ảnh hưởng quá mạnh đến tâm lý thị trường.
Tổng giá trị bán ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 83.5 tỷ đồng. Họ bán ròng mạnh nhất ở PPC với 29.4 tỷ đồng, tiếp theo là DPM với 27.5 tỷ đồng, VIC với 24.2 tỷ đồng và STB 22.4 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất PVD với 17.6 tỷ đồng, MBB với 16.4 tỷ đồng và KDC với 9.8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là khối ngoại đã trở lại mua ròng nhẹ 11.1 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi bán ròng 9 phiên liên tiếp.
Trên HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 29.1 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất PVS với gần 17.7 tỷ đồng và DBC với 2.8 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất KLS với 1.5 tỷ đồng và BVS với 1.1 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Trong tuần tính đến hết ngày 04/10 (Thứ Năm), mảng tự doanh của các CTCK bán ròng nhẹ 74 nghìn đơn vị, tương ứng 12.4 tỷ đồng.
Giá trị bán ròng tập trung chủ yếu ở phiên giao dịch đầu tuần với gần 11 tỷ đồng. Lực bán tập trung chủ yếu ở các mã thị giá lớn khi giá bán trung bình trong phiên này lên tới 46,000 đồng/đơn vị.
Các phiên giao dịch còn lại, hoạt động từ doanh của các CTCK vẫn tiếp tục e dè khi giao dịch mua – bán vẫn đứng ở mức thấp.
Cổ phiếu đáng chú ý: Chỉ có 5/24 ngành tăng điểm trong tuần qua. SX Tôn thép bất ngờ gia tăng điểm mạnh nhất với 4.09%, tiếp theo là Dịch vụ Lưu trú-Giải trí tăng 1.31%, và SX Cao su tăng 1.01%.
Những ngành nóng đều giảm điểm với Bất động sản, Xây dựng, Ngân hàng và Chứng khoán giảm lần lượt 3.44%, 1.96%, 1.76% và 1.28%. Khai khoáng giảm điểm nhẹ nhất tuần với mức giảm 0.27% nhớ lực cầu bắt đáy tập trung vào các cổ phiếu nhóm này trong những phiên cuối tuần.
Bảo hiểm đứng đầu danh sách giảm điểm với mức giảm 7.17% chủ yếu do áp lực chốt lời ở BVH tăng mạnh, vì cổ phiếu này đã có thời gian dài tăng lên từ mức 25,000 đồng.
Các cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE: KBC giảm 12.07%; trên HNX: NVC giảm 18.08% và PFL giảm 16.67%.
KBC giảm mạnh 12.07% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc sụt giảm mạnh của KBC xuất phát từ những vấn đề “hình sự” ở các công ty “họ hàng” của KBC.
NVC giảm mạnh 18.08% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc NVC giảm mạnh xuất phát chủ yếu từ xu hướng giảm điểm của thị trường. Kết quả kinh doanh 6T/2012 của NVC cũng không mấy tốt đẹp khi lợi nhuận âm 65.4 tỷ đồng.
PFL giảm 16.67% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Giao dịch của PFL càng về cuối tuần càng diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là phiên cuối tuần với gần 500 ngàn đơn vị. Nhiều khả năng hoạt động bắt đáy đang diễn ra ở cổ phiếu này.
Các cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý trên HOSE: HPG tăng 11.92%, SII tăng 10.28%; trên HNX có FLC tăng 17.65%.
HPG tăng 11.92% có thể do dòng tiền đầu cơ đón đầu thông tin HPG dự kiến trả cổ tức năm 2011 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20% và tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 bằng tiền tỷ lệ 10%.
SII tăng 10.28% khi không có thông tin nào mới về hoạt động kinh doanh. Rất có thể việc SII gia tăng mạnh trong tuần xuất phát từ kỳ vọng KQKD quý 3 sẽ tiếp tục đột biến khi lợi nhuận 6 tháng 2012 đã đạt 57.4 tỷ đồng, tăng gấp 7.5 lần so với cùng kỳ.
FLC tăng 17.65% trước thông tin Ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết, doanh thu 9 tháng của FLC sẽ đạt trên 1,000 tỷ đồng nhờ vào việc hạch toán 600 tỷ đồng doanh thu từ bán căn hộ dự án tòa nhà FLC Landmark và hơn 300 tỷ đồng khác đến từ các mảng cung cấp dịch vụ, thương mại trong quý 3. Quý 1 và quý 2/2012, doanh thu của FLC đạt tương ứng là 43.6 tỷ đồng và 186.6 tỷ đồng.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|