Chính sách lúa gạo “phản tác dụng” của Thái Lan
Ở vùng nông thôn Kok Chang của Thái Lan, năm nay người dân kiếm nhiều tiền hơn những năm trước. Ông Vichien Pornlamchiak ước tính có thể kiếm được 20.000 USD trong năm 2012, một mức thu nhập cao so với chuẩn nông thôn Thái.
Một người bạn của ông Vichien, bà Surin Wongkrakjang thì dự tính rằng doanh thu từ cửa hàng ăn của bà sẽ tăng 20% do khách hàng là nông dân trong vùng đến ăn nhiều hơn.
Nhưng theo báo Wall Street Journal, có một vấn đề là, không ai dám chắc chính sách mua thóc gạo tạm trữ mà Chính phủ Thái Lan đang thực hiện sẽ kéo dài đến bao giờ.
Ngay sau khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã quyết định tung ra chính sách trợ giá hàng tỷ USD cho lúa gạo. Theo quan điểm của bà Yingluck, đây là một cách để bơm tiền vào nông thôn Thái, nơi thu nhập của người dân vẫn kém xa so với tại các khu vực đô thị.
Ý tưởng của Chính phủ Thái Lan mang đầy tham vọng. Họ muốn sử dụng vị trí truyền thống của nước này với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhằm gây ảnh hưởng lên thị trường ngũ cốc toàn cầu thông qua găm giữ nguồn cung gạo thay vì xuất khẩu. Cách làm này được cho là sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao, đảm bảo mức sống cao hơn cho nông dân Thái trong những năm tới, trong khi Chính phủ Thái sẽ từ từ rút lui khỏi thị trường.
Cho đến nay, Chính phủ của bà Yingluck đã chi 8 tỷ USD để mua gạo tạm trữ. Hôm thứ Ba tuần này, nội các Thái đã thông qua thêm khoản ngân sách 7,8 tỷ USD, tương đương khoảng 2% tổng sản lượng kinh tế hàng năm của nước này, để mua gạo tạm trữ trong vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 1 năm sau.
Tuy nhiên, “kế hoạch của Thái Lan đã hoàn toàn phản tác dụng” - ông Samarendu Mohanty, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách mảng nông nghiệp của Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế ở Los Banos, Philippines, nhận định. “Chính sách của họ lẽ ra đã thành công nếu xảy ra hạn hán ở đâu đó. Nhưng các quốc gia khác đều đang tăng sản lượng gạo”.
Thái Lan đang ra sức nỗ lực hạn chế nguồn cung gạo toàn cầu giữa lúc các quốc gia khác thúc đẩy sản xuất và đem đến giá gạo rẻ hơn cho thị trường toàn cầu và nội địa. Thực tế này dẫn tới kho thóc tạm trữ của Thái Lan ngày càng phình to mà hầu như chẳng có khách hàng quốc tế nào sẵn lòng mua.
Giới phân tích trong ngành lúa gạo nhận xét, thử nghiệm này của Thái Lan một lần nữa chứng minh rằng các chính phủ thường thất bại khi cố gắng gây ảnh hưởng lên thị trường toàn cầu.
Bằng cách siết nguồn cung, các quan chức Thái Lan cho biết họ hy vọng sẽ bán được gạo tạm trữ với giá cao hơn. Nhưng một số quan chức nước này đã thừa nhận rằng, họ không lường trước được việc Ấn Độ trở lại thị trường xuất khẩu gạo sau mấy năm vắng bóng. Họ cũng không lường trước được việc Philippines, quốc gia từng nhiều năm là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, lại tăng cường sản xuất gạo. Hiện Philippines đang kỳ vọng sẽ tự cung cấp đủ gạo từ năm 2013.
Năm ngoái, Thái Lan chiếm khoảng 28% trong tổng số 35 triệu tấn gạo được xuất khẩu toàn cầu. Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo, xuất khẩu gạo của thế giới sẽ giảm xuống mức 34,2 triệu tấn trong năm nay do các quốc gia tiêu thụ gạo tăng cường các nỗ lực để đảm bảo nguồn cung lương thực sau cú sốc hồi năm 2008 với giá gạo thế giới tăng gấp 4 lần. Cú sốc đó đã xảy ra sau khi Ấn Độ chuyển từ dùng lúa mỳ sang dùng lúa gạo để cung cấp cho các chương trình giảm nghèo của nước này và chấm dứt xuất khẩu các loại gạo thường, thúc đẩy các quốc gia khác như Philippines mạnh tay gom mua.
Nhưng hiện nay, với việc nhiều nước cùng đẩy mạnh sản xuất gạo, giá gạo thế giới rất ổn định. Thực tế này dẫn tới việc Chính phủ Thái Lan có thể sẽ phải gánh mức thua lỗ lớn. Để thu hồi số vốn đã bỏ ra để mua gạo tạm trữ, bao gồm cả phí lưu kho và xay xát, Chính phủ Thái Lan phải bán được gạo với giá khoảng 800 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo loại tương tự của Việt Nam hiện chỉ có 400 USD/tấn, và giá gạo hiện tại của Thái Lan trên thị trường quốc tế cũng chỉ khoảng 600 USD/tấn.
Một nhóm học giả Thái Lan mới đây đã kiến nghị lên Tòa án hiến pháp nước này đề nghị xem xét tính hợp hiến của chính sách lúa gạo mà Bangkok đang áp dụng. Các học giả này lập luận rằng, chính sách này đã vi phạm quy định hiến pháp về việc nhà nước ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Yingluck cho biết, bà cam kết tiếp tục chương trình trợ giá. “Chúng tôi hiểu được ảnh hưởng của chương trình và mọi người có thể lo lắng”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn ở New York vào tuần trước, và khẳng định, chương trình tạm trữ lúa gạo sẽ cải thiện an ninh lương thực của Thái Lan.
Trong khi đó, ảnh hưởng của Thái Lan trên thị trường lúa gạo toàn cầu tiếp tục suy giảm. Khối lượng gạo xuất khẩu gạo của nước này trong 6 tháng đầu năm nay giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà phân tích cho rằng, Thái Lan có khả năng để tuột ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong cả năm.
Số liệu của FAO cho thấy, trong 4 năm qua, sản lượng gạo của thế giới tăng 4,3%, trong khi giá gạo của Việt Nam đã giảm mất 1/3. Tại một cuộc họp hôm 26/9 ở Indonesia, các quan chức ngành lúa gạo Thái Lan cho biết, các công ty của Thái hiện đang mua gạo với giá rẻ hơn từ Campuchia và Việt Nam để tiêu thụ trong nước.
Trở lại với Kok Chang, những người nông dân ở đây như ông Vichien lo ngại rằng, “quả ngọt” mà chính sách của Thủ tướng Yingluck đem đến cho họ sẽ gây ra tác hại hơn là lợi ích. Mặc dù Chính phủ nước này tuyên bố sẽ tiếp tục mua thóc tạm trữ với giá khoảng 15.000 Baht, tương đương khoảng 500 USD/tấn, nhưng anh Vichien lo ngại rằng, Bangkok sẽ không thể chịu nổi mức chi phí này lâu thêm nữa.
“Tôi e là sẽ đến lúc họ sẽ dừng mua. Khi đó, chúng tôi sẽ ra sao”, ông Vichien đặt câu hỏi.
An Huy
tbktvn
|