Chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông, vẫn tắc!
Theo Thông tư số 130/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng, việc chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu được phép thực hiện từ ngày 1/10/2012.
Tuy nhiên, những vướng mắc phía sau lại khiến các công ty niêm yết khó có cơ hội thực hiện việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Luật đã có
Khoản 2, Điều 11 của Mục 2 - Bán cổ phiếu quỹ trong Thông tư số 130 quy định như sau: “Việc sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông hiện hữu, thưởng cho người lao động phải được ĐHCĐ thông qua và công ty phải đảm bảo có đủ nguồn đối ứng từ nguồn vốn chủ sở hữu, căn cứ báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán từ các nguồn sau đây: a) Thặng dư vốn; b) Quỹ đầu tư phát triển; c) Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; d) Quỹ khác (nếu có) được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Trường hợp công ty là công ty mẹ thì công ty phải đảm bảo đủ nguồn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán”. Như vậy, với quy định này, các DN niêm yết đã có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông, trong trường hợp có cổ phiếu quỹ và nguồn đối ứng.
Trở lại với trường hợp CTCP Sản xuất và thương mại Phúc Tiến (PHT), nếu lui lại sau ngày 1/10/2012, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, lấy nguồn tiền từ Quỹ lợi nhuận chưa phân phối sẽ có cơ sở pháp lý để xin thông qua tại ĐHCĐ.
Nhưng triển khai vẫn vướng
Dù đã có hướng dẫn về việc chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu và hướng dẫn này có hiệu lực từ 1/10/2012, nhưng trên thực tế, việc triển khai nghiệp vụ này với các DN niêm yết sẽ vẫn bị vướng.
Trao đổi qua điện thoại với Đầu tư Chứng khoán, ông Trương Lê Quốc Công, Vụ trưởng Vụ Quản lý Phát hành, UBCK Nhà nước cho biết, do chưa có hướng xử lý giá ngày giao dịch không hưởng quyền, nên tạm thời, nghiệp vụ này vẫn phải chờ hướng dẫn. Trên thực tế, đây chính là vướng mắc lớn nhất chưa được giải quyết để có thể triển khai thực hiện nghiệp vụ này.
Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thông qua phát hành cổ phiếu mới sẽ làm tăng vốn điều lệ và vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phát hành. Nhưng khi chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ, dù vẫn lấy nguồn từ Quỹ lợi nhuận chưa phân phối, các cổ đông vẫn được tăng số cổ phiếu sở hữu, nhưng vốn điều lệ của DN không tăng lên tương ứng. Vấn đề phát sinh ở đây.
Do hai sàn đều có chỉ số và việc điều chỉnh kỹ thuật phải đảm bảo nguyên tắc, tại một thời điểm, tổng vốn hóa thị trường không đổi. Tuy nhiên, khi mua cổ phiếu quỹ, giá không được điều chỉnh (vì số cổ phiếu giảm, vốn điều lệ không đổi), nên khi chia cổ phiếu quỹ (vốn điều lệ không đổi, số cổ phiếu tăng) cũng rất khó để điều chỉnh giá. Nếu tính theo số cổ phiếu NĐT thực nắm, thì việc chia cổ phiếu quỹ cần thiết phải điều chỉnh giá như một nghiệp vụ phát hành cổ phiếu thông thường. Nhưng trong rổ chỉ số, việc điều chỉnh này lại không hợp lý.
Nên áp dụng biên độ mở
Những vướng mắc trên đây trong việc chia cổ tức bằng phiếu quỹ khiến thị trường nhớ lại các trường hợp DN phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu trước kia.
Tại thời điểm phát hành trái phiếu chuyển đổi, vốn điều lệ của DN có thể sẽ tăng lên, nhưng không chắc chắn, vì có thể trái chủ sẽ không chuyển đổi. Quyền lợi của các cổ đông trước và sau ngày giao dịch không hưởng quyền mua trái phiếu chuyển đổi có thể khác nhau, nếu thị giá cổ phiếu và giá phát hành có chênh lệch. Tuy nhiên, những lợi ích ấy đều không có cơ sở để tính toán chính xác, bởi tất cả đều ở thì tương lai. Trong quá khứ, Sở GDCK Hà Nội đã có cơ chế nới lỏng biên độ giá vào ngày giao dịch không hưởng quyền.
Nếu áp dụng cơ chế nới lỏng biên độ theo mức giảm tối đa của tỷ lệ phát hành cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu, bài toán về giá có thể được giải quyết một cách hợp lý và công bằng hơn cho các NĐT sở hữu cổ phiếu trước và sau giao dịch. Tất nhiên, khi áp dụng cơ chế này, chỉ số giao dịch chung trên sàn niêm yết có thể sai lệch ít nhiều, nhưng liệu cơ quan quản lý có nên cân nhắc phương án này, để tránh tình trạng cơ sở pháp lý đã ban hành lại phải tiếp tục chờ hướng dẫn? Mặc khác, dù áp dụng cách điều chỉnh nào thì chỉ số chung của sàn niêm yết cũng khó đảm bảo chính xác tuyệt đối, bởi ngay từ khâu mua cổ phiếu quỹ, đã không tiến hành điều chỉnh giá kỹ thuật.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|