Châu Âu không dễ "ghìm cương" khủng hoảng nợ
Ba tuần sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) xoa dịu các thị trường bằng
cam kết mua trái phiếu không hạn chế của những nước nợ nần trong Khu vực sử dụng
đồng euro (Eurozone) để hạ chi phí đi vay, khu vực này vẫn phải đối diện thực tế
“phũ phàng” là Tây Ban Nha, Hy Lạp và một số quốc gia khác phải tiếp tục thực
thi các biện pháp khắc khổ.
Trong khi đó, Đức và các nền kinh tế lớn trong Eurozone vẫn không sẵn lòng làm
những điều mà những quốc gia khác cho là cần thiết để ngăn chặn khu vực này tan
rã. Vì thế, nói khủng hoảng đã ở trong tầm kiểm soát có lẽ là còn quá sớm.
Tây Ban Nha “phát tín hiệu” xin cứu trợ?
Tây Ban Nha - nước đang ở tâm bão khủng hoảng nợ châu Âu - được dư luận rất
chú ý sau khi Thủ tướng Mariano Rajoy đưa ra kế hoạch khắc khổ lần thứ năm trong
9 tháng trở lại đây để thuyết phục các chủ nợ quốc tế, giới đầu tư cũng như các
thị trường tài chính rằng Chính phủ của ông vẫn kiên trì thực hiện các mục tiêu
giảm thâm hụt ngân sách.
Nhiều nhà phân tích nhìn nhận kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách của Tây Ban
Nha trong năm 2013 (trong đó dự trù cắt giảm chi tiêu ngân sách đi 40 tỷ euro,
tương đương51 tỷ USD) và năm 2014 là những dấu hiệu cho thấy "xứ sở bò tót" đang
đi bước đầu tiên (kiểm soát thâm hụt ngân sách) để chuẩn bị cho việc đề nghị xin
hỗ trợ tài chính từ chính phủ các nước châu Âu và ECB.
Kinh tế “xứ xở bò tót” dự báo sẽ suy giảm 1,3% trong năm 2013. Thêm tin không
vui nữa là Bộ trưởng tài chính Tây Ban Nha Cristobal Montoro vừa thông báo điều
chỉnh dự báo nợ của nước này lên tương đương 85,3% GDP vào năm 2012 và 90,5% GDP
vào năm 2013 (do Chính phủ vừa công bố kế hoạch vay 207,2 tỷ euro trong năm
2013).
Đồng thời, Bộ trưởng cũng điều chỉnh mức dự báo thâm hụt ngân sách năm 2012 từ
6,3% lên 7,4%, mặc dù chính phủ nước này đang rất nỗ lực trong việc thực hiện
cam kết với EU là giảm thâm hụt ngân sách từ mức tương đương 8,9% GDP năm 2011
xuống 6,3% GDP năm 2012, rồi 4,5% GDP năm 2013 và 2,8% GDP năm 2014.
Một số nguồn tin từ châu Âu cho hay Tây Ban Nha sẵn sàng đề nghị cứu trợ, có thể
ngay cuối tuần tới, trong khi Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schaeuble thể
hiện quan điểm của Đức muốn tránh việc phải đưa ra gói cứu trợ riêng cho các
nước thành viên Eurozone với tuyên bố: Tây Ban Nha đang thực hiện các bước đi
đúng hướng để khắc phục các vấn đề tài chính và nhờ đó nước này không phải cầu
viện cứu trợ.
Ủy viên Kinh tế và Tiền tệ EU, Olli Rehn, ngày 1/10 cho hay Tây Ban Nha chưa đưa
ra đề nghị nào liên quan đến vấn đề xin cứu trợ, nhưng ông bày tỏ sự tin tưởng
rằng đất nước bị suy thoái hai trong ba năm trở lại đây với tỷ lệ thất nghiệp
cao “ngất ngưởng” gần 25% này sẽ vẫn đáp ứng được các mục tiêu giảm thâm hụt
ngân sách.
Bơm vốn trực tiếp qua ESM: vẫn là vấn đề “bàn ra”
Mùa Hè này, các nhà lãnh đạo châu Âu đạt được thỏa thuận quan trọng về việc
thành lập liên minh ngân hàng châu Âu để có thể bơm vốn trực tiếp cho các ngân
hàng gặp khó khăn thông qua ESM thay vì tiến hành cho vay, nhằm tránh tăng thêm
gánh nợ cho chính phủ các nước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được Ủy ban
châu Âu đề xuất giữ vai trò giám sát tất cả các ngân hàng trong Eurozone. Đây
cũng là bước đi đầu tiên để tạo lập một liên minh ngân hàng.
Công ty tư vấn tài chính Mỹ Oliver Wyman cuối tháng trước cho hay các ngân hàng
Tây Ban Nha cần 59,3 tỷ euro (khoảng 77 tỷ USD) để cân bằng bảng cân đối kế
toán, trong khi hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng số tiền này vào khoảng
70-105 tỷ euro (90-135 tỷ USD). Dựa trên kết quả kiểm toán của Oliver Wyman,
Chính phủ Tây Ban Nha cho biết các ngân hàng nước này có thể chỉ cần vay 40 tỷ
euro từ Eurozone, thấp hơn nhiều so với mức 100 tỷ euro các nhà lãnh đạo châu Âu
đề nghị trước đó.
Tuy nhiên, vấn đề thành lập liên minh ngân hàng được “bàn ra bàn vào” khá nhiều
trong những tuần qua. Đức khăng khăng rằng không thể sử dụng ESM để tái cấp vốn
trực tiếp cho các ngân hàng nếu chưa thành lập được một liên minh ngân hàng
xuyên biên giới mới.
Tại cuộc hội đàm ở Phần Lan ngày 25/9, Phần Lan, Đức và Hà Lan cho rằng kế hoạch
bơm vốn cho các ngân hàng này chỉ áp dụng trong tương lai và chính phủ các nước
phải chịu trách nhiệm cho tất cả những vấn đề hiện nay của các ngân hàng của
mình.
Các nhà kinh tế và phân tích dùng cụm từ “quản lý khủng hoảng vẫn trong tình
trạng hỗn độn” để đánh giá về việc giải quyết khủng hoảng nợ Eurozone hiện nay.
Họ khuyến nghị rằng các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải triển khai thành lập liên
minh ngân hàng, tìm cách thoát khỏi việc cắt giảm ngân sách theo hình xoắn ốc và
tình trạng GDP giảm.
Tháng 10/2012 đánh dấu một mốc đáng buồn cuộc khủng hoảng nợ Eurozone bước sang
năm thứ ba. Và thời điểm cột mốc này đồng thời cũng có thể quyết định sự thành
bại của các nỗ lực của ECB trong việc chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tháng 10 này diễn ra ba cuộc họp mà Chủ tịch EU, Herman Van Rompuy, cho là “tối
quan trọng”. Trong đó Tây Ban Nha dự kiến sẽ là một trong những tâm điểm của
chương trình nghị sự tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính Eurozone ngày 8/10 và
hội nghị thượng đỉnh EU ngày 18-19/10 tới./.
Như Mai
Vietnam+
|