Bán khống chứng khoán: Chặn từ hai phía
Hình thái bán khống tại TTCK Việt Nam hơi khác và có lẽ không rủi ro cao như trên thế giới. Tuy nhiên, đây là hành vi cấm và dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường như tranh chấp, kiện tụng… Ngăn chặn bán không chứng khoán muốn hiệu quả cần được thực hiện từ hai đầu các nhà đầu tư và sự tiếp tay của CTCK.
* Bán khống: chỉ nên cấm một phần
Tạm ngừng bán khống
Trong 1-2 tuần gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung dường như trầm lắng hơn so với trước đây. Không như kỳ vọng khi bán khống bị "đánh mạnh", cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index không hề tăng điểm trở lại, thậm chí tiếp tục giảm điểm phiên thứ 3-4 liên tiếp trong mấy ngày qua. Giao dịch tiếp tục ở mức thấp. Sàn HNX hôm 22/10 chỉ có vỏn vẹn hơn 26 triệu cổ phiếu được giao dịch, trị giá tổng cộng 182 tỷ đồng.
Có thể thấy, các giao dịch bán khống lộ liễu gần đây gần như đã mất dạng hoàn toàn. Lý do trước hết là các nhà đầu tư lo sợ bị xử phạt hành chính và thậm chí là hình sự. Sau đó, chính các đơn vị trung gian kết nối bán khống lo sợ bị ảnh hưởng tới uy tín của họ...
Hiện tượng tạm thời ngừng mọi hoạt động bán khống diễn ra sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) phạt Công ty Chứng khoán H.S.C (HCM) và 2 nhân viên tổng cộng 275 triệu đồng vì hành vi bán khống chứng khoán. Và trước đó là vụ Chứng khoán Đại Nam bị phạt 150 triệu đồng do cho khách hàng vay chứng khoán để bán khống.
Nếu như vụ Đại Nam là phát súng đầu tiên nhắm vào hành vi sai phạm này (sau bao lời đồn thổi nhiều năm qua), thì vụ H.S.C gần đây là 1 tín hiệu cho thấy nỗ lực "siết" thực sự và không đánh trống bỏ dùi của các cơ quan chức năng.
Điều mà nhiều nhà đầu tư cũng như các CTCK quan tâm là công văn 3229 của UBCK được ban hành trong tháng 9 vừa qua. Theo đó, tổ chức kinh doanh chứng khoán gồm công ty quản lý quỹ, CTCK không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Công văn cũng cảnh báo rằng, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, UBCK sẽ chuyển cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hiện tại vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định bán khống có chấm dứt hẳn hay không bởi nó phụ thuộc vào các động thái tiếp theo của cơ quan quản lý. Hơn thế, các hình thức bán khống càng ngày càng tinh vi và hình phạt chính vẫn là phạt tiền. Mặc dù vậy, 2 vụ việc nói trên cũng đã khiến thị trường thực sự cảnh giác với giao dịch "short-sell".
CTCK không thể vô can
Trên thực tế, các giao dịch bán khống được thực hiện khá tinh vi thông qua các "kho hàng" trung gian và không có nhiều CTCK trực tiếp tham gia vào cho vay chứng khoán như trường hợp Đại Nam. Cũng có 1 thực tế, bán khống không phải là "trò chơi" của tất cả các nhà đầu tư bởi việc mượn cổ phiếu, mượn tài khoản lẫn nhau của các nhà đầu tư cá nhân không có ràng buộc và rất dễ xảy ra tranh chấp.
Trong trường hợp H.S.C nói trên, cho đến khi nhà đầu tư mất tiền và kêu cứu khắp nơi thì sự việc môi giới bán khống mới lộ diện. Nhân viên của H.S.C nhận cọc bán khống nhưng vì 1 lý do gì đó đã không trả lại tiền cho nhà đầu tư.
Với văn bản 3229 nói trên, nhiều người cho rằng những hình phạt bằng tiền khó răn đe vi phạm có thể sẽ được nâng cao lên bằng cách chuyển cho cơ quan công an để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành.
Theo một số chuyên gia, việc xử phạt ở cả 2 đầu, gắn với trách nhiệm của các CTCK là cần thiết. Chẳng hạn, nếu phát hiện CTCK môi giới hay tiếp tay cho các hành vi bán khống thì sẽ bị đình chỉ nghiệp vụ môi giới 3-6 tháng, hoặc nặng hơn là 1 năm, thậm chí là rút giấy phép môi giới.
Việc xử phạt nặng là phù hợp với xu hướng tái cấu trúc các CTCK - hiện đang quá nhiều và hoạt động rối loạn: thua lỗ, sai phạm triền miên...
Có thể nói, bán khống là 1 sản phẩm phái sinh được áp dụng trên nhiều TTCK phát triển trên thế giới. Về bản chất nó cũng là 1 sản phẩm giúp các nhà đầu tư hy vọng sinh lời khi đánh cược giá cổ phiếu sẽ đi xuống trong tương lai. Nó cũng giống như việc mua chứng khoán để chờ giá lên. Điểm khác lớn nhất có lẽ là việc bán khống là người bán không có cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu bán ra là ảo và sẽ được nhà đầu tư mua vào trả lại cho các đơn vị trung gian (thường là các CTCK) sau.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc bán không không gắn với việc bán ảo cổ phiếu. Các nhà đầu tư thường mượn tài khoản của nhau hoặc thông qua CTCK mượn tài khoản của các nhà đầu tư khác, hoặc tài khoản, các "kho hàng" của chính các CTCK để bán ra cố phiếu. Việc bán ra ở đây là bán cổ phiếu thật. Việc bán khống giúp TTCK giao dịch sôi động hơn, giúp các nhà đầu tư có thêm lựa chọn và giúp các CTCK có thêm doanh thu...
Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận những mặt trái của bán khống, đặc biệt là bán không khi mà luật pháp chưa cho phép. Đó là sự mất công bằng trên thị trường, sự lũng đoạn, hệ lụy là kiện cáo, tranh chấp và khả năng gây ra sự tăng giảm bất thường, như trường hợp thị trường chao đảo, náo loạn sau vụ bầu Kiên bị bắt hôm 21/8 vừa qua ...
Việc siết chặt bán không, trước mắt, là cần thiết để đảm bảo sự công bằng và ổn định trên thị trường, đặc biệt là khi mà nền kinh tế còn quá nhiều khó khăn như hiện tại. UBCK, sau đó, có thể xem xét nới dần theo sự phát triển của thị trường, theo sự phát triển của hệ thống quy định quản lý thị trường... để tạo ra sự đa dạng về sản phẩm cho các nhà đầu tư.
Huấn Tú
Diễn đàn kinh tế VN
|