Thứ Năm, 11/10/2012 10:04

63 tỉnh, thành nợ doanh nghiệp 91.000 tỷ đồng

Năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là 91.273 tỷ đồng của 47.209 dự án…

 

TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam dẫn các Báo cáo thẩm tra mới nhất của các Ủy ban của Quốc gia cho biết: Năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là 91.273 tỷ đồng của 47.209 dự án; trong đó, nợ vốn XDCB hoàn thành là 25.423 tỷ; nợ vốn XDCB của 20.921 dự án đang triển khai, khối lượng đã thực hiện là 65.850 tỷ đồng, giãn tiến độ 41 dự án với tổng số vốn là 38.320 tỷ đồng.

“Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp – thành quả quan trọng nhất, đồng thời là chủ lực phát triển của công cuộc đổi mới – đang vật lộn với khó khăn, không thể không đặt ra câu hỏi: bao nhiêu doanh nghiệp “chết” hoặc “chờ chết” vì không thu được món nợ từ các chính quyền địa phương này?” – TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.

Các báo cáo cũng cho thấy: Từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định. Tuy nhiên, TS Trần Đình Thiên tỏ ra hoài nghi về những con số này. “Chắc chắn các con số đó còn rất xa thực tế. Song nó cũng đủ để cho thấy mức độ khổng lồ của nguồn lực quốc gia đang bị “chôn chết” bởi chính các “ông chủ” nhà nước” – TS Thiên nói.

Câu chuyện phân cấp quản lý

Nhìn vào thực tế phân cấp quản lý kinh tế thời gian qua, TS Lê Xuân Bá – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra nhận xét: “Việc phân cấp vội vã và những quyết định sai lầm ở địa phương đang làm lãng phí các nguồn lực quốc gia và dẫn đến sự không hiệu quả trong các hoạt động kinh tế. Sự yếu kém trong việc điều phối các hạng mục đầu tư ở cấp tỉnh đôi khi đã dẫn tới một tình trạng tập trung quá nhiều vào một vài lĩnh vực (ví dụ phát triển cảng biển, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tếmở,…) và tạo nên sự phát triển lộn xộn, bất hợp lý giữa các địa phương, vùng. Vì vậy, trao quyền hạn nhiều hơn cho chính quyền địa phương (đặc biệt là ở cấp tỉnh) có thể làm mất cơ hội hoặc làm cho việc giải quyết tình trạng mất cân đối giữa các địa phương trở nên không hiệu quả”.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc phân cấp quá triệt để về quy hoạch và cơ sở hạ tầng cho chính quyền địa phương đang khiến quy hoạch chung của cả nền kinh tế và vùng bị phá vỡ do xuất hiện những tư tưởng cục bộ và cạnh tranh không lành mạnh. Hội chứng này đã khiến cho cơ cấu kinh tế manh mún, thiếu hiệu quả, gây ra lãng phí.

Còn theo tính toán, phân tích của TS Vũ Thành Tự Anh – Giảng viên kinh tế chương trình Fullbright, với số lượng tỉnh khá lớn làm cho quy mô trung bình của một đơn vị phân cấp ở Việt Nam tương đối nhỏ. Với quy mô như hiện nay, các địa phương không tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô, đồng thời không giải quyết được một cách hiệu quả các vấn đề ngoại tác. Không những thế, quy mô nhỏ cùng với số lượng đơn vị phân cấp nhiều còn có thể dẫn tới sự cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương. Trên một số phương diện, chẳng hạn như xây dựng môi trường kinh doanh hay thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, sự cạnh tranh này là lành mạnh và đưa đến những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện khác, đặc biệt là liên quan đến việc tranh giành các nguồn lực cũng như sự ưu ái từ trung ương thì hệ quả có thể hết sức tiêu cực. Cụ thể là địa giới hành chính có thể bị biến thành địa giới kinh tế giữa các địa phương, nền kinh tế quốc gia bị chia cắt thành vô số mảnh nhỏ, đầu tư công bị dàn trải và dẫm chân lên nhau - những điều trên thực tế đã và đang xảy ra ở Việt Nam.

… và sự lãng phí

Dẫn chứng về sự lãng phí trong đầu tư hiện nay, TS Trần Đình Thiên cho rằng, Vân Phong là biểu tượng của sự lãng phí chiến lược. Vốn đầu tư, do thời gian kéo dài, đã “đội” từ 3.000 tỉ đồng năm 2007 lên 6.000 tỉ đồng vào thời điểm khởi công, và giờ đã “dự kiến” lên hơn 10 ngàn tỉ.

Số tiền bị thất thoát do nguồn lực của cảng Vân Phong không được khai thác vào khoảng 336 triệu USD/năm. Kể từ khi ý tưởng xây dựng cảng Vân Phong được khởi xướng năm 1997, đã 15 năm trôi qua, cảng trung chuyển quốc tế chiến lược này vẫn nằm trên giấy. Và vẫn sẽ còn nằm trên giấy chưa biết đến bao giờ.

Những vụ lãng phí hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng xuất phát từ đủ mọi nhẽ - từ đầu tư sai, đầu tư thiếu đồng bộ, chậm tiến độ. Lãng phí vì "gà tức nhau tiếng gáy”, họ có thì tỉnh mình cũng phải có - cảng biển, sân bay, KKT, nhà máy thép xi măng, sân golf... bất chấp hiệu quả kinh tế. “Vốn đầu tư từ NSNN là tiền dân, thua lỗ dân chịu nên lãnh đạo các nơi cứ phóng tay đầu tư XD, để có thành tích và có “phết phẩy” – ông Trần Đình Thiên nói.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thiết kế hệ thống của chúng ta không chịu trách nhiệm và không thể chịu trách nhiệm. “Lãng phí đầu tư công là nghiêm trọng. Nhưng nghiêm trọng hơn là không sự kiểm điểm nào chỉ ra được ai là người chịu trách nhiệm về những khoản đầu tư lãng phí” – TS Thiên nhấn mạnh.

Khuyến nghị về đổi mới hệ thống phân cấp QLNN về kinh tế ở Việt Nam, TS Lê Xuân Bá cho rằng, nguyên tắc “việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tố hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện” cần được triệt để quán triệt.

Nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng nguyên tắc “những dịch vụ công nào mà khu vực tư nhân có thể đảm nhận được thì Nhà nước chỉ đóng vai trò là người quản lý và giám sát chất lượng. Nhà nước chỉ nên đảm nhận các dịch vụ công thuần tuý mang tính QLNN mà không ai làm thay được./.

Vũ Hạnh

VOV

Các tin tức khác

>   Bắt phó phòng Agribank nghi tham ô hơn 20 tỉ đồng (11/10/2012)

>   Vỗ béo các nhà máy bia (10/10/2012)

>   Phá rừng phòng hộ làm nhà máy xi măng (10/10/2012)

>   DN tẩy chay lao động Thanh Hoá - Nghệ An - Hà Tĩnh! (09/10/2012)

>   Bầu Đệ: 'Bầu Đức nói kiểu khinh nhau' (09/10/2012)

>   Mỹ tố hai tập đoàn Trung Quốc đe dọa an ninh (08/10/2012)

>   11.000 học sinh Đức ngộ độc “dâu tây Trung Quốc” (07/10/2012)

>   Sai phạm hàng tỷ đồng tại 2 công trình “1.000 năm Thăng Long” (06/10/2012)

>   Tê giác của ông Trầm Bê “được săn ở Nam Phi” (06/10/2012)

>   Khởi tố nguyên giám đốc VietABank (05/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật