Thứ Sáu, 19/10/2012 18:53

3 thầy dạy... 1 trò

Có những lớp học mà sĩ số được ghi là 6, hoặc 3, thậm chí lớp chỉ có 2 học sinh. Nhưng thầy thì vẫn phải đầy đủ các môn. Nói ra tưởng ở đâu xa lắm, nhưng đó là tình cảnh của một số trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp - giáo dục thường xuyên (gọi tắt là giáo dục thường xuyên - GDTX) và một số trường tiểu học, THCS ở Hà Tĩnh.

Như ở Trung tâm GDTX huyện Đức Thọ chỉ có 5 học sinh, nhưng có đến 14 giáo viên dạy văn hóa - gần 3 thầy để dạy 1 trò.

Lớp BTVH của Trung tâm GDTX huyện Đức Thọ có sĩ số 5 học sinh, nhưng buổi sáng tôi đến chỉ có mặt 3 em.


Tuyển sinh bằng sim, thẻ điện thoại

Tôi có cảm giác ngợp vì phòng làm việc của Giám đốc Trung tâm GDTX thị xã Hồng Lĩnh rộng quá sức tưởng tượng. Bà giám đốc Phan Thị Thu Thủy lọt thỏm giữa căn phòng mênh mông ấy. Bà Thuỷ giải thích, đây là phòng học của học sinh, nhưng vì chưa có nhà hiệu bộ nên được dùng để làm việc. Tôi thì lại nghĩ khác, có trò đâu mà không thừa phòng? Toàn bộ dãy nhà học này có 18 phòng, theo bà Thủy, tầng một dùng để học văn hóa và học nghề, toàn bộ tầng hai là phòng làm việc, tầng ba là xưởng thực hành.

Bà Thủy “khoe”: “Tôi vừa mới được bổ nhiệm làm giám đốc năm nay. Năm trước, trung tâm không tuyển được một học sinh nào hệ bổ túc văn hóa cả. Năm nay, bằng mọi cách, kể cả đến nhà vận động, chúng tôi chiêu sinh được 22 học sinh khối BTVH. Tiếc là, một em đã chuyển trường mất rồi”. Đoạn bà kéo chúng tôi ra bancông, rồi chỉ tay về hai hướng, mà rằng: “Thị xã Hồng Lĩnh chỉ bằng cái bàn tay mà có những 3 cơ sở dạy nghề được phép dạy văn hóa thì chúng tôi lấy đâu ra học sinh nữa. Bên này là phân hiệu của Trường Cao đẳng luyện kim, kia là Trung cấp kỹ nghệ Hà Tĩnh”.

“Chúng tôi không làm tuyển sinh chụp giật, nên không kéo được nhiều học sinh - bà Thủy giải thích - Một số cơ sở họ cho người tìm đến tận nhà học sinh, hứa hẹn với phụ huynh rất nhiều điều và tự họ rút hồ sơ của các em từ các trường THCS về cơ sở mình, để giữ chân học sinh. Nghe đâu, họ đưa ra chính sách, mỗi cán bộ, giáo viên nếu vận động được một học sinh vào trường sẽ được hưởng 500.000 đồng. Những cán bộ này lại thuê người khác đi vận động tiếp, như đa cấp vậy. Rồi họ còn dùng sim, thẻ điện thoại tặng cho học sinh để chào mời”.

Ngược quốc lộ 8A, chúng tôi tìm đến Trung tâm GDTX huyện Đức Thọ. Rất thuận lợi, trung tâm được xây dựng đồ sộ, sát ngay mặt đường lớn. Tiếp chúng tôi là thầy Nguyễn Khoa Toàn - Phó giám đốc trung tâm. Thầy Toàn cho biết, trung tâm vừa được sáp nhập từ 3 cơ sở: Dạy nghề, hướng nghiệp và GDTX từ năm học 2012 – 2013. Tổng mức đầu tư cho trung tâm theo hồ sơ bàn giao là hơn 12 tỉ đồng, gồm một nhà học ba tầng, một nhà làm việc và một xưởng thực hành, theo thầy, xưởng mới chỉ “có vỏ mà chưa có ruột”.

 

 Trung tâm GDTX huyện Đức Thọ được đầu tư hơn 12 tỉ đồng.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi nghe tiếng trống trường điểm giữa các tiết học, thầy Toàn giải thích: Dù ít học sinh, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo dạy và học nghiêm túc. Rồi thầy nghiêng về nhiệm vụ dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn. Và, theo thầy thì trung tâm cũng chỉ mới đào tạo được các nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, nấu ăn.

“Năm học vừa rồi, chúng tôi chỉ tuyển được 3 học sinh vào lớp 10. Vì không đủ điều kiện mở lớp, nên trung tâm lại gửi các em đến Trường THPT dân lập Lê Hồng Phong” – thầy Toàn cho biết. Vị chi, tại trung tâm hiện nay chỉ còn một lớp 12 đang theo học. Theo thầy Toàn, sĩ số của lớp là con số 5. Nhưng khi chúng tôi có mặt thì lại chỉ có 3 học sinh, trong khi đó số giáo viên dạy văn hóa của trung tâm là 14 người. Tính ra, gần 3 thầy dạy 1 trò. Tôi băn khoăn về số giáo viên văn hóa đã và sẽ thừa, thầy Toàn cho giải pháp: “Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục cử các thầy cô này đi học nghề để về dạy nghề cấp tốc cho nông dân. Hiện đã có 3 người được cử đi học nghề tại Trường Trung cấp nông nghiệp Hà Tĩnh”.

Được đầu tư rất lớn, những 44,5 tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất, nhưng năm học 2012 – 2013, Trung tâm GDTX huyện Vũ Quang cũng chỉ có 21 học sinh theo học. Và theo thầy Nguyễn Minh Đức - Giám đốc trung tâm - thì số học sinh này chắc cũng là số học sinh cuối cùng rồi, vì mới đây huyện lại được thành lập mới một trường THPT nữa.

Lớp học 2 trò

Trừ các điểm trường lẻ ở vùng rẻo cao, còn chắc không có nơi nào có cảnh toàn trường chỉ có 19 học sinh và lớp học chỉ có 2 trò như ở Trường Tiểu học Hương Điền, Trường THCS Quang Điền – huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Trường tít sâu trong khu vực dự kiến sẽ là lòng hồ của đập nước thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Tôi tưởng không còn có ai ở ngôi trường này nữa, vì nó quá yên ắng. Nhưng không, trường vẫn có đủ 5 lớp của cấp tiểu học với 10 giáo viên, một hiệu trưởng và một hiệu phó.

Trần Xuân Hùng - Hiệu phó Trường Tiểu học Hương Điền - còn rất trẻ, nhưng phong thái thì rất đĩnh đạc: “Trường chúng tôi thuộc diện phải di dời để làm dự án thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang. Nhưng cũng chưa biết đến bao giờ mới được di dời. Chúng tôi rất mong sớm được ổn định để tập trung nâng cao chuyên môn...”. Toàn trường chỉ có 19 học sinh theo học, còn nữa đã theo gia đình di cư tự do cả rồi. Nhưng nếu không phải di dời thì sĩ số toàn trường của năm học này cũng chưa đầy 70 học sinh. Còn hiện nay thì lớp có sĩ số đông nhất là 6 em; ít nhất là lớp 5 cuối cấp, chỉ có 2 em.

Lớp học 3 trò ở Trường Tiểu học Hương Điền (Vũ Quang – Hà Tĩnh).

Thầy Hùng thừa nhận: “Học trò quá ít, thầy, cô rất khó dạy. Lớp ít, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của giáo viên, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhàm chán. Nói chung là rất khó khăn”. Lý do đã có chủ trương di dời thì kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bị cắt. Các trường họ còn có khoản tiền phụ huynh đóng góp theo phương thức xã hội hóa, còn trường mình chỉ có 19 cháu, lại toàn con nhà nghèo nên không có thêm một khoản thu gì để phục vụ các hoạt động khác.

Hơn Trường Tiểu học Hương Điền 6 học sinh, Trường THCS Quang Điền cũng chỉ có 25 em theo học, được phân bổ thành 4 khối lớp, mỗi khối một lớp. Nói cho to tát là toàn khối lớp 7, nhưng chỉ có 1 lớp và sĩ số cũng là con số 2. Cùng chung số phận với trường tiểu học, trường này cũng chưa biết bao giờ được di dời, trong khi bất kỳ giáo viên nào cũng mong muốn nhanh chóng được ổn định. Tôi rất hiểu tâm trạng của các thầy, cô giáo. Có ai muốn ngày ngày lên lớp chỉ với 2 gương mặt trò, có ai muốn mỗi ngày lại nhìn trường xập xệ đi một tí? Và không ai muốn phải ăn ở nhếch nhác trong những căn phòng chờ... sập như thế này.

Thầy Mai Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường - tâm sự: “Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của trường đã bị cắt, do vậy nhà nội trú xuống cấp rồi mà không thể sửa chữa. Nhà để xe cho giáo viên bị lốc xoáy tốc mất nửa mái, nhưng cũng đành bó tay. Đã khổ, đã khó, chúng tôi còn phải bất đắc dĩ làm chủ nợ”. Rồi thầy trưng ra một bản danh sách có tên gần 100 học sinh của ba năm học gần đây, là những “con nợ” của nhà trường về các khoản đóng góp. “Đành chịu vậy thôi, đòi sao được, nhà các em đều rất nghèo”...

Nhưng thầy Đức đã rất vui khi kể về câu chuyện vận động phụ huynh cho các em ở hẳn tại trường để học. Hằng ngày, để đến trường, các em phải vượt qua 3 ngầm nước, về mùa mưa rất nguy hiểm đến tính mạng. Các thầy phải vào tận bản, đến từng nhà xin cho các em được ở hẳn ngoài trường. Thầy cô nào cũng hào hứng giúp đỡ các em, kể cả về vật chất và dạy dỗ sau buổi học chính khóa. Thầy Đức chia sẻ: “Chúng tôi, ai cũng rất khó khăn. Nhưng các em còn khó khăn hơn nhiều...”.

Phạm Việt Thắng

Báo Lao Động

Các tin tức khác

>   Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng lại ít chất xám (19/10/2012)

>   Tháng 1/2013 lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp 1992 (19/10/2012)

>   Sông Tranh 2 tích nước: Ngược chỉ đạo của Chính phủ (19/10/2012)

>   Barcelona và Real Madrid “tẩy chay” Trung Quốc (19/10/2012)

>   Google mở cửa trung tâm dữ liệu bí mật (19/10/2012)

>   Hôi tiền rơi tại ngân hàng (18/10/2012)

>   Hải Phòng: Xem xét bồi thường việc thu hồi đầm Sép (18/10/2012)

>   Chủ tịch nước: Sợ trù úm thì đất nước ra sao? (17/10/2012)

>   Đề cử Thống đốc Nguyễn Văn Bình là chiến sĩ thi đua toàn quốc (16/10/2012)

>   Chính phủ: Tham nhũng, lạm dụng chức quyền ảnh hưởng xấu kinh tế (16/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật