Chủ Nhật, 23/09/2012 20:26

Vietstock Weekly 24 - 28/09: ETF "qua đi", đâu sẽ là trụ đỡ cho thị trường?

Chúng tôi nhận thấy tâm lý thoát hàng ở hàng loạt bluechip trong thời gian gần đây là rất lớn. Việc tăng trần liên tục của BVH không thể khỏa lấp được thực tế này.

Chứng khoán Tuần 17 - 21/09: ETF giúp xoa dịu “nỗi đau”

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 24 – 28.09.2012

Hoạt động hiện thực hóa danh mục của các quỹ ETF Market Vectors Vietnam và FTSE Vietnam Index trong phiên cuối tuần đã giúp thị trường giao dịch bùng nổ. Tuy vậy, giới đầu tư cũng hiểu rằng điều này đồng nghĩa với việc thị trường sẽ thiếu đi lực đỡ này ngay trong tuần giao dịch tới.

Và nhiều khả năng thị trường sẽ quay trở lại đối diện với những thách thức, vốn đã nổi lên trong giai đoạn gần đây:

(1) Chúng tôi nhận thấy tâm lý thoát hàng (và chốt lời nếu có) ở hàng loạt bluechip trong thời gian gần đây là rất lớn. Việc tăng trần liên tục của BVH không thể khỏa lấp được thực tế này. Nếu không còn trợ lực từ khối ngoại/quỹ ETF thì rõ ràng chỉ số sẽ khó mà “thoải mái” được.

(2) Giao dịch tại nhóm cổ phiếu Ngân hàng tỏ ra khá phức tạp, với sự phân hóa đáng kể giữa các cổ phiếu trong nhóm. Lực cầu vẫn rất lớn nhưng vấn đề là chấp nhận ở mức giá nào – một vài phiên giảm mạnh ở ACBEIB đã thúc đẩy lực cầu đổ vào khá mạnh.

(3) Phiên phấn khích cuối tuần giúp thanh khoản trên HOSE tăng vọt, tuy nhiên ảnh hưởng trên HNX là không đáng kể khi giao dịch vẫn đứng ở mức thấp, và tính cả tuần thanh khoản của HNX tiếp tục sụt giảm. Điều này cho thấy tâm lý của giới đầu tư chưa thực sự được cải thiện, sự thận trong vẫn đang tiếp tục ngự trị.

(4) Hoạt động của khối tự doanh các CTCK cũng khá e dè trong tuần qua (ngoại trừ phiên đầu tuần 17/09) do ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực.

(5) Thông tin CPI tháng 9 sẽ chính thức được công bố trong tuần giao dịch sau. Một con số CPI tăng mạnh là điều khó tránh khỏi khi CPI của 2 thành phố chính là Hà Nội và TPHCM đều gia tăng mạnh lần lượt 2.47% và 1.21% so với tháng 8. Mặc dù vậy, rất có thể thông tin CPI tháng 9 sẽ không còn tác động mạnh đến giao dịch do đã phần nào được hấp thụ.

Sau phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần, các tín hiệu kỹ thuật của cả hai sàn đã trở nên tích cực hơn, dù khối lượng giao dịch tiếp tục là một yếu tố không thể bỏ qua để dự đoán xu hướng của thị trường.

Tuần qua, giá dầu thô thế giới đã lùi sâu từ ngưỡng 100 USD/thùng về gần 92 USD/thùng. Áp lực tăng giá xăng dầu dịu bớt, giúp giải toả phần nào lo lắng trong giới đầu tư.

Kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu lộ diện. Trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng là rất khó để có thể thuyết phục giới đầu tư trở lại với chứng khoán nếu chỉ dựa vào yếu tố này.

Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vùng 380 – 390 điểm tiếp tục được thử thách. Điểm đáng chú ý nhất trong tuần qua là VN-Index có những phiên điều chỉnh rất mạnh giữa tuần và tăng mạnh vào cuối tuần. Lực cầu bắt đáy tăng mạnh trở lại ở hầu hết các mã vốn hóa lớn (Large Cap) giúp cho nguy cơ lùi sâu được giảm bớt.

Vùng 380 – 390 điểm tiếp tục được thử thách lần thứ ba trong vòng chưa đầy 2 tháng qua. MACD đã bắt đầu có dấu hiệu hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Nếu phân kỳ này hoàn thành trong tuần sau thì nhiều khả năng đà phục hồi sẽ được củng cố.

Thanh khoản đã hồi phục vào phiên cuối tuần và duy trì trên trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 38 triệu đơn vị/phiên). Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao khả năng tăng trưởng của thị trường, vì vậy nên tiếp tục được theo dõi sát sao trong tuần sau.  

 

HNX-Index – Engulfing Bull xuất hiện. Đây là dạng mẫu hình nến đảo chiều tăng điểm điển hình và có xác suất thành công khá lớn trên thị trường Việt Nam. Nó có thể được coi là tín hiệu khá lạc quan vì cho thấy tâm lý của giới đầu tư đã được cải thiện theo chiều hướng tốt.

Vùng 55 – 57 điểm trụ vững cũng là dấu hiệu tốt vì nếu như vùng này bị phá vỡ thì xu hướng giảm điểm dài hạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, điều khiến cho giới đầu tư cảm thấy băn khoăn là thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá. Theo lý thuyết, các đợt tăng trưởng mạnh và bền vững đều phải đi kèm với sự bứt phá của khối lượng vì cho thấy tâm lý cũng như kỳ vọng ngày càng tăng. Còn trên HNX-Index hiện tại, khối lượng hầu như không có sự bứt phá đáng kể so với giai đoạn trước.

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vùng đáy cũ lịch sử 55 – 57 điểm sẽ tiếp tục trụ vững trong tuần sau. Việc bắt đáy nhẹ có thể được xúc tiến nhưng nên mạnh dạn bán ra nếu chỉ số thủng mốc 55 điểm.

VIETSTOCK INDEX

VS 100: Tăng mạnh (+2.3%) trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/09/2012, VS 100 chững lại đà giảm điểm của phiên giao dịch trước đó.

Khối lượng giao dịch duy trì mức trung bình. Nếu tình trạng này tiếp tục trong thời gian tới thì khả năng hồi phục là không cao.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/09/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 3.66, tức số mã tăng giá bằng 3.66 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 4.4, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 4.4 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá.

Chúng tôi nhận thấy EMA 5 ngày của VS-Arms HOSE hiện vẫn duy trì ở mức 1.38. Đây là mức khá cao và vẫn cho thấy ưu thế đang nghiêng về bên bán. Nếu trong tuần sau chỉ số này rơi xuống dưới mức 1 thì tình hình sẽ được cải thiện tốt hơn.

VS-A/D HNX trong phiên cuối tuần đạt 2.86 lần và VS-U/D HNX bằng 16.38 lần. EMA 5 ngày của VS-Arms HNX thậm chí còn duy trì ở mức 7.18 (rất cao) nên nguy cơ sụt giảm sâu vẫn chưa được dỡ bỏ.

VS-Arms VN ngày 21/09/2012 đạt giá trị 0.55 chứng tỏ bên mua chiếm ưu thế trong phiên này. Tuy vậy, EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 1.74 và cho thấy bên bán vẫn đang chiếm ưu thế trong 5 phiên gần đây, nếu tính tổng thể trên cả hai sàn.

Phòng Nghiên cứu Vietstock

FFN

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật