Vietstock Weekly 01 - 05/10: Liệu có ”cú bồi” từ giá điện?
Nếu giá bán điện tiếp tục được điều chỉnh tăng trong đợt xem xét này thì rõ ràng việc kiểm soát lạm phát sẽ trở nên khó khăn hơn và đây sẽ là “cú bồi” đối với thị trường chứng khoán.
Chứng khoán Tuần 24 - 28/09: Điều gì đã đẩy thanh khoản tụt dốc?
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 01 – 05.10.2012
Thị trường khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9 với tâm lý khá bi quan khi các chỉ số tiếp tục lao dốc và thanh khoản thụt lùi trước những thông tin không mấy tích cực.
Điểm sáng nhất trong tuần có lẽ là việc dòng tiền đầu cơ đã có dấu hiệu hoạt động trở lại sau một thời gian ”ẩn náu”, dù giao dịch vẫn còn khá dè dặt.
Giới đầu tư bước sang tuần giao dịch đầu tiên của tháng 10 (cũng là quý 4) với nhiều khả năng sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn, khi:
Kết quả kinh doanh quý 3 bắt đầu lộ diện. Sẽ khó tìm kiếm kỳ vọng về một sự cải thiện của KQKD quý 3 trên diện rộng, khi diễn biến vĩ mô chưa có nhiều cải thiện và tiếp tục gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp.
Cổ phiếu hưởng lợi cục bộ có thể đến từ:
• Dòng tiền tìm “nơi trú ẩn” trước thời điểm thông tin KQKD quý 3 được công bố và có lẽ nhóm cổ phiếu bluechip sẽ là đích ngắm. Đây nhiều khả năng sẽ nhóm cổ phiếu có thể duy trì được KQKD ổn định, và được kỳ vọng tiếp tục tạo lực đỡ đáng kể cho thị trường.
• Dòng tiền đầu cơ vào cổ phiếu có KQKD đột biến nhờ tính chất mùa vụ như bánh kẹo, giáo dục, du lịch...
• Nhóm cổ phiếu ngành Than nhiều khả năng sẽ tiếp tục ”chạy” sau khi Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh thuế xuất khẩu than xuống 10%, đem lại kỳ vọng giải phóng đáng kể lượng hàng tồn kho thời gian qua. Trước đó, các cổ phiếu ngành Than đã có những phiên tích cực từ việc điều chỉnh tăng giá bán than cho ngành điện kể từ ngày 15/9.
Tuy vậy, như là một hệ quả, áp lực điều chỉnh giá bán điện sẽ trở lại sau 3 tháng từ lần tăng giá điện gần nhất. Theo quy định hiện hành, Bộ Công thương cho phép giá điện được điều chỉnh (tăng/giảm) tối thiểu 3 tháng một lần. Trong khi đó, giá điện được điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 01/07.
Áp lực tăng giá điện lần này xuất phát từ các yếu tố đầu vào khi: (i) giá bán than cho ngành điện vừa được điều chỉnh tăng thêm 28-40% so với giá cũ; (ii) giá dầu cũng đã tăng khá mạnh kể từ thời điểm 01/07.
CPI tháng 9 được công bố bất ngờ tăng mạnh 2.2% đã khiến thị trường phản ứng khá tiêu cực trước nỗi lo lạm phát tăng cao trở lại. Nếu giá bán điện tiếp tục được điều chỉnh tăng trong đợt xem xét này thì rõ ràng việc kiểm soát lạm phát sẽ trở nên khó khăn hơn và đây sẽ là “cú bồi” đối với thị trường chứng khoán.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Có thể tiếp tục giằng co mạnh. Khác với những tuần trước, VN-Index có những phiên tăng vào đầu tuần nhưng lại điều chỉnh vào cuối tuần. Lực cầu bắt đáy không mạnh khiến cho nguy cơ lùi sâu trở lại.
Vùng 380 – 390 điểm tiếp tục được thử thách lần thứ tư trong vòng chưa đầy 2 tháng qua. MACD sau khi cho tín hiệu mua cách đây vài tuần đã có dấu hiệu đảo chiều và có thể cho bán trở lại vào đầu tuần sau. Nếu điều này xảy ra thì báo hiệu nguy cơ sụt giảm tiếp tục sẽ rất lớn vì MACD hoạt động khá hiệu quả trong giai đoạn gần đây.
Thanh khoản vẫn duy trì mức thấp trong phiên cuối tuần và duy trì bên dưới trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương mức 33 triệu đơn vị/phiên). Đây là điều khiến giới phân tích lo ngại và nên tiếp tục được theo dõi sát sao trong tuần tới.
Nhà đầu tư chỉ nên tiếp tục áp dụng chiến thuật bắt đáy thận trọng và hạn chế giải ngân quá nhiều (hơn 30% danh mục) vì tình hình có thể vẫn còn diễn biến phức tạp.
HNX-Index – Sẽ có kỷ lục vào tuần tới? Đà giảm điểm của HNX-Index vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Những cây nến đỏ chiếm số lượng áp đảo trong khoảng 2 tuần giao dịch gần đây. Đây có thể được coi là tín hiệu khá bi quan vì cho thấy tâm lý của giới đầu tư đang chuyển biến theo chiều hướng xấu.
Vùng 55 – 57 điểm có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn trong bối cảnh thanh khoản đang có biểu hiện rất kém. Nếu như vùng này bị phá vỡ thì xu hướng giảm điểm dài hạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Thanh khoản vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá mà lại còn giảm khá mạnh. Theo lý thuyết, khi giá giảm kèm theo khối lượng giảm thì rất dễ dẫn đến các đợt suy giảm đột ngột (thrust down).
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng nếu vùng đáy cũ lịch sử 55 – 57 điểm tiếp tục trụ vững trong tuần sau thì việc bắt đáy nhẹ có thể được xúc tiến. Tuy nhiên, cần phải mạnh dạn bán ra nếu chỉ số thủng mốc 55 điểm.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm mạnh (-0.86%) trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/09/2012, VS 100 tiếp tục đà giảm điểm của phiên giao dịch trước đó.
Khối lượng giao dịch duy trì mức trung bình. Nếu tình trạng này tiếp tục trong thời gian tới thì khả năng hồi phục là không cao.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/09/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.63, tức số mã tăng giá bằng 0.63 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.48, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.48 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá.
Chúng tôi nhận thấy EMA 5 ngày của VS-Arms HOSE mặc dù đã có giảm nhẹ nhưng hiện vẫn duy trì ở mức 1.32. Đây là mức khá cao và vẫn cho thấy ưu thế đang nghiêng về bên bán.
VS-A/D HNX trong phiên cuối tuần đạt 0.58 lần và VS-U/D HNX bằng 0.19 lần. EMA 5 ngày của VS-Arms HNX giảm khá nhiều xuống mức 3.05. Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá cao nên nguy cơ sụt giảm sâu vẫn chưa được dỡ bỏ.
VS-Arms VN ngày 28/09/2012 đạt giá trị 1.82 chứng tỏ bên bán chiếm ưu thế trong phiên này. Tuy vậy, EMA 5 ngày của VS-Arms VN đang ở mức 1.61 và cho thấy bên bán vẫn đang chiếm ưu thế trong 5 phiên gần đây, nếu tính tổng thể trên cả hai sàn.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
FFN
|