Tìm cơ hội vốn cuối năm 2012
Tại Diễn đàn “Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012”, diễn ra sáng 20/9, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng, doanh nghiệp đã cùng thảo luận biện pháp để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, kịp thời nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm 2012.
Theo TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với tình hình năm 2011 cũng như trước đây thanh khoản của hệ thống ngân hàng cho đến thời điểm này có sự cải thiện rõ rệt, lãi suất huy động, cho vay và các lãi suất chính đều giảm mạnh.
Nhưng hết tháng 8 tăng trưởng tín dụng chỉ gần 2%. Do đó, vấn đề cần quan tâm hiện nay của các doanh nghiệp chính là làm sao để sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động và nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh mới.
Theo số liệu đến ngày 30/8, tổng hợp của 69 tổ chức tín dụng, chiếm 90% thị phần tín dụng, thì dư nợ cho vay bằng VND, có mức lãi suất dưới 10% chiếm tỷ trọng 5,4%; mức lãi suất từ 10%/năm đến 13%/năm chiếm tỷ trọng 20,1%; mức lãi suất trên 13%/năm đến 15%/năm chiếm tỷ trọng 49,7%; mức lãi suất trên 15%/năm chiếm tỷ trọng 22,7%, giảm khoảng 71% so với trước ngày 15/7 và giảm thêm 1,9% so với ngày 16/8.
Phân tích từ phía ngân hàng, ông Phạm Linh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng để giải quyết vấn đề vốn, doanh nghiệp cần ưu tiên lựa chọn các đơn hàng vừa sức và cố gắng thực hiện trong thời gian sớm nhất để giảm bớt chi phí vay, liên kết doanh nghiệp, liên kết với các hiệp hội để tìm đầu ra đồng thời chủ động tìm nguồn vốn từ các đối tác nước ngoài bằng hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lại Văn Toàn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) Lạng Sơn, cho rằng do trước đây việc lạm dụng sử dụng lãi suất cao thời gian trước, có các khoản vay rủi ro dẫn đến nợ xấu lớn. Hơn nữa, các DNNVV với năng lực hiện tại khó đạt đáp ứng các yêu cầu cho vay của ngân hàng.
Trước thế tiến thoái lưỡng nan của cả doanh nghiệp và ngân hàng, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đề nghị cần có chính sách kích cầu vào năng lực mua hàng hóa, dịch vụ chứ không phải “kích” mạnh vào khu vực sản xuất nơi hàng hóa tồn đọng, mà lớn nhất hiện nay là bất động sản. Từ đó, dòng tiền dư thừa trong huy động có thể đi vào các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả thay vì loanh quanh giữa các ngân hàng và công ty tài chính.
Đồng thời, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần tăng cường kết nối, chặt chẽ hơn nữa để giảm bớt những quy định cứng về điều kiện vay tín dụng.
Theo TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng cần làm tốt công tác dự báo tín dụng đến cuối năm để cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng theo quy định. Đồng thời, cần chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng để rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, cùng doanh nghiệp bàn bạc, xử lý các vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Huy Thắng
Chính phủ
|