Thực hư về tàu sân bay Trung Quốc
Dù đã được bàn giao cho hải quân Trung Quốc, nhưng tàu sân bay đầu tiên của nước này (có tên Liêu Ninh) vẫn còn nhiều hạn chế.
Suốt vài ngày qua, truyền thông Trung Quốc không ngừng ca tụng tàu Liêu Ninh sẽ giúp tăng cường sức mạnh của hải quân nước này. Quả thực, việc sở hữu hàng không mẫu hạm đầu tiên là dấu ấn quan trọng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, năng lực tác chiến thực tế của tàu Liêu Ninh lại là một vấn đề khác.
Chắp vá
Thuộc lớp Varyag và được mua lại từ Ukraine hồi năm 1998, chiếc Liêu Ninh khi đó quả thực là một “xác rỗng” đúng nghĩa vì chẳng có động cơ, radar hay bất cứ loại vũ khí nào, theo Tân Văn xã. Đến năm 2002, tàu về đến Trung Quốc và neo tại cảng Đại Liên thuộc thành phố Liêu Ninh. Sau đó, Bắc Kinh tỏ ra rất bí mật về hàng không mẫu hạm này, trong khi nhiều nguồn tin khẳng định Trung Quốc đang tìm mua động cơ từ Ukraine. Tuy nhiên, dường như mọi nỗ lực có vẻ như bế tắc nên Bắc Kinh phải chắp vá bằng cách cải tạo động cơ tàu hàng với tốc độ tối đa chưa đến 20 hải lý/giờ (37 km/giờ), theo tờ The Dong-a Ilbo.
Tàu Liêu Ninh mà hải quân Trung Quốc vừa được bàn giao - Ảnh: China.org.cn
|
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng phải tự thân vận động để trang bị vũ khí cho tàu Liêu Ninh. Theo chuyên trang công nghệ hải quân Naval Technology, hàng không mẫu hạm này sở hữu các loại khí tài cơ bản như tên lửa đối không, pháo cận chiến cùng hệ thống radar. Thế nhưng, hiệu quả kết hợp của các vũ khí trên với hệ thống định vị và thiết bị điện tử vẫn đáng ngờ vì đây là điểm yếu lớn nhất mà công nghệ hải quân Trung Quốc chưa giải quyết được.
Với một hệ thống vũ khí như vậy, khả năng phòng thủ của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tất nhiên phải lệ thuộc vào các tàu bảo vệ. Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo tiết lộ khu trục hạm lớp 052D, mà Trung Quốc đang phát triển, sẽ đảm trách nhiệm vụ hộ tống tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, bản thân tàu khu trục lớp 052D cũng bị nghi ngờ là vẫn chưa khắc phục được nhược điểm thiếu đồng bộ khi vận hành tác chiến cùng hệ thống điện tử liên lạc, định vị. Như vậy, chưa ghi nhận bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng hình thành một hạm đội tàu sân bay thực thụ.
Thiếu hàng
Quan trọng hơn, Bắc Kinh cũng chưa sở hữu loại chiến đấu cơ phù hợp để sử dụng cho hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Theo RIA - Novosti, rút kinh nghiệm từng bị Bắc Kinh mua vài chiếc rồi sao chép, Nga đã thẳng thừng từ chối việc Trung Quốc đặt mua 2 chiếc chiến đấu cơ Su-33 Flanker-D, chuyên dùng trên tàu sân bay, để “bay thử”. Vì thế, Trung Quốc lại phải loay hoay tự phát triển chiến đấu cơ J-15 triển khai trên hàng không mẫu hạm.
Trong khi đó, RIA - Novosti dẫn lời giới chức quốc phòng Nga khẳng định sản phẩm chắp vá như J-15 khó sánh nổi với Su-33. Tờ The Chosun Ilbo dẫn nguồn tin quốc phòng nhận định loại chiến đấu cơ này có tầm bay khoảng 800 km. Tất nhiên, khi mang theo vũ khí thì tầm tác chiến sẽ bị giảm đi. Ngoài ra, J-15 cũng chưa được xếp vào nhóm chiến đấu cơ tàng hình tối tân đủ sức xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại mà nhiều nước sở hữu. Đồng thời, phải chờ đến năm 2016 J-15 mới có thể được trang bị thực sự cho hải quân. Khi được trang bị máy bay phù hợp, Trung Quốc còn phải cần rất nhiều thời gian để thực nghiệm cất và hạ cánh trên hàng không mẫu hạm.
Theo báo The Diplomat, một đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi cuối năm ngoái không bình luận tin đồn nước này bị Nga từ chối cung cấp cáp chằng hãm máy bay trên hàng không mẫu hạm. Lúc bấy giờ, vị đại diện ngoại giao tuyên bố Bắc Kinh sẽ “tự lực cánh sinh”. Trong khi đó, giới thạo tin quân sự lại khẳng định Trung Quốc đã tìm mua dây cáp chằng cũ từ Ukraine để sao chép. Theo hình ảnh do truyền thông Trung Quốc đưa ra gần đây, tàu Liêu Ninh đã được trang bị cáp chằng hãm máy bay. Tuy nhiên, chất lượng thực sự của sản phẩm sao chép này thực hư ra sao cũng chưa rõ. Khi chưa sở hữu đúng loại máy bay cần thiết thì chất lượng của thiết bị này cũng khó được kiểm nghiệm.
Với tất cả những yếu tố trên, việc sở hữu tàu Liêu Ninh đối với Trung Quốc thực tế chỉ mới là bước đi mày mò để vận hành hàng không mẫu hạm.
Ngô Minh Trí
Thanh Niên
|