Thủ tướng Đức kêu gọi tìm giải pháp giúp Hy Lạp
Theo báo "Tấm gương" Đức, Thủ tướng nước này Angela Merkel vừa kêu gọi tìm kiếm
giải pháp giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ bị "trục xuất" ra khỏi Khu vực đồng
tiền chung euro vào mùa Thu tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP)
|
Tờ báo cho biết bà Angela Merkel đã nói với giới thân cận rằng "Chúng ta
phải tìm kiếm giải pháp cho Hy Lạp," đồng thời tiết lộ người đứng đầu Chính phủ
Đức và các cố vấn của bà lo ngại việc Hy Lạp rút khỏi Khu vực đồng euro sẽ gây
"hiệu ứng domino," tương tự những gì đã xảy ra sau khi Ngân hàng đầu tư Lehman
Brothers của Mỹ phá sản năm 2008.
Cũng theo báo này, bà Angela Merkel né tránh gói cứu trợ thứ ba dành cho
Athen do lo ngại Quốc hội Đức không thông qua kế hoạch này, song khẳng định sẵn
sàng chấp nhận gói cứu trợ hiện nay bằng cách tăng các phần giải ngân sắp tới và
giảm bớt các phần giải ngân về sau trong gói cứu trợ này.
Bà Angela Merkel đưa ra lời kêu gọi trên trong bối cảnh phái đoàn
kiểm toán gồm các đại diện thuộc "bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp - Ủy ban châu
Âu (EC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - có
cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras để nghe báo cáo về kết
quả cải cách và cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp trước khi quyết định có giải ngân
phần cứu trợ trị giá 31,5 tỷ euro (39,9 tỷ USD) giúp nước này thoát khỏi nguy cơ
vỡ nợ công vào mùa Thu này hay không.
Nếu vỡ nợ công, Hy Lạp sẽ phải rút khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Theo ước tính của bà Angela Merkel , sự "ra đi" của Hy Lạp sẽ khiến Đức thiệt
hại 62 tỷ euro (79 tỷ USD) và chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về chính trị.
Ngày 8/9, hơn 12.000 người đã tuần hành tại thành phố Thêsalôniki
(Thessaloniki, Hy Lạp), nơi diễn ra hội chợ quốc tế hàng năm, để phản đối các
biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Athen sẽ thực hiện để nhận được khoản cứu trợ
tiếp theo từ Liên minh châu Âu (EU) và IMF.
Những người biểu tình giương cao biểu ngữ nói rõ người dân Hy Lạp không
thể chấp nhận thêm các biện pháp khắc khổ và cảnh báo Thủ tướng Antonis Samaras
có thể "dẫn đất nước đến thảm họa."
Các nghiệp đoàn chính và các đảng đối lập cũng tham gia biểu tình. Sau các
cuộc biểu tình chính, khoảng một nghìn người đã đụng độ với cảnh sát ở trung tâm
thành phố, buộc lực lượng an ninh phải dùng vòi rồng và lựu đạn gây mê để giải
tán đám đông quá khích.
Tại Đức, khoảng 700 người cùng ngày 8/9 cũng đã tuần hành tại thành phố
Karlsruhe, nơi đóng trụ sở Tòa án Hiến pháp Đức, kêu gọi tòa án này bác bỏ quỹ
cứu trợ mới của Khu vực đồng euro mang tên Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Người
biểu tình kêu gọi Tòa án Hiến pháp thừa nhận ESM vi phạm quyền thông qua ngân
sách của Quốc hội Đức, kêu gọi chấm dứt lạm phát và khủng hoảng nợ trong EU.
ESM sẽ thay thế quỹ cứu trợ ngắn hạn mang tên Cơ chế Bình ổn Tài chính
châu Âu (EFSF) hết hiệu lực từ tháng Bảy vừa qua và sẽ dựng lên "bức tường lửa"
trị giá 700 tỷ euro (896 tỷ USD) để ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng trong
Khu vực đồng euro.
Theo kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Reuters công bố ngày 7/9, một số
chuyên gia pháp lý dự đoán Tòa án Hiến pháp Đức ngày 12/9 tới sẽ bác đề xuất về
phản đối ESM. Trong trường hợp tòa án tối cao Đức ủng hộ đề xuất này, phán quyết
của tòa sẽ tác động mạnh tới các thị trường chứng khoán và tiền tệ, đẩy Khu vực
đồng euro lún sâu vào tình trạng hỗn loạn.
Vietnam+
|