Thứ Ba, 18/09/2012 06:09

Sốt vàng: Dân xót ruột, nhà buôn ấm lòng

Nhìn biểu đồ vàng thế giới trong 1 tuần trở lại đây, nếu ai chưa có vàng trong két quả rất sốt ruột. Vàng tiến nghĩa là tiền của họ thụt lùi. Nhưng nhìn biểu đồ vàng trong nước, người Việt còn sốt ruột hơn.

Người vui kẻ buồn

Biểu đồ giá vàng trong một tháng trở lại đây, đặc biệt là trong tuần qua, biến động chủ yếu theo hướng đi lên. Giá vàng nhìn chung tăng khá, có ngày tăng tới 1 triệu đồng/lượng. Với những ai mua vàng từ mức lình xình quanh ngưỡng 42 triệu đồng/lượng cách đây chưa đầy một tháng, tới giờ họ đã lãi hơn 4 triệu đồng/lượng.

Đó rõ ràng là một mức lãi đầy hấp dẫn trong bối cảnh các mặt trận tài chính khác, từ chứng khoán, bất động sản, lãi tiết kiệm cho tới USD, đều không mang lại niềm vui đáng kể nào cho giới đầu tư tài sản.

Tuy nhiên, cửa lãi của nhà đầu tư vàng khá hẹp. Nếu vàng tăng thật đột biến hoặc tăng không quá nhiều nhưng kéo dài gần 1 tháng như vừa qua thì họ mới có cơ thu lãi. Còn nếu chỉ biến động trong thời gian ngắn, họ rất khó kiếm tiền.

Chẳng hạn tuần tăng nóng vừa qua của giá vàng. Phiên 10/9, giá vàng bán ra ở các cửa hàng SJC là 46,22 triệu đồng/lượng. Nếu mua lúc đó, tới ngày 17/9, họ chỉ bán ra được ở mức 46,48 triệu đồng/lượng. Sau một tuần tăng nóng, tiền lãi thu về chỉ là 260.000 đồng/lượng. Số tiền lãi đó so với chi phí đầu tư bỏ ra như vậy là không đáng kể.

Đó là còn mua bán trong một tuần tăng nóng. Còn trong những tuần tăng nhẹ, họ hầu như không lãi. Nếu vàng ít biến động hoặc giảm, họ sẽ lỗ. Đó là với điều kiện, mua xong vàng, người dân phải biết cẩn thận mà giữ gìn, không để cong vênh, không để tróc sứt bao bì bên ngoài. Hễ cong vênh, sét vỏ, lập tức giá bán ra sẽ thấp hơn, thậm chí bán không được doanh nghiệp vàng làm ra nó mua lại.

Trong cùng thời gian đó, dân chơi vàng trên thế giới đang tận hưởng những ngày nắng ấm với túi tiền dày lên trông thấy nhờ cơn sốt vàng này. Nhiều người trong số này đã lường trước được đợt tăng lần này, trước khi Fed công bố gói QE3. Họ đã đúng và phần thưởng cho sự tính toán đó là những đồng tiền lấp lánh từ giao dịch vàng.

Chênh lệch mua vào - bán ra luôn rộng và đều.

Người dân mua vàng ở Việt Nam, không ít người cũng tính toán được như vậy. Họ tính toán được thông tin về Fed, về nợ công châu Âu và tình hình lao động Mỹ rất rành. Nhưng phần thưởng cho họ không được như các đồng nghiệp ở trời Tây.

Sao dân chơi vàng Việt Nam lại khó lãi như vậy, dù là người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này? Câu trả lời này không ai rõ hơn người đang chơi ván bài vàng với họ, các doanh nghiệp vàng.

Lịch sử biến động thị trường vàng Việt Nam cho thấy, các DN vàng, các ông chủ đầu cơ vàng và các ngân hàng luôn là người chiến thắng. HỌ nắm đầu mối, được quyền định giá trong mọi trường hợp.

Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là trong cơn sốt vàng lên đến 49 triệu trong năm 2011, có ông chủ vàng vừa mới tự hào mình là người đặt giá vàng cho thị trường, tư vấn cho Ngân hàng Nhà nước để khắc chế làm giá vàng. Nhưng thực tế, giá vàng của DN của ông định ra luôn cao hơn thế giới 3 - 4 triệu đồng.

Và với các quyền nhà cái của mình, DN sẵn sàng sáng tăng, trưa giảm, chiều lại tăng... khiến cho người dân chạy theo mệt mỏi và thực tế cho thấy luôn là người thua lỗ trong ma trận giá của các DN bày ra. Thế mới thấy, chơi vàng vui chả mấy chốc mà buồn cũng vô vàn bởi nhà đầu tư không thể qua nổi các ông chủ và DN kinh doanh vàng.

Giá trị của độc quyền

Sở dĩ người dân mua vàng lãi không đáng kể mà lỗ thì rất ra trò khi mua bán vàng thường xuyên là vì vấn đề chênh lệch giá mua vào bán ra.

Khách hàng chỉ có 1 lựa chọn: họ phải mua vào và bán ra theo mức giá do doanh nghiệp vàng ấn định. Lấy trường hợp SJC, với vị thế chi phối đối với vàng miếng, SJC toàn quyền công bố giá mua vào bán ra. SJC chiếm tới hơn 90% thị trường vàng miếng, các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn rất nhiều tất nhiên phải đề giá dựa trên mốc mà SJC đã đưa ra. Dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận giá của SJC.

Ở chiều ngược lại, SJC có muôn vàn lựa chọn. Trong những ngày vàng lặng sóng, họ vẫn thu lãi đều đặn nhờ chênh lệch giá mua vào bán ra. Trong những ngày vàng tăng mạnh, họ cũng giữ chênh lệch đó, hoặc chủ động nới rộng chênh lệch để đề phòng vàng lên xuống thất thường. Đặc biệt, trong những ngày vàng giảm mạnh, khoảng chênh lệch trên cũng thường được nới rộng, đảm bảo an toàn tối đa cho doanh nghiệp. Người bán vàng trong những ngày ảm đạm luôn mang trong lòng nỗi tiếc nuối, đúng hơn là tiếc của do thiệt hại lớn. Còn doanh nghiệp vàng, trong bất cứ trường hợp nào, họ vẫn thu lãi đều, dù vàng có giảm mấy đi nữa.

Nhưng cái lãi lớn của vàng trong nước không dừng lại ở đó. Giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới 1-2 triệu đồng/lượng là chuyện nói hoài nhưng không ai sửa. Sửa làm gì khi điều đó không bị ai quy kết tội trạng mà lại góp phần đáng kể giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng lãi đậm.

Các khách hàng phàn nàn, kêu ca? Mặc, bởi một khi vàng gần như độc quyền, khách hàng đương nhiên không phải là thượng đế...

Để chấm dứt những bất ổn trên thị trường vàng, trong đó có việc liên thông thị trường trong nước với thế giới, xóa bỏ khoảng cách giá và hội chứng làm giá trên thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước trong hơn một năm qua đã có nhiều chính sách về thị trường vàng. Theo đó, vàng miếng sẽ do Nhà nước độc quyền. Các hoạt động huy động và cho vay vàng của ngân hàng chấm dứt; xây dựng một đề án huy động vàng trong dân...

Rất nhiều chính sách được đưa ra và bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, qua cơn sốt vàng vừa qua cho thấy, những căn bệnh cũ của vàng vẫn còn tái diễn. Có lẽ phải cần thêm thời gian và những chính sách khác siết chặt hơn mới có thể chấn chỉnh được thị trường vàng. Còn như hiện nay, e rằng mới chỉ phân lập được vàng và ngoại tệ không tác động lẫn nhau. Còn rất nhiều vấn đề khác mà chính sách dường như vẫn còn bất lực.

Nhật Vy

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Phó Thống đốc: NHNN đang triển khai nhiều biện pháp ổn định thị trường vàng (17/09/2012)

>   Vàng trong nước giảm 150.000 đồng/lượng (17/09/2012)

>   Xuất hiện vàng nhái SJC (17/09/2012)

>   Im lặng không phải là... vàng (17/09/2012)

>   Giá vàng sẽ tiếp tục bứt phá? (16/09/2012)

>   Chuyên gia: Chưa nên ngừng huy động vàng (16/09/2012)

>   Lệch giá vàng quá lớn, cần thận trọng (15/09/2012)

>   Giá vàng xuống sát 47 triệu đồng (15/09/2012)

>   Vàng chẳng biết sợ "chính sách"? (15/09/2012)

>   Vàng giữ vững trên 1,770 USD/oz nhờ dư âm QE3 (15/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật