SBS: 14/09 GDKHQ góp ý kiến phát hành tăng vốn
CTCP Chứng Khoán NH Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SBS) thông báo ngày 14/09 giao dịch không hưởng quyền lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tái cấu trúc và phát hành tăng vốn điều lệ của công ty.
SBS dự kiến thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn để đảm bảo 2 mục tiêu: (1) Khôi phục vốn điều lệ ở mức cao hơn vốn pháp định cần thiết; và (2) đảm bảo chỉ tiêu vốn khả dụng theo quy định hiện hành.
Việc tái cấu trúc nguồn vốn dự kiến của công ty sẽ được thực hiện theo hướng sau:
Bước 1: Chuyển đổi trái phiếu
Đề nghị trái chủ thực hiện việc chuyển đổi 800 tỷ trái phiếu thành vốn cổ phần, theo tỷ lệ 1:1 để tăng cường vốn chủ sở hữu cho Sacombank-SBS;
Bước 2: Giảm vốn và phát hành cổ phiếu mới
Trình xin ý kiến của cổ đông về việc gộp cổ phiếu theo một tỷ lệ thích hợp (dự kiến là 3.8:1) để đưa giá trị thực của cổ phiếu về bằng giá trị sổ sách và phát hành cổ phiếu mới để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ vốn khả dụng.
Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tái cấu trúc nguồn vốn, đại diện SBS cho biết, công ty sẽ thực hiện các giải pháp tái cấu trúc về tổ chức, vận hành và định hướng lại hoạt động kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu của đã đề ra. Kế hoạch tái cấu trúc của SBS sẽ được HĐQT và Ban Điều hành xem xét cẩn trọng để đưa ra các giải pháp tốt nhất cho cổ đông và cho Công ty trong bối cảnh hiện tại.
Được biết, UBCKNN đã đưa cổ phiếu SBS vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 29/8/2012 đến ngày 28/2/2013.
Theo Báo cáo soát xét đặc biệt của Ernst & Young, tính đến 30/06/2012, lượng tiền và tương đương tiền của SBS có 878.4 tỷ đồng, tăng 97.73% so với cuối năm 2011. Trong khi đó, tổng tài sản của công ty chỉ còn 1,480 tỷ đồng, giảm 2,180 tỷ đồng so với cuối năm 2011.
Vốn chủ sở hữu đã âm 256 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến thời điểm 30/06/2012 là 1,772 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với mức lỗ 764 tỷ đồng hồi cuối năm 2011. Khoản lỗ này phát sinh chủ yếu do việc trích lập dự phòng bổ sung cho danh mục đầu tư và khoản phải thu trong các năm 2010 và 2011. Nguyên nhân chủ yếu là nhận định sai lầm về xu hướng phục hồi của thị trường chứng khoán, danh mục đầu tư tài chính được duy trì tương đối lớn trong khi giá cổ phiếu liên tục biến động giảm, cơ chế giám sát yếu kém và sự buông lỏng kiểm soát rủi ro của Ban lãnh đạo SBS trước đây.
Minh Hằng (Vietstock)
FFN
|