Thứ Năm, 27/09/2012 13:21

REE: Toàn cảnh về hoạt động đầu tư tài chính

Với nguồn tiền dồi dào, REE có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian tới và những cổ phiếu nằm trong các ngành mà REE đang theo đuổi nhiều khả năng sẽ hưởng lợi.

Hiện REE vẫn đang tập trung hoạt động trong 4 lĩnh vực chính là: M&E, Kinh doanh các sản phẩm Reetech, Bất động sản (chủ yếu là cho thuê văn phòng) và Đầu tư tài chính.

Trong đó, mảng đầu tư tài chính đang thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư khi REE liên tục mở rộng hoạt động và trở thành cổ đông lớn ở nhiều công ty.

Đầu tư tài chính chiếm 57% Tổng tài sản

Tổng giá trị đầu tư tài chính tại cuối tháng 6/2012 của REE lên tới 3,018 tỷ đồng, chiếm hơn 57% tổng tài sản; sau khi trừ dự phòng thì tổng giá trị đầu tư tài chính 2,687 tỷ đồng, chiếm 50.5% tổng tài sản. Có thể thấy đầu tư tài chính đang dần trở thành trọng tâm trong hoạt động của REE, bên cạnh các mảng kinh doanh hiện tại.

(1) Đầu tư ngắn hạn tính đến cuối quý 2/2012 của REE là 873 tỷ đồng gồm:

· Chứng khoán giao dịch gần 440 tỷ đồng, giảm mạnh so con số 872 tỷ đồng cuối năm 2011, chủ yếu do REE thoái vốn khoản đầu tư vào STB.

· Ủy thác đầu tư 89 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 55 tỷ đồng vào cuối năm 2011 và không có thuyết minh chi tiết.

· Tiền gửi có kỳ hạn hơn 344 tỷ đồng, tăng mạnh 2.78 lần so với cuối năm 2011, chủ yếu đến từ khoản tiền thoái vốn cổ phiếu STB.

· Số dự phòng cho giảm giá đầu tư ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 2/2012 là 257 tỷ đồng. Xem thêm bên dưới về khả năng phải trích lập bổ sung dự phòng.

Danh mục chứng khoán đầu tư ngắn hạn (chứng khoán giao dịch) của REE cuối quý 2/2012 bao gồm:

· Cổ phiếu ACB với hơn 5 triệu đơn vị, giá trị gần 291 tỷ đồng. Tuy vậy, REE đã bán toàn bộ số cổ phiếu ACB này trong tháng 8 và kết quả sẽ được ghi nhận trong BCTC quý 3/2012. Đợt thoái vốn này chắc chắn sẽ không mang lại lợi nhuận khi giá vốn mua vào thời gian trước đây là khoảng 58,000 đồng/cổ phiếu.

· Các khoản đầu tư khác trị giá gần 149 tỷ đồng và không có thuyết minh chi tiết.

(2) Đầu tư dài hạn tính đến cuối quý 2/2012 là 2,145 tỷ đồng, trong đó bao gồm: đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh 1,196 tỷ đồng, và đầu tư dài hạn khác 949 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, nước và phát triển cơ sở hạ tầng, kể cả khoản đầu tư dài hạn khác. Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn đến cuối quý 2/2012 là 74 tỷ đồng, trong khi đến cuối năm 2011 không hề trích lập dự phòng giảm giá.

Tính tới thời điểm hiện tại (19/09) thì việc đầu tư của REE ở một số cổ phiếu tính theo giá mua vào đang gặp bất lợi:

Xét về mặt hạch toán thì các khoản đầu tư của REE tính đến cuối quý 2/2012 cũng đang lỗ khi giá trị sổ sách của Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) đang là 17,342 đồng/cp; Thác Mơ (TMP) 11,337 đồng/cp và Thác Bà (TBC) 12,325 đồng/cp và đều thấp hơn giá mua vào.

Chuyển dịch sang lĩnh vực năng lượng

Trong thời gian gần đây, cơ cấu đầu tư của REE có sự chuyển dịch mạnh khi thoái vốn khỏi đầu tư tài chính và tập trung đầu tư công ty có liên quan đến lĩnh vực điện, năng lượng.

Tính đến đầu tháng 9/2012, REE đã thoái vốn hoàn toàn khỏi STB và ACB, trong khi trở thành cổ đông lớn của một số công ty ngành: Than như NBC (5.14% vốn cổ phần), TDN (8.14%); Nhiệt điện với PPC (trên 5%), NPB (28.5%); Thủy điện có TMP (35.5%), TBC (24%).

Việc REE đẩy mạnh mảng hoạt động đầu tư tập trung vào những lĩnh vực như điện, năng lượng, nước, cơ sở hạ tầng có thể xuất phát từ:

(1) Các mảng hoạt động chính đối mặt với khó khăn

Mảng hoạt đông M&E: Triển vọng phát triển của ngành M&E là khá sáng sủa, khi tốc độ đô thị hóa vẫn đang tăng cao, ngành công nghiệp và xây dựng đang phát triển nhanh, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm giúp REE có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. REE là nhà thầu cơ điện có uy tín hàng đầu tại thị trường Việt Nam với thị phần khoảng 30%. Tuy vậy, REE có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình thị trường bất động sản đang đóng băng dài hạn.

Sản phẩm Reetech đang gặp áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhãn hiệu nước ngoài.

Cho thuê bất động sản khó có khả năng tăng trưởng: Hiện REE vẫn khá thành công trong mảng hoạt động này khi tỷ lệ lấp đầy các tòa nhà khá cao từ 80-90%, nhờ vào lợi thế đã triển khai kinh doanh từ trước thời điểm thị trường khó khăn và có mức giá thuê hợp lý. Tuy nhiên, duy trì mức tăng trưởng từ mảng hoạt động này trong thời gian tới sẽ khó khăn khi thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

(2) Ưu tiên dòng tiền ổn định và giảm bớt rủi ro. Việc REE thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính có lẽ nhằm giảm bớt rủi ro khi đây là lĩnh vực khá nhạy cảm với khủng hoảng.

Trong khi đó, những lĩnh vực đang theo đuổi được coi là khá an toàn trong bối cảnh hiện nay. Đây đều là những ngành thiết yếu và giúp tạo ra nguồn thu ổn định.

Mặc dù vậy, REE vẫn sẽ gặp phải những khó khăn khi ngành Than, Điện đang chịu sự chi phối khá lớn từ tập đoàn TKV và EVN.

Hiện tại, các cổ phiếu ngành than đang gặp thuận lợi khi Bộ Công thương đang trình Chính phủ đề xuất giảm thuế xuất khẩu cũng như tăng giá bán. Trong khi đó, PPC đang có chút bất lợi do ảnh hưởng từ việc FTSE Vietnam Index loại bỏ cổ phiếu này ra khỏi rổ chỉ số.

Rủi ro về trích lập dự phòng tài chính vẫn có khả năng xảy ra. Do không có thông tin chính xác về thời điểm mua vào nên khó xác định được khả năng dự phòng tài chính có thể phát sinh đối với các khoản đầu tư mới của REE trong thời gian qua.

Nguồn lực giúp REE có thể tập trung mạnh vào mảng đầu tư?

(1) Lợi nhuận hoạt động ổn định, giúp tạo nguồn tiền để REE có thể mạnh dạn đầu tư. Mặc dù tình hình khó khăn nhưng 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu thuần của REE đạt 1,183.7 tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2012 đạt 531 tỷ đồng, tăng mạnh 2.51 lần so với cùng kỳ; chủ yếu nhờ đóng góp từ lợi nhuận tài chính phát sinh trong kỳ là 325 tỷ đồng (chủ yếu đến từ việc thoái vốn STB). Hoạt động chính đóng góp vào lợi nhuận trước thuế 206 tỷ đồng, tăng 8.6% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2012 của REE đạt 411 tỷ đồng.

(2) Lượng tiền thu được từ việc thoái vốn STB và ACB cùng với tiền mặt dồi dào cuối quý 2/2012 là 425 tỷ đồng giúp mang lại nguồn tiền lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu hoạt động đầu tư.

(3) Nợ phải trả lãi vay chỉ chiếm 5.9% trong tổng nguồn vốn. Do đó, REE không chịu quá nhiều áp lực từ chi phí lãi vay và nợ gốc, giúp có thể mạnh dạn đầu tư.

Với nguồn tiền dồi dào, REE có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian tới và những cổ phiếu nằm trong các ngành mà REE đang theo đuổi nhiều khả năng sẽ hưởng lợi.

Duy Nam (Vietstock)

ffn

Các tin tức khác

>   REE chưa đòi được 17,8 tỷ đồng từ nhà thầu Trung Quốc (27/09/2012)

>   PTL: Khách hàng "bao vây” chủ đầu tư đòi căn hộ (27/09/2012)

>   SBS: BCTC hợp nhất quý 2 và BCTC bán niên hợp nhất (26/09/2012)

>   ACB có số dư với 6 cty được kiểm soát bởi Bầu Kiên (26/09/2012)

>   LIX: Giải trình ý kiến của kiểm toán về chi phí tiền lương thực tế (26/09/2012)

>   PVR: Báo cáo tài chính quý 2/2012 (26/09/2012)

>   TDH: Sau soát xét, lãi ròng công ty mẹ tăng gần gấp đôi (26/09/2012)

>   CLG: Giải trình ý kiến BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2012 (26/09/2012)

>   CLG: Giải trình lợi nhuận sau soát xét giảm hơn 52% (26/09/2012)

>   DIC sáp nhập 3 đơn vị sản xuất ngói màu (27/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật