Thứ Ba, 04/09/2012 13:51

Niêm yết sàn ngoại: Chuông rè tắt tiếng xứ người

Cách đây 5 - 7 năm, một loạt các thương hiệu hàng đầu Việt Nam đánh tiếng thực hiện kế hoạch huy động vốn quốc tế bằng con đường niêm yết sàn ngoại. Tuy nhiên, đến nay, số lượng cổ phiếu, trái phiếu “xuất khẩu” được thành công mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hoàng Anh Gia Lai: Tàu sớm hồi hương

Từng là một trong những cổ phiếu dẫn dắt VN-Index nhưng ngay cả đơn vị tư vấn Credit Suisse Singapore cũng khuyên Hoàng Anh Gia Lai nên sớm bỏ cuộc chơi tại sàn SGX của Singapore.

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thông báo từ trung tuần tháng 8 hủy niêm yết toàn bộ trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX). Mặc dù theo kế hoạch ban đầu, lượng trái phiếu trị giá 90 triệu USD của HAGL đến tận năm 2016 mới chính thức đáo hạn. Bất ngờ là chỉ sau 15 tháng ngắn ngủi du ký trên sàn ngoại, HAGL chấp nhận sớm dừng cuộc chơi.

Theo ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAGL, có hai lý do chính dẫn đến việc trái phiếu hủy niêm yết tại SGX: Thứ nhất, lượng trái chủ nắm giữ trái phiếu không nhiều nên việc tiếp tục niêm yết không thực sự cần thiết. Thứ hai, việc hủy niêm yết sẽ giúp HAGL tiết kiệm được chi phí thường niên duy trì việc niêm yết.

Đề cập sâu hơn về vấn đề này, ông Võ Trường Sơn Phó tổng giám đốc Phụ trách vấn đề tài chính của HAGL cho biết, trái phiếu của HAGL phát hành đầu năm 2011. Số tiền được đầu tư cho các dự án thủy điện và cao su.

Theo kế hoạch ban đầu, HAGL kỳ vọng thu về 200 triệu USD. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế thế giới không thuận lợi, đặc biệt là do ảnh hưởng của sự kiện sóng thần tại Nhật Bản, nên lượng trái phiếu phát hành thành công chỉ tương ứng với 45% kỳ vọng ban đầu.

Dù vậy, thực hiện theo cam kết, HAGL vẫn đem trái phiếu niêm yết trên SGX. Thế nhưng, sau thời gian lên sàn, thanh khoản của trái phiếu không cao. Sau khi hội ý với đơn vị tư vấn là Credit Suisse Singapore Ltd., HAGL đi đến quyết định xin hủy niêm yết.

Việc trái phiếu của HAGL xuất ngoại được quan tâm bao nhiêu thì việc hủy niêm yết cũng được đem ra mổ xẻ kỹ càng bấy nhiêu. Bình luận về vấn đề này, ông Trịnh Thanh Cần, Giám đốc Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty Chứng khoán TP.HCM, đánh giá:

“Nhiều khả năng trái chủ nắm giữ trái phiếu của HAGL là các khách hàng lớn của Credit Suisse. Vì vậy, khi định chế tài chính này đã tư vấn cho HAGL phát hành trái phiếu và niêm yết tại SGX thì họ cũng có thể đứng ra làm trung gian môi giới chuyển nhượng trái phiếu. Khi trái phiếu của HAGL có thanh khoản thấp, việc tiếp tục niêm yết không thật sự cần thiết”.

Một lãnh đạo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đưa ra cách lý giải khác. Theo đó, HAGL phải trả cho người nắm giữ trái phiếu trái tức 9,875%/năm - chi phí vốn không hề thấp khi lãi suất cho vay USD tại nhiều nước phát triển nằm trong khoảng từ 4 - 5%/năm.

Theo vị này, định mức tín nhiệm của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến mức trái tức. Công ty càng được các tổ chức tín nhiệm quốc tế đánh giá cao bao nhiêu thì giới đầu tư quốc tế nhìn nhận độ rủi ro của các công cụ nợ thấp bấy nhiêu. Vì vậy, độ rủi ro và trái tức luôn tương quan tỷ lệ thuận cùng chiều. Rủi ro cao thì trái tức cao và ngược lại.

Trở lại trường hợp của HAGL, dù đã đầu tư mạnh mẽ và lấn sân sang nhiều lĩnh vực mới như khai thác mỏ, trồng cây cao su, mía đường, thủy điện nhưng trong năm 2012, nguồn thu chính vẫn phụ thuộc vào bất động sản. Với tình hình thị trường nhà đất trầm lắng, HAGL đối diện với rủi ro mất cân đối về dòng tiền.

Gần đây, các hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới như Standard & Poor’s (S&P), Fitch đồng loạt lên tiếng và cảnh báo vấn đề này. Giới đầu tư quốc tế vì vậy buộc phải cẩn trọng với trái phiếu HAGL phát hành. Không giành được sự quan tâm thực sự nên trái phiếu của HAGL ít có giao dịch. Niêm yết trên sàn ngoại nhưng không đạt được mục đích thanh khoản, HAGL chọn hướng hủy niêm yết là tất yếu.

Cần nhắc lại là vào tháng 7 vừa qua, S&P hạ bậc tín nhiệm của HAGL khi cho rằng hoạt động kinh doanh của Công ty dễ bị tổn thương trước các rủi ro tài chính: HAGL mở rộng hoạt động sang trồng cây cao su và các dự án thủy điện khiến chi phí vốn tăng vọt song chưa có nguồn thu. Sự chậm trễ trong việc xin giấy phép khởi động các mỏ khai thác quặng sắt ở Lào và Campuchia cũng khiến rủi ro trong đầu tư của HAGL tăng lên.

Trước đó vào, đầu tháng 3 năm nay, tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch cũng đã điều chỉnh triển vọng tín nhiệm của HAGL từ mức ổn định xuống tiêu cực. Phản ứng trước các nhận định này, phía HAGL cho rằng các hãng xếp hạng tín nhiệm không cập nhật và theo sát tình hình tài chính của Công ty.

Tuy nhiên, báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố cho thấy 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận thuần của HAGL giảm tới 72% so với cùng kỳ. Một nửa niên độ tài chính đã trôi qua nhưng HAGL mới hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Lòng tong vượt nổi vũ môn?

Đích đến các sàn giao dịch quốc tế như London, Luxembourg, Singapore hoặc Hàn Quốc còn quá xa vời với các cổ phiếu mang tên Việt Nam Khi các công cụ nợ của các công ty nội địa hàng đầu khó xuất hành thì cửa cho cổ phiếu Việt Nam xuất ngoại càng chưa thông.

Đơn giản như trường hợp của Vinamilk. Đề cập đến việc đem cổ phiếu xuất ngoại từ năm 2005 đến tận năm 2008, Vinamilk mới được SGX chấp nhận về mặt nguyên tắc. Thực tế trong năm 2009, Vinamilk đã giới hạn “room” sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 46% thay vì 49% như thường lệ. Phần chênh lệch dự kiến đem IPO tại SGX.

Thế nhưng, cách đây một năm, Vinamilk xin hủy bỏ kế hoạch này, thay thế bằng cách phát hành riêng lẻ cổ phiếu ngay tại thị trường nội địa cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế đợt phát hành này khá thành công khi các quỹ đầu tư chấp nhận móc hầu bao trả cho cổ phiếu sữa gần 130.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 30% so với thị giá Vinamilk trên sàn.

Công ty Chứng khoán Bản Việt, đơn vị tư vấn cho Vinamilk, giải thích cầu ngoại của Vinamilk lớn đến mức Công ty cảm thấy không cần xuất ngoại, cổ phiếu Vinamilk vẫn bán chạy như tôm tươi.

Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận đây là nước cờ khôn ngoan của “nữ tướng” Mai Kiều Liên: nếu đem 3% cổ phiếu của Vinamilk xuất ngoại thì chi phí cũng không hề thấp, trong khi khối lượng quá nhỏ để Vinamilk được các định chế tài chính lớn quan tâm thực sự, đạt được mục tiêu quản bá thương hiệu.

Niêm yết tại SGX, Vinamilk không dễ vượt qua một loạt các rào cản: chuẩn mực kế toán khác biệt giữa hai sàn, quy chế công bố thông tin hoàn toàn khác nhau...

Không kể các công ty cổ phần chưa niêm yết, hiện đã có khoảng 20 công ty trên sàn đã và từng đánh tiếng xuất ngoại. Sớm nhất là Gemadept từ năm 2003 đã bày tỏ ý định niêm yết tại Hồng Kông.

Trễ hơn, sau này một loạt các công ty hàng đầu khác như: Kinh Đô, SSI, FPT, PVFC... cũng tuyên bố các kế hoạch xuất ngoại hoành tráng. Nhưng tất cả đều giống nhau khi nói rồi để đó, chưa thấy rục rịch chuẩn bị gì.

Mới nhất khi sản phẩm chứng chỉ lưu ký toàn cầu xuất hiện một loạt các công ty niêm yết Việt Nam lại đánh tiếng muốn vượt vũ môn: Phát triển Bất động sản Phát Đạt muốn phát hành DRG niêm yết tại thị trường London, Luxembourg hoặc Singapore; Mirea muốn phát hành DR niêm yết trên sàn KOSDAQ (Hàn Quốc)... Nhưng cũng giống như lần trước, sau các ồn ào là quãng thời gian im ắng.

Ông Trịnh Thanh Cần nhận xét, chưa kể đến yếu tố khung pháp lý hiện nay chưa tạo điều kiện cho cổ phiếu Việt Nam xuất ngoại, riêng trong việc bắt tay vào tìm hiểu chi tiết, nhiều công ty nội địa mới nhận ra việc lên sàn ngoại là vượt quá sức mình: quy mô công ty, quy mô doanh thu và lợi nhuận chưa đáp ứng được theo quy định.

Khi tiếp xúc với đơn vị tư vấn nhiều công ty mới nhận thấy chi phí tư vấn, chi phí niêm yết và phát hành cao hơn mức dự kiến của doanh nghiệp nên nhiều kế hoạch bị bỏ ngang.

Vỡ mộng NASDAQ

Nếu không đủ sức thì thất bại tại những sàn giao dịch như NASDAQ không những chẳng tô vẽ thêm hào quang mà còn khiến cho các cổ phiếu trong nước xuống dốc nhanh hơn.

Muốn lên sàn Mỹ, chi phí ít nhất 1 - 2 triệu USD nhưng không quan trọng vì nhiều quỹ đầu tư và mạo hiểm sẵn sàng bảo lãnh tài trợ cho doanh nghiệp lên sàn. Vấn đề quan trọng nhất là tính minh bạch trong điều hành doanh nghiệp. Nhiều công ty của Trung Quốc như Alibaba, Sohu... cũng từ những công ty nhỏ của nước này nhưng đã mạnh dạn lên sàn quốc tế và trở thành công ty có vốn hóa 6 - 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, trước khi trái phiếu HAGL chấp nhận dừng cuộc phiêu lưu ở đảo quốc sư tử, cổ phiếu Việt Nam duy nhất tìm được đường xuất ngoại cũng đã mất hút trên sàn NASDAQ (Mỹ) một cách khá... vô duyên. Đó là trường hợp của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Nam - Cavico Corp. (mã CAVO).

Xuất phát điểm là một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực đầu tư - xây dựng cơ bản, thương hiệu Cavico Corp. khá nhạt nhòa cho đến khi bất ngờ được truyền thông trong nước liên tục nhắc đến khi đem cổ phiếu xuất ngoại thành công. Mà Cavico Corp. niêm yết hẳn trên sàn NASDAQ minh bạch và danh giá.

Để đạt được kỳ tích này Cavico đã đi đường vòng, tiến hành sáp nhập với một công ty truyền thông của Mỹ để vượt qua nhiều rào cản kỹ thuật. Sau đó, Cavico từng bước chia nhỏ công đoạn bằng cách xuất hiện tại các sàn cấp thấp như OTC Pink Sheets (năm 2006), rồi OTC Bulletin Board (năm 2008) trước khi chuyển lên niêm yết chính thức ở NASDAQ vào tháng 9/2009.

Tuy nhiên, kể từ khi đặt chân lên được sàn lớn, cổ phiếu CAVO trượt dốc không phanh. Cuối tháng 6/2011, NASDAQ cảnh báo cổ phiếu CAVO đã giao dịch dưới 1 USD trong 30 phiên liên tiếp. Nếu Cavico Corp. không khắc phục được tình trạng này sẽ buộc phải rời sàn.

Khi chưa kịp đáp ứng một trong các quy định giao dịch bắt buộc để được niêm yết tại NASDAQ thì CAVO đã bất ngờ bị hủy niêm yết bắt buộc vì một vi phạm khác: không công bố báo cáo tài chính năm 2010 đúng hạn. Ở phiên giao dịch cuối cùng trên sàn NASDAQ, cổ phiếu CAVO rớt giá 35%, được sang tên với giá 47 cent!

Cái tên Cavico Corp đem chuông đi đánh xứ người thực sự gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Không ít ý kiến nghi ngờ về động cơ đánh bóng tên tuổi và hiệu quả huy động vốn quốc tế thực sự của Cavico Corp. Khi Cavico Corp. xuất ngoại, trong khi lãnh đạo của Công ty không tiếc những lời ca ngợi có cánh thì cổ đông nội địa liên tục phàn nàn về thông tin hoạt động của Cavico khá mù mờ và đáng ngờ!

Hiệu quả kinh doanh của Cavico Corp. chỉ tầm tầm, không mấy khởi sắc. Thông tin cung cấp định kỳ cho cổ đông ít ỏi và cũng không cập nhật. Cần nói thêm rằng, vào tháng 5/2012, một nhánh khác của Cavico - cổ phiếu MCV của Công ty CP Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng cũng bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM hủy niêm yết vì lý do tương tự Cavico Corp.: không nộp báo cáo tài chính quý IV/2011!

Hiện tại, số doanh nghiệp Việt Nam tìm đường xuất ngoại mới đếm được trên đầu ngón tay. Đa phần là con đường phát hành các công cụ nợ như trái phiếu của Vincom niêm yết tại SGX, chứng chỉ lưu ký toàn cầu (Depositary Receipts Global - DRG) niêm yết tại thị trường chứng khoán London của HAGL.

Về gói DRG của HAGL niêm yết tại Anh, ông Võ Trường Sơn cũng thừa nhận: “Thanh khoản chứng chỉ toàn cầu của Việt Nam không cao, nhưng do người sở hữu không đề cập đến việc hủy niêm yết như trái phiếu nên HAGL vẫn tiếp tục duy trì”.

Đã từng huy động thành công hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư lớn trên thế giới nhưng Masan Group vẫn nuôi tham vọng huy động vốn quốc tế bằng công cụ DRG mới mẻ.

Đại hội cổ đông tổ chức đầu năm nay của Masan Group đã thông qua kế hoạch cho phép HĐQT xúc tiến việc phát hành lô lớn DRG niêm yết tại SGX. Giá trị tối đa lên tới 1,5 tỷ USD. Thực tế cả Công ty đang có giá trị vốn hóa thị trường 3 tỷ USD và đơn vị tư vấn đã mất gần 2 năm trời chuẩn bị.

Tuy nhiên, ông Preetinder S. Panjrath, Phó giám đốc Điều hành Phát triển kinh doanh của Masan Group, cho biết, kế hoạch sẽ không thể thực hiện trong năm 2012.

“Cơ quan quản lý Việt Nam đã chấp thuận cho Masan Group, nhưng điều kiện thị trường quốc tế hiện nay không thuận lợi cho đợt phát hành, mà chúng tôi lại không muốn bán rẻ”, ông Preetinder S. Panjrath nói. Một trong các khó khăn của Masan Group là thanh khoản của sản phẩm DRG và mối quan tâm của giới đầu tư quốc tế với sản phẩm này đang xuống thấp.

Lý do niêm yết sàn Mỹ

Lý do rơi sàn

- Thị trường chứng khoán Mỹ lâu đời, nguồn vốn dồi dào, quy mô vốn trên toàn thế giới, cho dù có những bước khủng hoảng thì khả năng hồi phục vẫn nhanh hơn.


- Thị trường chứng khoán Việt Nam có lợi thế là sân nhà nên dễ hòa nhập. Nhưng thực tế, lượng vốn đầu tư trên thị trường lướt sóng thì nhiều, đầu tư thực vào các doanh nghiệp lại hạn chế. Hơn nữa, huy động vốn trên thị trường Mỹ không bị sức ép trả cổ tức. Lãi suất ở nước ngoài thấp, cổ đông nhìn vào hiệu quả kinh doanh chứ người ta không trông chờ vào chia cổ tức.

- Số doanh nghiệp niêm yết trên sàn NASDAQ đã vượt con so Vì thế, việc niêm yết của các doanh nghiệp Việt Nam không được đánh giá cao. Các quy định niêm yết trên NASDAQ khá thoáng nhưng quy luật phân loại cổ phiếu mạnh mẽ nơi đây sẽ bóp chết những doanh nghiệp yếu kém.


- Trở ngại lớn nhất là quy định giới hạn 49% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng Việt Nam. Để các công ty con huy động vốn trong nước thì công ty mẹ sẽ phải hạ sở hữu xuống dưới 49%. Làm việc này, lại vướng ngay 2 quy định chuẩn kế toán của Mỹ là FIN 46R, SFAS 167.

Phú Kiệt - Gia Khôi

Doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   DLV: 06/09 GDKHQ biểu quyết hủy giao dịch UPCoM (31/08/2012)

>   SMA: 17/09 chính thức giao dịch 8.06 triệu cp niêm yết bổ sung (31/08/2012)

>   SMA niêm yết bổ sung 8.06 triệu cp (31/08/2012)

>   Thực phẩm Cà Mau rút hồ sơ đăng ký niêm yết tại HNX (31/08/2012)

>   FBA nộp hồ sơ chuyển niêm yết lên HNX (31/08/2012)

>   Thêm một công ty rút hồ sơ đăng ký niêm yết tại HNX (31/08/2012)

>   TCR niêm yết bổ sung 558,662 cp (30/08/2012)

>   SD6: 06/09 giao dịch cổ phiếu niêm yết bổ sung (30/08/2012)

>   SDS: Hủy niêm yết tự nguyện để chuyển sang UPCoM (29/08/2012)

>   VES có nguy cơ bị huỷ niêm yết (29/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật