Thứ Ba, 18/09/2012 14:10

Ngược sóng nhân sự môi giới

Trái ngược với sự khó khăn của 2 sàn giao dịch, có một con sóng âm thầm đang diễn ra trong lòng các CTCK.

Đó chính là sự dịch chuyển môi giới giỏi và nhu cầu “chiêu hiền, đãi sĩ” của các CTCK với nhiều thông điệp tuyển dụng hấp dẫn chuẩn bị được đưa ra.

“Cuộc chiến” hoa hồng

Nhắc đến câu chuyện nhân sự môi giới, yếu tố được đưa lên bàn cân trước tiên luôn là chính sách hoa hồng. Các CTCK thường áp dụng chế độ hoa hồng cho nhân viên môi giới, với tỷ lệ từ 20 - 30% phí giao dịch ròng thu về, khoảng 0,05 - 0,07% giá trị giao dịch của NĐT. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhân viên môi giới sẽ được hưởng hoa hồng tính theo doanh số giao dịch của khách hàng. Bởi lẽ, mỗi CTCK đều “áp” doanh số cho nhân viên của mình ở một mức nào đó, từ đó tính toán cơ sở lương bổng và hoa hồng. Với thị trường được dự báo còn nhiều khó khăn, áp lực doanh số đôi khi gây stress cho cả những môi giới giỏi, do vậy nhiều người có xu hướng chọn một nơi “vừa sức”.

Nắm bắt được tâm lý này, một số CTCK đưa ra chính sách rất ưu đãi. Chẳng hạn, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) áp dụng định mức doanh thu phí môi giới 6 triệu đồng/tháng, trong khi mức trung bình trên thị trường là 10 - 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức doanh thu khoán, tỷ lệ hoa hồng chia cho môi giới cũng được cân đong đo đếm quyết liệt. SHS đưa ra mức khá cao, 31,5% doanh thu. Trong khi đó, tỷ lệ này tại CTCK FPT (FPTS) là 30%, CTCK VNDirect 25%. Còn tại CTCP TP. HCM (HSC), doanh thu trên 20 triệu đồng/tháng bắt đầu hưởng hoa hồng 8%; tại CTCK Sài Gòn (SSI), hoa hồng tối thiểu là 20% khi doanh thu đạt được 20 triệu đồng/tháng.

Thị trường càng khó khăn và chắt lọc, cạnh tranh thu hút môi giới giỏi càng quyết liệt. Trong chiến lược tái cơ cấu của mình, nhiều CTCK đều đặt ưu tiên cho phát triển môi giới. Ông Hoàng Đình Lợi, Tổng giám đốc SHS cho biết, để thực hiện chiến lược phát triển chuyên sâu và bền vững, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng môi giới giỏi với nhiều đãi ngộ tốt, tạo động lực phát triển cũng như điều kiện để môi giới gắn bó lâu dài với SHS. Hiện vị trí môi giới tại SHS thu hút được sự quan tâm của nhiều môi giới giỏi, giàu kinh nghiệm.

Và sách lược giảm stress

Một nhân viên môi giới dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, khi thanh khoản của thị trường đạt khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng/phiên giao dịch sẽ không khó để đạt doanh số theo quy định, nhưng nếu thị trường cứ diễn biến như hiện nay, chỉ bằng một nửa mức trên, thì việc không đạt chỉ tiêu là chuyện bình thường.

Chính bởi vậy, hoa hồng không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng tới quyết định đi hay ở của môi giới. Những nhân sự giỏi thường “chấm” cả thương hiệu CTCK, các sản phẩm CTCK đó cung cấp và chế độ phúc lợi xã hội, cũng như môi trường làm việc. Trưởng phòng Môi giới CTCK MB (MBS) vốn là dân cứng trong nghề đã quyết định chuyển sang công ty khác, bởi dịch vụ tài chính mà MBS cung cấp cho khách hàng quá chặt chẽ, môi giới khó thuyết phục khách hàng.

Hiện nay, tại SHS, khách hàng được áp dụng tối đa tỷ lệ cho vay 40% theo quy định về giao dịch ký quỹ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng tỷ lệ vay cao của khách hàng, vừa qua, SHS đưa ra sản phẩm hợp tác ba bên với Ngân hàng SHB. Đây là sản phẩm hỗ trợ tài chính của SHB đối với khách hàng mở tài khoản tại SHS, trong đó SHS dùng hợp đồng tiền gửi của mình bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại SHB.

CTCK Kim Eng thì áp dụng tỷ lệ 4/6 cho khách thường; tỷ lệ 6/4 cho khách hàng VIP. Một số NĐT “bám” thị trường cho hay, khi mức lãi suất các công ty áp dụng phổ biến là 19,8%/năm, nhưng CTCK Rồng Việt áp dụng 21,24%/năm, thì lập tức khách hàng tại đó than phiền và thắc mắc với nhân viên môi giới, tại sao lãi suất áp dụng tại Công ty quá cao? Trong hoàn cảnh thị trường hiện nay, việc kiếm lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán rất khó khăn, buộc các NĐT phải cân nhắc đến lãi suất margin của CTCK.

Bên cạnh gói dịch vụ hỗ trợ tài chính, các CTCK còn ngó nhau ở danh sách các dịch vụ sản phẩm hỗ trợ như vay cổ phiếu, vay hợp vốn… Công ty khác muốn hút môi giới giỏi cũng phải có sản phẩm tương tự hay nói cách khác, phải trang bị đủ “công cụ” cho các môi giới. Nhiều môi giới chia sẻ, khi CTCK có danh sách sản phẩm dịch vụ phong phú, không chỉ công ty có lợi, mà cả môi giới cũng dễ xoay xở đủ định mức doanh số, vì dễ tư vấn và đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng.

Khi TTCK càng phát triển theo chiều sâu, nghiệp vụ môi giới càng được các CTCK chú trọng, nhất là khi cơ hội đầu tư tự doanh dần thu hẹp. Bởi vậy, dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng môi giới giỏi và lành nghề vẫn luôn là nhân sự được coi trọng và săn tìm trên TTCK.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đại gia Việt: Từ giàu sang hoành tráng rơi vào tù tội (18/09/2012)

>   SBS: Bổ nhiệm ông Trương Hoàng Dũng làm Trưởng phòng Tài chính - Kế toán (17/09/2012)

>   TLT: Bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đồng làm Kế toán trưởng (17/09/2012)

>   HSG "hạ cấp" ông Phạm Văn Trung xuống "Cử nhân" (17/09/2012)

>   VNSC: Miễn nhiệm 2 Thành viên HĐQT (17/09/2012)

>   Nhân vật: Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT (26/09/2012)

>   MEC: Thay đổi nhân sự Thành viên HĐQT (17/09/2012)

>   Đại gia Việt: Hình ảnh thực khi ra ánh sáng (17/09/2012)

>   SBS bổ nhiệm ông Trương Hoàng Dũng làm Trưởng phòng Kế toán – Tài chính (14/09/2012)

>   TMT: Ông Lê Văn Phiến rút khỏi Thành viên HĐQT (14/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật