“Mục sở thị” TTCK Malaysia
Chuyến tham quan thị trường tài chính Malaysia dành cho Đoàn nhà báo Việt Nam do Tập đoàn Maybank và CTCK KimEng Việt Nam tổ chức cuối tuần trước dù ngắn ngày, nhưng để lại nhiều ấn tượng.
Ngỡ ngàng những con số
Cách trung tâm Kuala Lumpur khoảng 30 phút xe chạy, Chi nhánh CTCK Maybank nơi đoàn Việt Nam tới thăm đầu tiên không khác các CTCK Việt Nam trực thuộc các NHTM bao nhiêu: Lầu 1 là quầy giao dịch của ngân hàng luôn tấp nập. Lầu 2 là hoạt động của khối CTCK với sự tĩnh lặng, do NĐT chủ yếu giao dịch online. Điều ấn tượng đầu tiên với Đoàn nhà báo Việt Nam là CTCK Maybank nằm trong Top 3 CTCK lớn nhất tại Malaysia, nhưng số nhân viên khá tinh gọn - không quá 10 người có mặt tại sàn.
TTCK Malaysia hiện có giá trị vốn hoá gần 600 tỷ USD, gấp 3 lần GDP
|
Bà Ami Moris, Trưởng bộ phận môi giới cá nhân của Chi nhánh cho biết, chưa kể các hoạt động khác, trung bình một phiên giao dịch, 5 nhân viên môi giới tại Chi nhánh mang lại cho Công ty tính theo tiền Việt khoảng 60 triệu đồng phí giao dịch. NĐT Malyasia chủ yếu giao dịch online và nhận được sự tư vấn của các môi giới qua điện thoại và bản tin hàng ngày. Phí giao dịch tối thiểu của các NĐT Malaysia là 0,4% giá trị giao dịch và không quy định mức trần tối đa. Điều này có thể thực hiện được, vì hiện tại chỉ có 35 CTCK hoạt động, trong khi giá trị giao dịch hàng ngày đạt khoảng 27.000 tỷ ringgit (900 triệu USD). Thời gian thanh toán bù trừ của TTCK Malaysia là T+3, nhưng thời gian giao dịch kéo dài từ sáng đến 17h30, trong đó có một khoảng ngắn nghỉ trưa.
Trái với vẻ đơn giản của chi nhánh vùng ngoại ô, tổng hành dinh CTCK Maybank tọa lạc trong một tòa cao ốc lớn. Lầu 1 là sàn giao dịch và hôm đó chỉ có 2 NĐT cá nhân có mặt tại sàn. Tuy nhiên, đi sâu vào bên trong phần “back office” của CTCK Maybank, thì thấy nhân viên làm việc ngồi kín từ lầu 2 đến lầu 7. Các nhân viên môi giới đều khá đứng tuổi. Theo đại diện CTCK Maybank, lĩnh vực tư vấn đòi hỏi những nhân viên có sự trải nghiệm nhất định trong cuộc sống và nghề nghiệp, nên đa phần môi giới giỏi đều là người đầu mang hai thứ tóc!
Ghé thăm Sở GDCK Malyasia (Bursa Malaysia - BM), bà Lim Siew Chinh - Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của BM cho biết, cũng giống như các TTCK trong khu vực, TTCK Malaysia chịu tác động khá mạnh của dòng vốn ngoại. Trong 8 tháng đầu năm nay, khối ngoại mua ròng trong 6 tháng đầu và bán ròng trong 2 tháng còn lại. Giống như Việt Nam, TTCK Malaysia cũng có cảnh “ngoại bán, nội mua” và ngược lại. Tuy nhiên, khác xa với Việt Nam, NĐT cá nhân nhỏ lẻ chỉ chiếm 20% giá trị giao dịch hàng ngày; 30% thuộc về các NĐT nước ngoài và phần còn lại là các định chế tài chính trong nước. Mặc dù diễn biến TTCK quốc tế không mấy thuận lợi, nhưng 8 tháng đầu năm nay, việc huy động vốn của các công ty Malaysia vẫn khá thành công, chỉ riêng Công ty Falda đã huy động được 6,7 tỷ USD (riêng tại nội địa).
Trước câu hỏi của ĐTCK về số lượng tối đa các CTCK mà Malaysia từng có, đại diện của BM cho biết, chưa bao giờ con số này vượt quá 60 (TTCK Malaysia đã có trên 50 năm hoạt động). Một khác biệt lớn với Việt Nam là tại Malaysia, các công ty mới niêm yết có thể lên sàn ngay nếu nhận được sự bảo đảm của đơn vị tư vấn, thường là CTCK. NĐT nước ngoài được phép sở hữu 100% cổ phần tại DN niêm yết, trừ lĩnh vực ngân hàng. TTCK Malaysia được Ngân hàng Thế giới xếp thứ 4/183 và được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 4/142 quốc gia về mức độ bảo vệ NĐT.
Chuẩn bị kết nối với các TTCK khu vực
Theo bà Lim Siew Chinh, giá trị vốn hóa của TTCK Malaysia hiện nay đạt gần 600 tỷ USD, gấp 3 lần GDP của quốc gia này và gấp khoảng 20 lần vốn hóa TTCK Việt Nam. Hàng ngày, riêng thị trường phái sinh đã có 38.000 hợp đồng được giao dịch qua sự tham gia tư vấn của các CTCK và 816 thành viên môi giới. Ngoài ra, hợp đồng hàng hóa, với “đặc sản” là dầu cọ, thị trường trái phiếu Malaysia cũng hoạt động khá mạnh (riêng giá trị trái phiếu niêm yết đã vượt vốn hóa của TTCK Việt Nam).
Dù thị trường vốn có vị thế khá vững chắc trong cộng đồng ASEAN (vốn hóa chỉ xếp sau SGX - Sở GDCK Singapore), nhưng đại diện của BM cho biết, Sở GDCK Malaysia không ngừng cải tiến thị trường, nhằm thu hút dòng vốn quốc tế và nâng cao vị thế của mình. Cụ thể, trong tầm nhìn 2015, BM đang thực hiện quá trình tái cấu trúc với 4 bước, hướng mục tiêu đưa thời gian xử lý các vấn đề nhanh hơn, với chi phí thấp hơn cho tất cả các thành viên tham gia thị trường.
Một thông tin khác được đại diện BM chia sẻ là vào cuối tháng 9 này, BM và SGX sẽ kết nối trực tiếp, cho phép NĐT ở Singapore có thể giao dịch chứng khoán ở Malaysia và ngược lại. Sang tháng 10, BM sẽ kết nối với Sở GDCK Thái Lan.
Giang Thanh
đầu tư chứng khoán
|