Thứ Sáu, 14/09/2012 17:43

Lưu ý những “nút cổ chai” trong quá trình kiểm toán

DN không nên đặt tiêu thức giá phí rẻ để lựa chọn công ty kiểm toán.

Nhiều NĐT, đối tác của các DN đã có thói quen nhìn kỹ báo cáo tài chính (BCTC) để đánh giá sức khỏe DN. Trong quá trình kiểm toán và soát xét BCTC cho các DN niêm yết, có những vấn đề đôi khi kiểm toán và DN không cùng chung quan điểm. Nên coi đây là việc bình thường và căn cứ cuối cùng để xem xét tính hợp lý chính là các chuẩn mực kế toán và các quy định pháp lý có liên quan.

Nhiều điểm khó thống nhất

Việc tuân thủ Chuẩn mực kế toán Việt Nam trong việc lập, trình bày BCTC của các DN niêm yết/công ty đại chúng về cơ bản là tốt hơn so với các DN nói chung. Mặt khác, khối DN này thuộc đối tượng quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống văn bản quản lý các DN niêm yết/công ty đại chúng tương đối chặt chẽ, yêu cầu về việc công bố thông tin đòi hỏi nhanh chóng, kịp thời hơn so với các DN nói chung.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, sức ép đối với DN để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch là rất lớn. Các DN có thể vận dụng nhiều thủ thuật trong công tác kế toán nhằm đạt được các mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Vì vậy, trong quá trình kiểm toán, giữa DN và công ty kiểm toán gặp không ít vấn đề không thống nhất quan điểm với nhau, phần lớn liên quan đến xử lý kế toán.

Chẳng hạn, một số khoản đầu tư chứng khoán dài hạn được DN phân loại thành đầu tư tài chính dài hạn vào DN, dẫn đến việc trích lập dự phòng không căn cứ vào giá chứng khoán trên thị trường, mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của DN nhận đầu tư.

Đối với vấn đề hạch toán chênh lệch tỷ giá, khi Thông tư 201/2009/TT-BTC được ban hành, nhiều DN đã chuyển sang áp dụng Thông tư này trong việc xử lý chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ, mặc dù hướng dẫn trong Thông tư 201 trái với quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 10.

Một số DN ngay sau khi có Nghị quyết của ĐHCĐ về việc chi trả cổ tức đã thực hiện ghi giảm chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”, mặc dù chưa chốt danh sách cổ đông được hưởng cổ tức. Việc hạch toán như vậy dễ gây nhầm lẫn cho các NĐT trong việc đưa ra các quyết định đầu tư.

Liên quan đến cổ tức, nhiều DN thắc mắc rằng, tại sao trả cổ tức bằng tiền lại được tính vào lợi nhuận, trong khi trả bằng cổ phiếu thì không, mà cả hai hình thức đều bị chiết khấu giá trên sàn?

Thông tư số 244/2009/TT-BTC về hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán DN có quy định: “Khi NĐT được nhận thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền (chia cổ tức bằng cổ phiếu), NĐT không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần”. Việc ghi nhận này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành mà các cổ đông nắm giữ, đồng thời làm giảm giá trị thị trường của cổ phiếu. Do đó, chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm thay đổi giá trị tài sản của NĐT và tài sản của DN, cũng như không ảnh hưởng đến dòng tiền luân chuyển.

Mánh khóe gian lận

Trong 2 năm trở lại đây, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã ảnh hưởng không nhỏ tới các DN Việt Nam . Dưới sức ép cạnh tranh trên thị trường, sức ép chia cổ tức cho cổ đông, sức ép về khả năng thanh toán…, thì việc xuất hiện những gian lận để “làm đẹp” BCTC là điều không khó hiểu.

Các mánh khóe gian lận cũng không dễ bị phát hiện, vì đó chỉ là thủ thuật với các con số, mà không có sự mất mát tài sản hữu hình. Trong nhiều trường hợp, khó có thể đánh giá cách xử lý kế toán đó là đúng hay sai, ví như các chính sách kế toán thường xuyên bị “biến hóa”, bao gồm phương pháp xác định giá thành sản phẩm, chính sách lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Hoặc như đối với các DN đầu tư tài chính, để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận thì thủ thuật thường thấy là không trích lập đủ dự phòng giảm giá các khoản đầu tư, bán các khoản đầu tư cho các bên liên quan với giá cao hơn giá thị trường…

Các kiểm toán viên thường thận trọng khi đưa ra ý kiến kiểm toán. Tuy nhiên, khi các DN đã có ý đồ “chế biến” số liệu tài chính và hợp thức hóa các chứng từ kế toán, thì những gian lận tại DN thường khó phát hiện, nó trở thành rủi ro cho kiểm toán viên cũng như các công ty kiểm toán. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam , mà là tình trạng chung trên thế giới.

Khuyến nghị của kiểm toán

Các DN cần rà soát lại danh mục đầu tư, ưu tiên cho những dự án có thể làm ngay và đem lại hiệu quả tức thì, nhằm giúp DN giải quyết khó khăn trước mắt để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh đó, DN cần thực hiện các biện pháp nhằm cấu trúc lại tổ chức quản lý, tối ưu hóa việc sản xuất theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, chống lãng phí và tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Áp dụng các chiến lược đưa sản phẩm ra thị trường một cách hợp lý, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

DN nên quyết định lựa chọn công ty kiểm toán có uy tín, chất lượng để thực hiện kiểm toán BCTC, không nên đặt tiêu thức giá phí rẻ để lựa chọn công ty kiểm toán. Việc lựa chọn này không chỉ giúp DN có cái nhìn chính xác về sức khỏe tài chính của DN, mà qua đó còn giúp DN tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến tài chính, kế toán, thuế… Bởi trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán, kiểm toán viên thường hỗ trợ DN thực hiện theo đúng chuẩn mực, luật định và những văn bản hướng dẫn hiện hành.

Về phía đối tác hay các cổ đông của DN, để nâng cao chất lượng đầu tư thì cần thường xuyên cập nhật các thông tin tài chính và phi tài chính về DN. Các cổ đông nên làm quen với cách đọc, cách hiểu BCTC, đặc biệt là các thông tin trong thuyết minh BCTC và ý kiến kiểm toán viên đối với các BCTC đã được kiểm toán. Một số chỉ số tài chính cơ bản như vòng quay hàng tồn kho, số ngày phải thu, tỷ lệ lãi gộp… cần được phân tích kỹ, cũng như có sự so sánh với các DN khác trong ngành.

Vũ Xuân Biển

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   D2D: 26/09 GDKHQ nhận 10% cổ tức 6 tháng đầu năm 2012 bằng tiền (14/09/2012)

>   OGC: Lợi nhuận soát xét tăng 42% chủ yếu nhờ OCH (16/09/2012)

>   SZL phát sinh thêm chi phí thuê lại đất tại KCN Châu Đức (14/09/2012)

>   HBBS đổi tên thành Chứng khoán SHB (14/09/2012)

>   DTL không ngần ngại cắt giảm 93% chỉ tiêu lợi nhuận (14/09/2012)

>   DNSC công bố Báo cáo quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2012 (14/09/2012)

>   AAS: 6 tháng lỗ ròng 2.6 tỷ đồng, đầu tư ngắn hạn 6.36 tỷ (14/09/2012)

>   Chứng khoán Việt Thành báo lỗ 2.56 tỷ đồng trong 6 tháng (14/09/2012)

>   DNSC: 6 tháng lỗ 502 triệu đồng, nợ ngắn hạn giảm 77% so với đầu năm (14/09/2012)

>   Chứng khoán Nhật Bản: Lãi ròng 6 tháng gấp gần 5 lần cùng kỳ (14/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật