Khó thanh lọc công ty chứng khoán
Có thể gọi 2012 là năm cao điểm để “làm sạch” TTCK. Trong đề án tái cấu trúc TTCK của UBCKNN có mục tiêu giảm bớt số lượng các CTCK, với công cụ được kỳ vọng là Thông tư 226 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính cho các CTCK. Mặc dù được áp dụng gần 6 tháng, nhưng số lượng các CTCK không giảm, dù chỉ là 1. Câu hỏi đặt ra là tại sao việc giảm bớt các CTCK lại khó khăn như vậy?
Rút bớt hoạt động hay phá sản không dễ
Các CTCK mất thanh khoản vẫn ung dung tồn tại, một số thì lách luật bằng cách không gửi báo cáo đúng hạn, một số báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính khá ấn tượng. Để xóa sổ một CTCK, có các giải pháp sau: CTCK sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp bình thường, hoặc thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
CTCK có thể tự nguyện làm việc này hoặc theo yêu cầu của chủ nợ (khi mở thủ tục phá sản), hoặc cơ quan quản lý (UBCKNN). Trong trường hợp CTCK chuyển đổi thành một doanh nghiệp bình thường, CTCK sẽ phải rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đồng thời đăng ký với Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT).
Việc thay đổi quy định về cấp giấy phép cho các CTCK theo chế độ một giấy phép đã tạo thuận lợi cho việc thành lập CTCK, nhưng đã vô hình trung gây khó khăn cho việc xóa sổ các CTCK. Bởi theo quy định trước đây, để thành lập một CTCK trước hết doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH-ĐT, sau đó xin giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán tại UBCKNN.
Trong trường hợp này, để chuyển CTCK về doanh nghiệp thường thì UBCKNN chỉ cần rút giấy phép kinh doanh chứng khoán sẽ trở thành doanh nghiệp bình thường.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, giấy phép hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng chính là giấy phép hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, do vậy việc rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn doanh nghiệp và kèm theo đó là các nghĩa vụ nợ đi kèm.
Đối với lựa chọn phá sản CTCK, cho đến thời điểm hiện nay chưa có tiền lệ. Luật Phá sản ra đời và có hiệu lực từ năm 2004, tuy nhiên cho đến nay gần như chưa bao giờ áp dụng. Luật quy định rõ những đối tượng có thể đệ đơn mở thủ tục phá sản doanh nghiệp bao gồm: chủ nợ (khi CTCK không trả được nợ), người lao động (khi CTCK không trả được lương), người đại diện theo pháp luật của CTCK, cổ đông.
Tại các nước phát triển, việc phá sản là việc rất bình thường, khi những người chủ cũ không biết điều hành doanh nghiệp, gây thất thoát vốn và mất khả năng trả nợ thì các chủ nợ sẽ tiếp quản lại toàn bộ công ty, trên cơ sở các tài sản, cơ sở vật chất hiện có sẽ thành lập một doanh nghiệp mới, có cơ hội phát triển hơn so với doanh nghiệp cũ. Tuy nhiên, tại Việt Nam cách làm này thực tế chưa bao giờ được đánh giá đúng và áp dụng.
Chủ nợ, NĐT bất lợi
Thực tế, đa số CTCK yếu kém bị đưa vào kiểm soát đặc biệt đều đã không còn vốn, thậm chí có những CTCK còn âm vốn chủ sở hữu. Như vậy, người đại diện theo pháp luật cũng như cổ đông của CTCK sẽ không được lợi ích gì khi mở thủ tục phá sản.
Với tâm lý buông xuôi, cổ đông của các CTCK gần như phó mặc số phận của CTCK và hơn nữa với vốn chủ sở hữu âm hoặc gần như bằng không, thậm chí khi mở thủ tục phá sản, khả năng thu hồi lại một phần vốn đầu tư cũng là rất thấp. Trong trường hợp này, bên bất lợi nhất chính là chủ nợ.
NĐT vô tình trở thành những đối tượng bị hại bất đắc dĩ, không được bảo vệ, phải loay hoay để tìm giải pháp cứu chính mình khi chuyển tài sản còn lại là chứng khoán sang một nơi an toàn hơn. Hơn lúc nào hết, NĐT rất cần cơ chế mở hơn trong việc chuyển khoản chứng khoán trong TKGD của mình từ các CTCK yếu kém sang các CTCK khác để đảm bảo lợi ích của NĐT.
|
Ngoài khó khăn về mặt pháp lý, một vấn đề cũng rất khó khăn hiện nay là các CTCK quản lý tiền và chứng khoán của NĐT sẽ được giải quyết ra sao khi CTCK thôi không hoạt động như một CTCK, hoặc bị xóa sổ vĩnh viễn? Giải pháp vẫn là các NĐT đóng tài khoản, chuyển khoản tiền và chứng khoán sang một tài khoản của mình mở tại một CTCK khác.
Tuy nhiên, việc tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản, do quy định về lưu ký chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Theo như quy định, NĐT chỉ được phép chuyển khoản chứng khoán khi thực hiện đóng tài khoản và chuyển sang giao dịch tại một CTCK khác.
Tuy nhiên, các CTCK yếu kém, mất khả năng thanh khoản thì lại không thể đóng tài khoản được do vẫn nợ tiền của NĐT và ngược lại NĐT cũng không thể đóng tài khoản giao dịch (TKGD) được khi CTCK không trả hết tiền cho họ.
Giải pháp còn lại là NĐT dùng tiền mua hết chứng khoán rồi sau đó chuyển khoản toàn bộ chứng khoán sang tài khoản của CTCK khác. Tuy nhiên, các CTCK này thường mất khả năng thanh toán bù trừ nên bị ngưng giao dịch, nên việc mua chứng khoán trở nên rất khó khăn, chưa kể đến trường hợp CTCK bất hợp tác, không chịu thực hiện yêu cầu của NĐT trong việc đặt lệnh mua chứng khoán hoặc chuyển khoản chứng khoán.
Có nhiều NĐT còn đang bị mắc kẹt trong việc này, có những trường hợp mặc dù đã yêu cầu chuyển khoản tiền và chứng khoán đã được đưa ra cả tháng trước đây nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Cần một cơ chế mới
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay, với vai trò là cơ quan quản lý các CTCK, UBCKNN không có đủ công cụ để xử lý việc này. Lựa chọn duy nhất hiện nay là hình thức tự nguyện, các CTCK tự tìm giải pháp cứu mình như tự nguyện sáp nhập, hợp nhất với CTCK khác hoặc mong chờ cơ hội mua lại các CTCK của các định chế tài chính trong và ngoài nước.
Nhưng các CTCK này đều có tình trạng chung là mất hết vốn, mất hết khách hàng, nhiều CTCK chỉ tồn tại trên giấy, không địa chỉ, không trang web và thậm chí không có điện thoại liên lạc, không khác gì “thây ma”. Sẽ không có ai chọn cũng như mua lại “thây ma” vì để làm nó sống lại sẽ tốn chi phí hơn nhiều so với việc đi đầu tư vào việc thành lập hoặc thâu tóm một CTCK khác.
Do vậy UBCKNN cần phải đánh giá toàn diện hơn toàn bộ tình hình hiện nay để đưa ra giải pháp có lợi nhất cho thị trường, NĐT. Chẳng hạn, một CTCK khi đã mất khả năng thanh toán sẽ có bao nhiêu phần trăm cơ hội để phục hồi cũng như để phát triển.
Ở đây, UBCKNN cần có những đánh giá cụ thể, chi tiết thay vì chỉ có các trạng thái, kiểm soát, hay kiểm soát đặc biệt rồi cho thời hạn để xử lý, nhưng thực tế là không xử lý nổi. Việc chần chừ xử lý sẽ chỉ tạo ra nhiều “thây ma” hơn trong khi vẫn phải duy trì một bộ máy hành chính để theo dõi hoạt động của các CTCK này.
Cần tìm và áp dụng các biện pháp mạnh dạn hơn đối với các CTCK để thị trường được trong sạch, lành mạnh hơn. Cũng nên xem xét khả năng khuyến khích các ngân hàng mua lại dần các CTCK với các chính sách ưu đãi để thị trường có được sự hỗ trợ vững mạnh về tài chính cũng như quản trị rủi ro, để các CTCK có thể đứng vững trong những thời gian khó khăn của thị trường và cạnh tranh từ bên ngoài.
TS. Nguyễn Anh Tuấn
sài gòn đầu tư tài chính
|