Thứ Sáu, 28/09/2012 16:01

Hệ thống Ngân hàng Trung Quốc: Tiềm ẩn cơn sóng thần tài chính?

Một mối nguy cơ tiềm ẩn cho một cơn sóng thần tài chính đang dần dần hiển hiện trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Đó là tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc đang giảm mạnh, nhất là từ khi lãi suất huy động được giám sát nhằm hạn chế sự cạnh tranh ngầm giữa các ngân hàng về tiền gửi và lệ phí.

 

Tờ The Diplomat của Nhật số ra đầu tháng 9 vừa qua đã đăng tải bài viết với tựa đề: “Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang che giấu quả bom nợ hẹn giờ khổng lồ?”. Theo bài viết, Trung Quốc muốn dùng sự kích cầu kinh tế của Nhà nước để đạt những thành tích đã được định dạng, song nó lại là mầm mống dẫn đến những thảm họa kinh tế khó lường mà nguyên nhân sâu xa là bùng nổ tín dụng. Sự dễ dãi tín dụng của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2009. Theo đó, chỉ riêng giai đoạn từ năm 2009 đến tháng 6/2012, các ngân hàng Trung Quốc đã giải ngân 35 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT) các khoản vay mới, tương đương 73% GDP của Trung Quốc trong năm 2011. Khoảng 2/3 các khoản vay được thực hiện trong năm 2009 và 2010 được xem là một phần của gói kích thích kinh tế. Không giống gói kích cầu tài chính của phương Tây, gói kích thích kinh tế khổng lồ của Trung Quốc năm 2009 lại được tài trợ chủ yếu bằng tín dụng ngân hàng chứ không phải từ chính phủ.

Với khoản cho vay hàng nghìn tỷ NDT, Trung Quốc hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên do áp dụng chính sách tín dụng lỏng lẻo đã làm cho bong bóng bất động sản phình to, các doanh nghiệp Nhà nước vốn được cưng chiều và các tổ chức chính quyền địa phương chớp lấy thời cơ để vay càng nhiều càng tốt. Hậu quả làm cho hệ thống ngân hàng phải ôm một “quả bom” nợ xấu đang chờ ngày phát nổ.

Cuối năm 2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và các nhà quản lý ngân hàng đã cảnh báo nguy cơ sụp đổ. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc thừa nhận, tính đến cuối năm 2010, chính quyền địa phương đã nợ tới 10,7 nghìn tỷ NDT (1,7 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, theo giáo sư Victor Shih ở Đại học Northwestern (Mỹ) thì thực tế các khoản nợ của chính quyền địa phương phải lớn hơn, từ 15,4 đến 20,1 nghìn tỷ NDT, tương đương khoảng 40 đến 50% GDP của Trung Quốc. Con số khủng này làm nhiều người phải rùng mình bởi đây là những tác nhân làm cho ngọn núi nợ ngày càng cao. Nếu 10% các khoản vay này biến thành nợ xấu, thì tổng mức nợ xấu có thể lên tới 1,4 nghìn tỷ NDT và một khi tăng lên 20%, thì khoản nợ xấu cũng tăng theo, trên 2,8 nghìn tỷ NDT, nghĩa là vượt quá biên độ an toàn cho phép.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhận thức được mối nguy hiểm của “quả bom” hẹn giờ này và ngay trong nửa đầu năm 2012, Bắc Kinh đã công bố một chính sách cho phép các ngân hàng giãn nợ thêm một năm để chính quyền địa phương tìm cách trả nợ nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế? Khoản nợ của các chính quyền địa phương không phải là thủ phạm duy nhất làm cho bong bóng tín dụng của Trung Quốc giai đoạn 2009-2010 bùng phát mà còn có nhiều tác nhân góp mặt khác, trong đó có lĩnh vực vay tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, do kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp dẫn đến phá sản càng làm núi nợ xấu tăng cao. Theo tờ South China Morning Post số ra mới đây, năm 2011 đã có 47 chủ doanh nghiệp bỗng dưng biến mất để trốn nợ. Trung Quốc giờ đây không còn là "công xưởng lớn nhất của thế giới", các doanh nghiệp Nhà nước không còn là “quả đấm thép” nữa bởi lợi nhuận ngày càng mỏng dần, hàng tồn kho ngày một cao, nhà đầu tư bỏ đi và hậu quả nợ ngân hàng ngày một tăng.

Một mối nguy cơ tiềm ẩn cho một cơn sóng thần tài chính cũng đang dần dần hiển hiện trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Đó là tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng Trung Quốc đang giảm mạnh, nhất là từ khi lãi suất huy động được giám sát nhằm hạn chế sự cạnh tranh ngầm giữa các ngân hàng về tiền gửi và lệ phí. Để huy động vốn, các ngân hàng đã đẩy cái gọi là sản phẩm quản lý tài sản tư nhân (WMP), sản phẩm tài chính ngắn hạn tạo ra mức lãi suất cao hơn với tiền gửi ngân hàng cho các nhà đầu tư. Để trốn tránh sự giám sát quản lý, các sản phẩm nói trên không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Theo Charlene Chu - chuyên gia phân tích ngân hàng cao cấp phụ trách về xếp hạng của Fitch, tính đến cuối tháng 6/2012, Trung Quốc có khoảng 10,4 nghìn tỷ NDT thuộc diện sản phẩm WMP, chiếm 11,5% tổng số tiền gửi ngân hàng và một khi khách hàng dùng vốn WMP càng cao thì ngân hàng lại càng bị thiệt. Mặc dù không tính được chính xác tỷ lệ phần trăm chính của các khoản vay khó đòi thông qua WMP, nhưng chỉ cần 10%, điều đó có nghĩa ngân hàng đã mất đi một khoản tiền lên tới 1 nghìn tỷ NDT.

Khắc Nam

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Tây Ban Nha chuẩn bị các điều kiện để xin cứu trợ (28/09/2012)

>   Italy không còn là nguy cơ đe dọa nợ tại Eurozone (28/09/2012)

>   Nền kinh tế Anh có nhiều dấu hiệu được cải thiện (28/09/2012)

>   Moody's hạ một bậc tín nhiệm tín dụng của Nam Phi (28/09/2012)

>   Giới làm ăn Nhật Bản tìm cách rút khỏi Trung Quốc (27/09/2012)

>   Từ bỏ LIBOR (27/09/2012)

>   Đại hội đồng "nóng" với chủ đề thách thức kinh tế (27/09/2012)

>   Các chủ nợ vẫn bất đồng việc giúp Hy Lạp thoát nợ (27/09/2012)

>   Tại sao Ben và các đồng nhiệm không thể cứu nổi kinh tế toàn cầu? (27/09/2012)

>   Tiến triển từ Tây Ban Nha sẽ quyết định số phận đồng euro (26/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật