Gỡ dần những nút “cổ chai”
Vẫn có tình trạng NĐT vi phạm quy định giao dịch mua bán cùng phiên, nguyên do không hẳn họ cố ý, mà một phần vì quy định đôi chỗ khó hiểu.
Ngày 4/9, ngày đầu tiên thực hiện quy định rút ngắn thời gian thanh toán từ 15h30 xuống 9h00 ngày T+3, TTCK tăng điểm. Đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến thị trường giao dịch tích cực, nhưng về mặt tâm lý, các thành viên thị trường có thêm động lực để giao dịch. NĐT sẽ được bán cổ phiếu trong ngày T+3, thay vì T+4 như trước đó. Họ kỳ vọng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục có các động thái và chính sách ủng hộ thị trường.
Trong rất nhiều câu chuyện của các NĐT, câu chuyện của ông Megumu Motohisa, Phó trưởng đại diện Văn phòng đại diện CTCP SBI Holdings, Inc. tại Hà Nội rất đáng chú ý.
Ông Megumu Motohisa cho hay, Thông tư 74/2011/TT-BTC có hiệu lực từ 1/8/2011, được giới đầu tư coi như một văn bản “cởi trói” khá nhiều vướng mắc bấy lâu của thị trường, trong đó có quy định cho phép NĐT cùng mua/bán một loại chứng khoán trong phiên. Quy định này giúp NĐT có thể tận dụng sự dao động giá trong phiên để kiếm lời hoặc có thể sửa sai nhanh ngay trong phiên giao dịch.
Tuy nhiên, nhiều khách hàng nước ngoài không được hưởng thuận lợi như vậy. Nhiều NĐT nước ngoài thông qua SBI để giao dịch, mua bán cổ phiếu. SBI lại giao dịch thông qua một CTCK Việt Nam.
Theo quy định hiện nay, muốn giao dịch ngược chiều, SBI phải đặt lệnh mua, lệnh đó phải khớp, sau đó Công ty mới được đặt lệnh bán. Có trường hợp khách hàng đặt lệnh bán cổ phiếu A với giá sàn, nhưng không được khớp, đồng nghĩa với việc lệnh mua cổ phiếu A sau đó sẽ không thực hiện được.
Chính bởi vậy, qua hơn một năm quy chế giao dịch mới có hiệu lực, các NĐT nước ngoài vẫn đứng ngoài cuộc. SBI vẫn phải áp dụng quy định cũ, tức là với mỗi mã chứng khoán, Công ty quy định: ngày thứ Ba, khách hàng bán thì ngày thứ Tư, họ mới được mua. Trong khi đó, các thị trường khác trên thế giới đều cho NĐT cùng mua, cùng bán chứng khoán trong một phiên, chứ không có động thái hạn chế kỳ quặc trên.
Về phía cơ quan quản lý, họ có cái lý của mình. Một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, việc quy định không cho đặt lệnh giao dịch ngược chiều ở một tài khoản trong cùng một thời điểm là nhằm tránh tình trạng hệ thống ngẫu nhiên khớp lệnh với nhau mà không làm thay đổi quyền sở hữu, đồng thời để chặn các hành vi thao túng giá.
Tuy nhiên, lập luận trên không khiến các NĐT hài lòng. Họ cho rằng, việc thao túng giá nếu như được thực hiện trên cùng một tài khoản, cơ quan quản lý càng dễ phát hiện. Hơn nữa, TTCK hiện đã khó khăn hơn và NĐT tỉnh táo hơn nhiều, ai đó sử dụng công cụ giao dịch hiện đại mà không tính toán kỹ, rất có thể bị dồn lệnh nếu dám chơi “dao”.
Ghi nhận từ các CTCK cho thấy, ngay các NĐT trong nước cũng vẫn xảy ra tình trạng vi phạm quy định giao dịch mua bán cùng phiên, nguyên do không hẳn họ cố ý, mà một phần vì quy định trong Thông tư 74 đôi chỗ khó hiểu, chưa thống nhất. Liệu sau khi CTCK báo lệnh mua của NĐT đã khớp, họ đặt lệnh bán, vì một lý do nào đó mà lệnh mua chưa khớp hết, thì giao dịch của NĐT có phạm luật? Nếu số cổ phiếu rớt lại chỉ là một vài lô, thì vi phạm có đến mức bị xử phạt?
Chưa có trường hợp nào bị xử phạt liên quan đến vi phạm quy định trên, song trong những trường hợp này, rất có thể NĐT không tâm phục, khẩu phục nếu bị phạt.
Trong trường hợp này, cơ chế giao dịch nên được xem xét và sửa đổi, đã mở nên mở thông thoáng, nhằm tạo một sân chơi công bằng. Việc này không những tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT, mà còn đưa TTCK Việt Nam bắt kịp dần các thông lệ quốc tế.
đầu tư chứng khoán
|