Giao dịch nội bộ: Rủi ro cao với cổ đông và doanh nghiệp
Việc QCG phải thực hiện hàng loạt khoản vay và cho vay với cổ đông bị đặt nhiều câu hỏi. Tình trạng này cũng lặp lại ở khá nhiều DN.
* Em gái Quốc Cường vay công ty 20 tỷ đồng mua đất
Hoạt động tín dụng, tài trợ vốn giữa công ty niêm yết và các cá nhân là cổ đông, cổ đông sáng lập hay cổ đông là lãnh đạo DN diễn ra khá nhiều ở các công ty niêm yết. Xung quanh các giao dịch này tiểm ẩn rất nhiều rủi ro cho chính DN và cổ đông khác, ngay cả khi các giao dịch vay mượn không nhằm mục đích vụ lợi.
Dầu Tường An là trường hợp điển hình của việc giao dịch mua nguyên liệu giữa DN với cổ đông lớn.
|
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), Tập đoàn này có một số hoạt động vay và cho vay qua lại với cổ đông. Cụ thể, QCG vay của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT 77,5 tỷ đồng, bà Nguyễn Ngọc Huyền My 70,1 tỷ đồng và cổ đông Lầu Đức Duy 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà My cũng vay lại của QCG 29,1 tỷ đồng và ông Duy vay 33,5 tỷ đồng. QCG cũng cho cổ đông Võ Thị Hồng vay 5,3 tỷ đồng và Lê Thị Kim Chinh 2,76 tỷ đồng.
Ở khoản phải thu của QCG cũng thể hiện cho các cổ đông là bà Chinh vay 21,6 tỷ đồng, bà Hồng vay 51,9 tỷ đồng với lãi suất 20,6 - 25,5%/năm.
Các khoản vay của cá nhân được QCG lý giải là để bổ sung vốn lưu động cho Công ty với lãi suất16,5%/năm, mềm hơn rất nhiều lãi suất mà QCG đang vay của các ngân hàng, thấp nhất là 18%/năm.
Tuy nhiên, phải hiểu như thế nào với các khoản cho vay các cổ đông khác với lãi suất trên 20%/năm? Liệu đây có phải là khoản cho cổ đông vay khó đòi, nên QCG treo với lãi suất cao, nhất là khi báo cáo tài chính cuối năm 2011 cũng thể hiện 2 khoản vay của cổ đông là bà Hồng và bà Chinh? Trong khi đó, QCG phải vay vốn của bà Loan và bà My để bổ sung vốn lưu động. Nhìn vào BCTC các kỳ trước nữa dễ thấy, việc bà Loan và con gái cho QCG vay vốn diễn ra khá thường xuyên.
Theo góc nhìn của một chuyên gia tài chính, trong bối cảnh khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng, DN vay vốn của cổ đông cá nhân diễn ra khá nhiều. Nhưng hoạt động này chỉ nên thật hãn hữu mới làm, bởi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho công ty. Giao dịch vay vốn của cá nhân là giao dịch dân sự nên theo quy định không được quá 150% lãi suất cơ bản, tức 13,5% khi lãi suất cơ bản là 9%. Khi công ty trả lãi với khoản vay vốn từ cá nhân cao hơn mức này thì cơ quan thuế sẽ xuất toán phần chi phí lãi vay vượt quy định khỏi chi phí được tính thuế. Chi phí này cổ đông sẽ phải gánh chịu, tính vào lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, trong trường hợp công ty lâm vào tình trạng khó khăn, khả năng rất cao là các chủ nợ là cổ đông nội bộ sẽ chủ động rút vốn vay trước các chủ nợ khác là ngân hàng, bạn hàng của công ty.
Việc công ty cho cá nhân vay hoặc cho các công ty có liên quan đến cổ đông nội bộ vay vốn càng phức tạp hơn. Như trường hợp của CTCP Thép Nam Kim (NKG), trong khi Công ty phải vay ngân hàng cả nghìn tỷ đồng thì NKG có khoản phải thu với Công ty TNHH Thép Trường Giang tăng từ 165 tỷ đồng hồi đầu năm lên 254 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2012, trong đó toàn bộ là khoản phải thu thương mại. Trong khi đó, khoản nợ NKG phải trả Thép Trường Giang là 54,7 tỷ đồng. Công ty TNHH Thép Trường Giang là cổ đông chiến lược của NKG, chiếm 7,83% vốn (số liệu cập nhật tháng 9/2011). Người đại diện pháp luật của Trường Giang là bà Trần Uyển Nhàn, là vợ ông Chủ tịch HĐQT của NKG.
Theo báo cáo thường niên năm 2011 thì NKG và Trường Giang có các giao dịch mua thép cán nguội, cán nóng 275 tỷ đồng và bán thép tấm 504,7 tỷ đồng. Như vậy, cổ đông chiến lược và NKG có nhiều giao dịch thương mại với nhau.
Trong quá khứ, trường hợp của Dầu Tường An là điển hình của việc giao dịch mua nguyên liệu giữa DN với cổ đông lớn, chiếm 51% vốn, nên không thể kiểm soát được về cơ chế giá khiến các cổ đông lớn khác bất bình, phải thoái vốn hoàn toàn khỏi Tường An. Các giao dịch thương mại giữa công ty niêm yết và công ty có liên quan đến cổ đông nội bộ càng cao thì rủi ro càng lớn. Ngay cả khi các giao dịch được công bố công khai thì việc kiểm soát các giao dịch này được thực hiện theo giá nào, có lợi cho công ty niêm yết hay không, cũng là vấn đề khó.
Hiện nay, các quy định hướng dẫn Luật DN đã mở đường cho cổ đông kiện lãnh đạo DN trong trường hợp lãnh đạo thực hiện các quyết định gây thiệt hại cho cổ đông, như bán hàng với giá rẻ cho công liên quan hay tài trợ vốn dưới hình thức bán hàng trả chậm cho công ty liên quan… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cổ đông hay nhóm cổ đông nào thực hiện quyền này, mặc dù tình trạng chuyển vốn nội bộ diễn ra phổ biến và khả năng gây ảnh hưởng đến cổ đông thiểu số là khá cao.
Thuận An
đầu tư chứng khoán
|